Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao điều chỉnh tỷ giá VND/USD?

“Nhằm góp phần kiềm chế nhập siêu, ngày 17/8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD”.

Chiều 17/8, trên website chính thức của Ngân hàng Nhà nước tại địa chỉ sbv.gov.vn loan báo đi thông tin này một cách ngắn gọn.

Như vậy, USD trên thị trường ngân hàng sẽ được giao dịch trong biên độ chính thức từ 18.364 đến sát 19.500 đồng/USD. Thực tế, sáng nay, lúc 9h, Vietcombank niêm yết mua USD ở mức 19.245 đồng và bán ra 19.310 VND/USD, tăng tương ứng 147 VND/USD và 210 VND/USD so với giá niêm yết ngày hôm qua.

Tại một số điểm thu mua ngoại tệ tại thị trường Hà Nội, sáng nay (18/8), USD được mua bán dao động quanh mức 19.350 VND/USD (mua vào) - 19.400 (bán ra).

Trong quyết định điều chỉnh tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thực hiện điều này để “góp phần kiềm chế nhập siêu”, điều này dường như chưa thuyết phục. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập siêu tháng 7 tiếp tục dưới 1 tỷ USD và mốc này đã được giữ vững trong 3 tháng liên tiếp gần đây.

Nhập siêu 7 tháng đầu năm cũng mới đạt 7,25 tỷ USD, chỉ bằng 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ và đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, chỉ tiêu này xuống dưới ngưỡng mục tiêu 20% mà Quốc hội đã thông qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán 6 tháng đầu năm thặng dư khoảng 3,43 tỷ USD, ở tình trạng khá tốt so với giai đoạn trước đó. Hơn nữa, thanh khoản USD tại hệ thống ngân hàng thương mại cũng dư thừa.

Nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2010, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2,4% so với tháng 12/2009, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 34,4% trong cùng so sánh.

Trở lại với quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, Chính sách tỷ giá mới không phải là một động thái bất ngờ. Theo một nguồn tin của báo, trong buổi họp ngày hôm qua (17/8), Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đưa ra nhận định, tỷ giá có xu hướng tăng, đồng thời cảnh báo về những rủi ro liên quan đến mất giá VND.

Nhưng với việc SBV không sử dụng giải pháp tung USD ra bán để hạ nhiệt tỷ giá trên thị trường đã đưa đến những nghi ngại về dư địa chính sách.

Trước đó, trong một lần trao đổi với báo giới, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã “mỏng” hơn khiến cho dư địa chính sách hạn hẹp. Cho nên, thâm hụt cán cân thương mại, cán cân vãng lai dù không quá lớn vẫn tác động nhất định đến tỷ giá trên thị trường.

Nhìn nhận về ảnh hưởng từ quyết định vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, tại cuộc trao đổi với phóng viên tối ngày 17/8, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước đưa những tín hiệu tốt cho thị trường tiền tệ, bởi vì tỷ giá VND/USD đã được giữ quá lâu, từ tháng 2 đến nay, và xa rời thực tế hoạt động ngoại hối trên thị trường.

Ở một góc nhìn khác, trong hội thảo tại Viện Kinh tế Chính trị Thế giới sáng 17/8, GS. Võ Đại Lược dẫn lại một nghiên cứu cho rằng, VND đã được định giá cao hơn thực tế khoảng 13% tại thời điểm đầu năm 2010, là nguyên nhân dẫn đến hạ giá VND hiện nay.

Đánh giá về tác động của chính sách tỷ giá mới đến cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam, TS. Ánh cho rằng đây là một bài toán khá phức tạp và chưa thể khẳng định được rằng sẽ ảnh hưởng thế nào đến giao thương quốc tế.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp được báo giới tiếp cận chia sẻ rằng, với lãi suất vay ngân hàng khá cao, khoảng từ trên 14%, trong khi tình hình kinh doanh chưa mấy thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã không tính rủi ro tỷ giá vào giá thành sản xuất cho nên chắc chắn sẽ gặp bất lợi khi tỷ giá được điều chỉnh tăng lên, đặc biệt với các doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất...

Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này thực tế chỉ giúp họ hợp thức hóa khoản chênh lệch mua USD mà trước kia vẫn phải mua giá cao nhưng hạch toán phải theo giá niêm yết.

(NDHMoney)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thông tư 13 “bó” ngân hàng trong phát triển tín dụng
  • Vị trí đồng tiền thay đổi: Có đáng lo?
  • Còn quá sớm để tuyệt vọng về kinh tế Mỹ
  • Ép dân để chạy theo tiến độ
  • Bảo hiểm: Người nghèo khó với!
  • Cấm kinh doanh cũng phải có cơ sở
  • Không thể cản bước giá vàng?
  • Cấm kinh doanh vàng tài khoản: Quản lý không bắt kịp thực tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!