19 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có thị phần kết hợp 99,79% vừa bị phát hiện vi phạm Luật Cạnh tranh và bị phạt 1,7 tỷ đồng đã bộc lộ nhiều vấn đề chưa ổn của thị trường BH. Đây là hậu quả của việc các DNBH kéo dài cuộc cạnh tranh bằng cách đua nhau hạ phí.
Lỗ vì giành giật khách hàng
Năm 1999 Việt Nam mới có 10 DNBH phi nhân thọ hoạt động, đến nay đã có gần 30 DNBH phi nhân thọ, với trên 500 chi nhánh tại các địa phương. Tính cạnh tranh của thị trường BH trở nên gay gắt, không chỉ cạnh tranh giữa các DNBH với nhau, thậm chí còn cạnh tranh giữa các công ty thành viên, chi nhánh cùng một DNBH.
Những DNBH hoặc chi nhánh mới bước vào hoạt động, hướng phát triển doanh thu đầu tiên thường là BH xe cơ giới bởi nhiều tiềm năng, ít phải đào tạo và đầu tư, dễ giành giật khách hàng. Do vậy, các DNBH thường chọn biện pháp hạ phí BH so với đối thủ để thu hút khách hàng của các DNBH khác khi hết hạn hợp đồng. Việc giành giật này đã đưa đến hậu quả tỷ lệ bồi thường cao, nhiều DNBH lâm vào cảnh thua lỗ.
Theo số liệu của Hiệp hội BH, trong thị trường BH xe cơ giới năm 2007, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu 48% (1.278 tỷ đồng/2.550 tỷ đồng), năm 2008 57% (1.830 tỷ đồng/3.183 tỷ đồng), năm 2009 48% (2.087 tỷ đồng/4.375 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ bồi thường quá cao, vì tính cả doanh thu của năm được hưởng và doanh thu của năm sau (doanh thu trả trước cho hợp đồng BH còn có giá trị từ tháng 1 đến tháng 12 của năm sau).
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2008 (năm hầu hết các DNBH phi nhân thọ đều thua lỗ nghiệp vụ BH) toàn khối phi nhân thọ lỗ 163 tỷ đồng, trong đó lỗ về nghiệp vụ: Bảo Minh (40 tỷ đồng), Toàn Cầu (8 tỷ đồng), PVI (4,6 tỷ đồng), Viễn Đông (19 tỷ đồng), AAA (19,5 tỷ đồng), BIC (18,5 tỷ đồng), ABIC (37,5 tỷ đồng), Bảo Ngân (8,3 tỷ đồng), Bảo Tín (6,1 tỷ đồng)…
Năm 2009, tổng số lỗ nghiệp vụ BH của toàn thị trường BH phi nhân thọ 264 tỷ đồng, chỉ có 10 DNBH có lãi về nghiệp vụ BH là Bảo Việt (20 tỷ đồng), PVI (19,2 tỷ đồng), PJICO (3 tỷ đồng), MIC (9,5 tỷ đồng), Bảo Ngân (7,2 tỷ đồng), Toàn Cầu (1 tỷ đồng), UIC (3 tỷ đồng), SVI (7,2 tỷ đồng), QBE (5,6 tỷ đồng), VIA (4,3 tỷ đồng).
Lấy thu nhập từ đầu tư tài chính bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ, vẫn còn 4 DNBH lỗ là Liberty, Groupama, Fubon, MSIG. Đã có DNBH không đảm bảo khả năng thanh toán, tổng lỗ lũy kế sau hơn 2 năm hoạt động lên tới 299 tỷ đồng trong vốn điều lệ 32 tỷ đồng, nên phải bổ sung vốn cho đủ vốn pháp định.
![]() |
CTCP bảo hiểm Toàn Cầu năm 2008 đã phải ôm món lỗ 8 tỷ đồng, năm 2009 mới có lãi. |
Thiếu hiểu biết?
Tại hội nghị CEO phi nhân thọ vào năm 2008, 15/25 DNBH đã thống nhất điều chỉnh mức phí BH từ 1,3% lên 1,56% (chưa VAT) dựa vào nguyên nhân chi phí sửa chữa tăng (giá cả phụ tùng, công sửa chữa) trong khi tỷ lệ bồi thường BH xe cơ giới quá cao, không đảm bảo an toàn khả năng tài chính của DNBH.
Việc làm này phù hợp với quy định tại điều 20 Nghị định 45/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BH là: “Phí BH phải được xây dựng trên số liệu thống kê, đảm bảo khả năng thanh toán của DNBH và tương ứng với điều kiện và trách nhiệm BH”. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vi phạm Luật Cạnh tranh khi các DN đạt thị phần trên 30% lại cùng nhau thỏa thuận ấn định giá.
Tại phiên điều trần trong 2 ngày 27 và 28-7-2010, các DNBH thừa nhận đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc khi công chúng và cả những lãnh đạo DN lại chưa hiểu biết thấu đáo luật, nên đã vi phạm. Hành vi vi phạm của DNBH được xác định khá dễ dàng, vì những thỏa thuận đó được công bố công khai.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra sau bài học này là các hành vi vi phạm của các DN tại những lĩnh vực khác, nếu có, sẽ ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn, nhất là tại những ngành có DN lớn chi phối. Thực tế từ khi Luật Cạnh tranh ra đời đến nay, ngoài hành vi vi phạm của các DNBH, còn có những biểu hiện vi phạm Luật Cạnh tranh khác nhưng chưa bị xem xét xử lý.
Chẳng hạn hãng Hàng không Pacific Airlines (nay là Jestar Pacific Airlines - JPA) từng cho rằng dù đang giữ đến 85% thị trường nội địa nhưng Vietnam Airlines liên tục tung ra các chương trình khuyến mại giảm giá vé, trên các đường bay có JPA tham gia khai thác; Megastar tận dụng ưu thế lớn trên thị trường để nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành… Điều đó cho thấy không phải dễ hạn chế được hành vi thao túng thị trường.
(Theo HÀ MY // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com