Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều chỉnh tỉ giá: Linh hoạt nhưng đừng gây sốc

 Những thay đổi chính sách tỷ giá vừa qua, có thể đem lại những tác dụng tức thời nhằm khơi thông nguồn cung cầu trên thị trường ngọai tệ, nhưng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường bằng quyết định hành chính sẽ để lại cho xã hội tâm lý bất an khi sở hữu đồng nội tệ.

Trong một thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục có 2 lần thay đổi mạnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ. Lần thay đổi thứ nhất vào ngày 26/11/2009, tỷ lệ phá giá là 5,44%, đồng thời NHNN thu hẹp biên độ biên độ giao động của tỷ giá từ 5% xuống 3%. Lần thay đổi thứ hai, chỉ cách lần thứ nhất chưa đầy 2 tháng, vào ngày 11/2/2010 tỷ giá VND/USD tăng thêm 3,36%. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có thêm một đợt thứ ba trong năm nay, nhưng chưa biết khi nào - có thể vào quý III ?

Thực tế lạm phát của Việt Nam trong 3 năm 2007-2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ, cùng thời kỳ, chỉ khoảng trên dưới 20%. Nhưng cùng thời gian đó, tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể, khiến VND bị định giá cao ngay trong tương quan tỷ giá với USD. Vì vậy, sự điều chỉnh tỷ giá vừa qua là cần thiết, bất chấp động thái này có vẻ như ngược lại với xu hướng mất giá chung của USD trên thị trường thế giới. Linh hoạt tỷ giá, ngày càng trở thành phương châm hành xử phổ biến trong chính sách tỷ giá của hơn ¾ số nước trên thế giới hiện nay.

Việc NHNN liên tục nới rộng tỷ giá VND/USD có những tác động đa chiều đến các chủ thể kinh tế và các biến số kinh tế vĩ mô.

Thâm hụt thương mại không chỉ phụ thuộc tỷ giá:

Trước khi NHNN nới rộng tỷ giá, có nhiều quan điểm cho rằng đồng Việt Nam hiện đang được định giá cao hơn so với đồng USD sẽ làm cho hàng hoá của Việt Nam kém cạnh tranh hơn với hàng nhập khẩu, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nhập siêu.

Tuy nhiên, bên cạnh tỷ giá, vấn đề cán cân thương mại còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố như: khả năng tăng lượng hàng xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, kim ngạch xuất khẩu, tâm lý tiêu dùng, hàng thay thế và hàng bổ sung, hàng thông thường và hàng cao cấp, các nguyên vật liệu và máy móc đặc chủng trong nước chưa sản xuất được, thói quen và mục tiêu sử dụng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp FDI...

Thông tin mới nhất cho biết: Hai sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Việt Nam là lúa gạo và cà phê, trong 2 tháng đầu năm 2010, đều đang trong xu hướng giá giảm; nhưng thép, phân bón lại đang tăng do phải nhập khẩu nguyên liệu.

Như vậy, giữa điều kiện và khả năng cũng như cơ hội để Việt nam thu hẹp khoảng cách cán cân thương mại không hòan tòan phụ thuộc vào tỷ giá. Vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở tiềm lực của các nhà sản xuất, cơ cấu hàng xuất; nhập khẩu, hiệu lực định hướng của Nhà nước trong thị hiếu tiêu dùng ... hiện nay và trong tương lai.

Về mặt lý thuyết, việc phá giá đồng nội tệ sẽ giúp cho hàng hoá nước đó có sức cạnh tranh tốt hơn hàng của nước ngoài, điều này sẽ hỗ trợ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu bằng việc sử dụng hàng nội địa có giá thấp hơn.  Mặc dù vậy, đối với lợi thế có được từ sự can thiệp của Nhà nước này cần hết sức lưu ý đến Luật chống bán phá giá tại các nước sở tại.

Thời gian gần đây, các vụ kiện chống bán phá giá hàng Việt Nam trên một số thị trường xuất khẩu chủ yếu đang rộ lên và việc điều chỉnh tỷ giá (chỉ nâng mà không giảm) liên tục sẽ có khả năng tạo "cớ" cho các đối thủ cạnh tranh vận động hành lang cho các vụ kiện, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang có xu hướng bảo vệ kinh tế và việc làm nội địa bằng các chính sách bảo hộ phi thuế quan khác nhau.

Trong tháng 1-2/2010 tình hình nhập siêu đã khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2009, tuy nhiên đây có phải là do tác động của việc thay đổi tỷ giá hay do nhu cầu nhập khẩu giảm do các nhà sản xuất và thương mại đã nhập khá nhiều trước đó ? Mặc dù vậy, sự kỳ vọng vào những tác động của chính sách tỷ giá đến vấn đề hạn chế nhập siêu đang hiện hữu và sẽ thể hiện rõ hơn vào những tháng tiếp theo.

Nợ nước ngoài: Gánh nặng thuộc về doanh nghiệp

Thời điểm thay đổi tỷ giá, có khá nhiều quan điểm lo ngại về vấn đề các khoản nợ nước ngoài tính bằng đồng ngoại tệ, việc thay đổi tỷ giá sẽ làm gia tăng gánh nặng đối với các khoản nợ này. Tuy nhiên, có một quan điểm hết sức thú vị khi cho rằng việc thay đổi này không làm gia tăng áp lực đối với các khoản nợ nước ngoài của chính phủ vì việc tăng tỷ giá kích thích xuất khẩu, từ đó làm gia tăng nguồn ngọai hối thu về để thanh toán nợ.

Quan điểm này về mặt vĩ mô, đối với các khoản nợ của Chính phủ thì đúng, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thì chưa hoàn toàn đúng. Đặc biệt ở các doanh nghiệp vay ngoại tệ để xây dựng nhà máy, triển khai dự án, nhưng sản phẩm của dự án lại được tiêu thụ chủ yếu trong nước, được định giá bằng đồng Việt Nam.

Việc nới lỏng tỷ giá vừa qua cũng đã khiến cho các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có nhiều doanh nghiệp lợi nhuận làm ra cả năm không đủ bù đắp khoản chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay ngoại tệ của mình, mà đôi khi, vấn đề này còn phụ thuộc vào chế độ hạch toán kế toán. Tiêu biểu cho trường hợp này là Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại trong năm 2008-2009: Công ty đã phải trích lập quỹ dự phòng do trượt tỷ giá giữa đồng Yên (Nhật Bản) với Đồng Việt Nam với giá trị vượt 30% so với lợi nhuận sản xuất kinh doanh cả năm 2008.

Tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do

Nhìn vào khoảng thời gian qua, dường như chính sách tỷ giá của NHNN chỉ nhằm rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do, thu hút lượng ngọai hối về ngân hàng để phục vụ mục tiêu điều hành của Chính phủ.

Lần điều chỉnh đầu tiên tạo khoảng cách chênh lệch là 1.000 VND/USD. Cũng trong thời điểm này, có nhiều đánh giá cho thấy lượng tiền USD của các tổ chức, cá nhân gửi tại Ngân hàng lên tới 20 tỷ USD, tuy nhiên sau khi rà soát lại thì lượng tiền của các Tập đoàn kinh tế quốc doanh chỉ có 1,9 tỷ USD gửi các kỳ hạn tại Ngân hàng. Khi cung cầu ngọai tệ căng thẳng, Thủ tướng đã quyết định bắt buộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước bán ngoại tệ hiện có của mình cho Ngân hàng để bình ổn cung cầu. Tuy nhiên điều này không được thực hiện một cách triệt để.

Vậy có phải do việc thay đổi tỷ giá của NHNN chưa đáp ứng được kỳ vọng của người cầm tiền? Hay nói cách khác, người cầm USD tin rằng sẽ phải có thêm sự điều chỉnh (tăng) nữa ?

Việc tiếp tục nới lỏng tỷ giá VND/USD lần thứ hai cho thấy kỳ vọng của người cầm tiền đã đúng, củng cố tâm lý tiếp tục găm giữ ngọai tệ và thị trường lại khan hiếm dòng vốn ngọai tệ luân chuyển, ngân hàng tiếp tục nâng tỷ giá và ....khép kín một vòng tròn luẩn quẩn.

Dù thế nào thì việc tỷ giá niêm yết biến động mạnh với tần suất cao, không có tín hiệu cho trước  để "đuổi theo" tỷ giá tự do cũng sẽ là một trong những hệ quả xấu của chính sách. Mặt khác, quyết định hành chính này cũng đẩy mạnh kỳ vọng của người cầm tiền USD vào những biến động trong tương lai của tỷ giá.

Những thay đổi chính sách tỷ giá vừa qua, có thể đem lại những tác dụng tức thời nhằm khơi thông nguồn cung cầu trên thị trường ngọai tệ, nhưng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường bằng quyết định hành chính sẽ để lại cho xã hội tâm lý bất an khi sở hữu đồng nội tệ. Những người làm chính sách cần phải có xem xét toàn diện hơn khi triển khai những quyết định thay đổi tỷ giá bất ngờ, không thể ra quyết định chỉ phục vụ giải quyết tình huống mà quên đi những tác động có tính dài hạn hơn.

(Tuanvietnamnet)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Jim Rogers duy trì cái nhìn khả quan về thị trường kim loại quý
  • Dubai World sẽ tự xé lẻ để tồn tại?
  • Tín dụng bắt đầu tăng trưởng mạnh
  • “Trật tự” mới cho lãi suất huy động?
  • HSBC dự báo Việt Nam năm 2010: Nguy cơ “ổ voi” lạm phát
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Các dự báo khác nhau về giá vàng năm 2010
  • Khi quốc gia trở thành con nợ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!