![]() |
Thị trường bất động sản suy giảm kéo dài có thể sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng thương mại bị ảnh hưởng. Trong ảnh là một dự án đô thị mới ở quận 7, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Vào thời điểm hiện tại, việc hoạch định, xây dựng một tầm nhìn cho thập kỷ tới về mặt kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách liên quan đến tài chính, có ý nghĩa rất quan trọng trên con đường phát triển của Việt Nam.
Việt Nam bước vào thập niên 2011-2020 với những đặc điểm quan trọng: di sản từ cuộc cải cách hai thập kỷ, gắn liền với những xáo trộn to lớn của nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng khoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Việc nhận ra những điểm yếu căn bản của nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu để trên cơ sở đó phân tích những rủi ro liên quan đến kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính mà Việt Nam phải đối mặt là điều cần thiết. Từ đó, đưa ra giải pháp để giảm thiểu rủi ro, góp phần hướng đến sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Nhận diện rủi ro Nền kinh tế Việt Nam đang có sự mất cân đối lớn về kinh tế, trong đó cốt lõi là mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư, với thâm hụt ngân sách có vai trò xuyên suốt. Tình trạng mất cân đối nói trên tồn tại ở quy mô lớn và kéo dài bắt nguồn từ việc Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư, trong đó đầu tư nhà nước có vai trò to lớn. Thâm hụt tiết kiệm khiến lãi suất bị giữ ở mức cao, đồng thời thâm hụt ngân sách dai dẳng có thể là nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát luôn ở mức cao trong nhiều năm. Thâm hụt tiết kiệm tự nó dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai cao một cách tương ứng. Trong đó, thâm hụt thương mại là cốt lõi của thâm hụt vãng lai. Trong bối cảnh có lạm phát cao và liên tục, nhưng Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá danh nghĩa, dẫn tới tình trạng đồng tiền Việt Nam liên tục tăng giá trong năm năm gần đây. Điều này góp phần làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, làm trầm trọng hơn thâm hụt thương mại, đồng thời, tăng rủi ro tỷ giá. Thâm hụt tiết kiệm - đầu tư lớn, trong đó có thâm hụt ngân sách cao, khiến lãi suất bị giữ ở mức cao gây cản trở tăng trưởng và tích tụ rủi ro tài chính, đặc biệt trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, thâm hụt ngân sách và lãi suất cao cũng thu hẹp dư địa của hai công cụ quan trọng là chính sách tài khóa và tiền tệ, khiến chính sách kinh tế vĩ mô khó phản ứng trước những cú sốc của nền kinh tế, hoặc nếu phản ứng thì gây chi phí cao. Sự thâm hụt tiết kiệm - đầu tư trong nền kinh tế chỉ có thể được đáp ứng thông qua dòng vốn nước ngoài, nghĩa là đòi hỏi cán cân vốn luôn ở trạng thái thặng dư. Đồng thời, cán cân vãng lai thường xuyên thâm hụt bằng mức thâm hụt tiết kiệm - đầu tư. Trong trường hợp dòng vốn chảy vào lớn hơn mức thâm hụt vãng lai, giá trị đồng Việt Nam không bị sức ép mất giá, có thể mở đường cho việc giảm lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên, rủi ro sẽ lớn khi dòng vốn chững lại hoặc đảo chiều, khiến đồng Việt Nam mất giá. Để chống đỡ, lãi suất có thể phải tăng mạnh trở lại, tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và hệ thống tài chính nói chung. Đây chính là kịch bản rủi ro nổ ra một cuộc khủng hoảng đôi (khủng hoảng tiền tệ đi liền với khủng hoảng ngân hàng). Ngoài ra, tình trạng hiện thời của bản thân hệ thống tài chính cũng không lành mạnh. Thông tin trên thị trường không cân xứng, rủi ro đạo đức cao trong các khoản tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (vẫn chiếm khoảng 30% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng). Khu vực DNNN do được hưởng ngân sách mềm dưới nhiều hình thức, cùng những biện pháp ưu đãi từ Chính phủ, có khuynh hướng được hưởng lãi suất thực thấp hơn mức thị trường, dẫn tới tình trạng vay quá mức. Kết hợp với rủi ro đạo đức trong các khoản vay, điều này tích tụ những rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Khi gặp các điều kiện bất lợi, bản thân các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc phá sản, các ngân hàng sẽ trực tiếp chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thị trường tài sản còn mỏng và chịu tác động mạnh của các luồng vốn bên ngoài và trong nước, khiến các thị trường có khuynh hướng trong trạng thái bong bóng kéo dài, đặc biệt là thị trường bất động sản. Khi có hiện tượng vỡ bong bóng hoặc suy giảm giá bất động sản kéo dài, hệ thống NHTM có thể đình trệ vì hiệu ứng giảm giá trị tài sản. Với cấu trúc thị trường ngân hàng như hiện nay, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, thiếu sức cạnh tranh rất dễ bị tổn thương trước những rủi ro đã nêu. Do đó, việc tăng cường giám sát các ngân hàng là rất cần thiết để có thể đưa ra những cảnh báo sớm. Về nợ của Chính phủ, hiện nay các chỉ số chủ yếu vẫn trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp một cuộc khủng hoảng ngân hàng hoặc khủng hoảng tiền tệ nổ ra, đặc biệt nếu có cuộc khủng hoảng đôi, thì Chính phủ sẽ phải tham gia giải cứu hệ thống ngân hàng, khiến vay nợ Chính phủ sẽ tăng lên rất nhanh. Trong tình huống đó, khủng hoảng nợ có thể là một nguy cơ hiện hữu. Nói tóm lại, rủi ro chính hiện nay trong nền kinh tế đến từ các yếu tố bất lợi như lãi suất cao kéo dài, tiền đồng bị định giá cao trong khi tỷ giá bị neo tương đối ổn định, hệ thống DNNN có khuynh hướng vay quá mức với chất lượng tín dụng thấp, thị trường tài sản nhạy cảm trước động thái của các dòng vốn. Tất cả những yếu tố này chủ yếu đè nén lên hệ thống NHTM. Cần củng cố lại những yếu tố căn bản Về nguyên tắc, những yếu tố căn bản nhất của nền kinh tế cần đuợc củng cố, đồng thời nên thiết lập một lộ trình hội nhập tài chính sáng suốt. Với thực trạng mất cân đối lớn giữa đầu tư và tiết kiệm, nhất là trong khu vực công, thì vấn đề kỷ luật tài khóa có ý nghĩa sống còn trong việc gây dựng một chương trình cải cách phục hồi sức mạnh của nền kinh tế. Có thể coi đây là xuất phát điểm, nút thắt đầu tiên cần được tháo gỡ. Kỷ luật tài khóa cần được khôi phục, mà biểu hiện là thâm hụt ngân sách tính theo GDP phải giảm dần trong những năm kế tiếp. Để làm được điều này, cần giảm sức ép lên chi tiêu công và đồng thời cải thiện nguồn thu ngân sách. Để giảm sức ép lên chi ngân sách, Nhà nước cần rút khỏi hoạt động kinh tế một cách vững chắc, thông qua việc bán tài sản trong các doanh nghiệp (quá trình cổ phần hóa). Mục tiêu của việc bán tài sản không phải là để tăng thu ngân sách, mà thực chất là để giảm sức ép lên chi ngân sách trong tương lai, hoặc những biến cố mang tính rủi ro liên quan đến tài chính. Trên cơ sở thu hẹp khu vực DNNN, chất lượng đầu tư ở mức độ xã hội có thể sẽ được nâng lên, và hiện tượng đầu tư quá mức có thể được giảm trừ, dẫn đến cải thiện tình hình mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư, nhờ đó giảm thâm hụt cán cân vãng lai. Đồng thời, hệ thống doanh nghiệp có điều kiện để minh bạch hóa hơn, tránh tích tụ rủi ro đạo đức ngày càng cao. Đây có lẽ là cách phòng ngừa rủi ro vĩ mô hữu hiệu nhất trong tương lai. Tiếp đó, một khía cạnh khác của kỷ luật tài chính cần được xây dựng là tách bạch dần hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khỏi ảnh hưởng trực tiếp của Chính phủ. Thực hiện kỷ luật tài khóa theo hướng này giúp NHNN có mục tiêu rõ ràng hơn trong ổn định kinh tế vĩ mô (như giảm lạm phát). Để cải thiện nguồn thu cho ngân sách, cần giảm dần sự phụ thuộc thu ngân sách vào khu vực DNNN, tăng cường nguồn thu từ khối doanh nghiệp nói chung và có thể là thuế thu nhập cá nhân (mở rộng cơ sở nộp thuế để tăng nguồn thu). Sau giai đoạn xây dựng được kỷ luật tài khóa, cần xem xét thực hiện một lộ trình tự do hóa tài chính gồm hai giai đoạn. Mục đích của lộ trình này là giảm thiểu những rủi ro từ việc tự do hóa tài chính quá nhanh, đặc biệt trong tài khoản vốn, nhằm bảo vệ đồng Việt Nam trước những cú sốc lớn do diễn biến khó lường của dòng vốn gián tiếp (ngăn chặn khả năng xảy ra khủng hoảng tiền tệ). Giai đoạn thứ nhất là kiểm soát dòng vốn nước ngoài và tài khoản vốn ở mức chặt chẽ nhất có thể trong các cam kết hiện nay (WTO và các hiệp định song phương), đồng thời củng cố thị trường tài chính trong nước thông qua việc tăng cường chất lượng chính sách đi liền với tự do hóa các thị trường này (lãi suất và tỷ giá). Đây cũng là giai đoạn thiết lập một thị trường ngoại hối với nhiều công cụ phái sinh đa dạng, cho phép hệ thống tài chính và doanh nghiệp phát triển hệ thống công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Cụ thể, Nhà nước cần điều chỉnh chế độ tỷ giá theo hướng thị trường (thông qua cân bằng cung cầu), giảm các can thiệp theo hướng neo cố định tỷ giá. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu được tạo điều kiện làm quen hơn với những dao động của tỷ giá và các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, Chính phủ cần theo dõi và giám sát nguồn cung của tỷ giá thông qua giám sát luồng vốn chu chuyển, đặc biệt là luồng vốn gián tiếp. Cần áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn (gián tiếp) để quá trình trên diễn ra có hiệu quả. Tăng hiệu lực của các chính sách tiền tệ, xây dựng hệ thống công cụ và quy định chính sách để nâng cao độ sâu tài chính và tỷ trọng tín dụng qua hệ thống ngân hàng trong nước. Quan trọng hơn, cần thực thi các chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng bình đẳng với các doanh nghiệp khác để tránh cho vay quá mức và mở rộng cơ hội cho khu vực ngoài DNNN. Khi kỷ luật ngân sách được thiết lập thành công và hệ thống doanh nghiệp được cải cách hữu hiệu, nợ nước ngoài và nợ công sẽ không còn là một nguy cơ lớn đối với Việt Nam. Ngoài ra, các chính sách kinh tế vĩ mô cần hướng tới các biến số có thể kiểm soát được, như lạm phát và cân bằng ngân sách, thay vì tốc độ tăng trưởng. Chính phủ chỉ nên dự báo chỉ số tăng trưởng thay vì huy động nguồn lực để thực hiện. Theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề của thị trường tài sản để can thiệp một cách thích hợp. Trong các kế hoạch cân đối vĩ mô, không nên đưa dòng vốn gián tiếp vào thiết kế chính sách như một nguồn bù đắp cán cân vãng lai mà nên đưa vào đối tượng trung hòa của NHNN để tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, cần kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ để tránh lạm phát. Trong giai đoạn thứ hai của quá trình này, cần nới lỏng kiểm soát tài khoản vốn để tiến tới tự do hóa hơn, nhưng với điều kiện thị trường và các thể chế tài chính trong nước đã hoạt động ổn định và có sức cạnh tranh. Có thể nói đây là giai đoạn hoàn thành quá trình tự do hóa tài chính và thực hiện hội nhập tài chính toàn diện vào nền kinh tế thế giới.Kỷ luật tài khóa cần được khôi phục, mà biểu hiện là thâm hụt ngân sách tính theo GDP phải giảm dần trong những năm kế tiếp.
(Theo TS. Nguyễn Đức Thành // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com