Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải ngân ngoại tệ ở mức cao

Lãi suất thấp, tỷ giá ổn định đã khiến các doanh nghiệp vay ngoại tệ càng nhiều hơn. Tuy nhiên nguồn vốn này lại kén chọn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu.

Tốc độ vay USD tăng nhanh

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB), cho biết tốc độ cho vay ngoại tệ tại ACB trong tháng 5 vẫn tăng nhanh hơn so với tiền đồng. Điều này cũng xảy ra tương tự ở các NH khác.

Theo thông tin từ NH Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 5, tốc độ cho vay tiền đồng của các NH chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2009, trong khi tốc độ cho vay ngoại tệ cao gấp 10 lần, lên đến 25%. Nguyên nhân là do lãi suất vay ngoại tệ chỉ từ 5,5% - 8%/năm, quá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vay USD. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ là tỷ giá đã được giải tỏa khi NH Nhà nước phát đi thông điệp vào giữa tháng 5 là “sẽ duy trì tỷ giá ổn định trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tương đối ổn định và diễn biến theo chiều hướng tích cực”.

Trong kết quả khảo sát 5.120 doanh nghiệp vừa và nhỏ của NH HSBC về chỉ số tin cậy thương mại ở 17 thị trường, trong đó có Việt Nam trong 6 tháng tới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã bớt quan ngại về tác động tiêu cực của tỷ giá hối đoái. Bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc Trung tâm Thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng NH TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) nhận định: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam liên tục theo dõi tình hình tỷ giá và xem đây là một trong những yếu tố rủi ro phải được quản lý thay vì chỉ lo sợ nó.

Trên thực tế, trong những tháng gần đây, các NH mua được ngoại tệ, đặc biệt là ngoại tệ mặt từ dân cư để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các khách hàng. Chính vì vậy, giá USD trong NH dao động quanh 19.000 đồng/USD khiến "tâm lý tỷ giá" của doanh nghiệp cũng bớt phập phồng.

Siết cho vay nhập khẩu

Thế nhưng các NH hiện nay đang bắt đầu siết cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu. Theo công bố của Bộ Công thương, ước tính số nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2010 khoảng 5,3 tỉ USD. Để hạn chế tình hình nhập siêu, gần đây Bộ Công thương đã có công văn gửi NH Nhà nước hạn chế cho vay ngoại tệ đối với 4 mặt hàng gồm: thép (thép cán nguội khổ hẹp và thép cuộn), đường, muối và phân NPK. Theo Bộ Công thương, 4 mặt hàng này thuộc danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất và đáp ứng đủ nhu cầu, do vậy không khuyến khích nhập khẩu để giảm áp lực gia tăng nhập siêu. Trước đó, Bộ Công thương đã có yêu cầu siết cho vay ngoại tệ đối với gần 1.500 chủng loại hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.

Ông Lý Xuân Hải cho biết thêm, để hạn chế cho vay ngoại tệ đối với những doanh nghiệp nhập khẩu những loại hàng hóa không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích, ACB không khuyến khích nhân viên tiếp cận những doanh nghiệp này. Đồng thời điều kiện vay vốn ngoại tệ của những doanh nghiệp này cũng cao hơn các doanh nghiệp khác.

Theo ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc NH TMCP Phương Nam (SouthernBank), SouthernBank áp dụng các điều kiện xét duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhập khẩu cao hơn so với doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời NH cũng áp dụng mức lãi suất cho vay USD đối với doanh nghiệp nhập khẩu những loại hàng hóa không khuyến khích ở mức cao nhất. Ông Khang cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu vay, sau này họ có nguồn ngoại tệ từ nước ngoài thanh toán để trả nợ cho NH. Còn những doanh nghiệp nhập khẩu vay, đến thời hạn trả nợ, họ lại phát sinh nhu cầu mua USD trong nước. Trong cùng một thời điểm, các doanh nghiệp đến hạn trả nợ, gây áp lực lên cung - cầu ngoại tệ cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của NH. Do đó NH sẽ yêu cầu doanh nghiệp cân đối nguồn USD như thế nào thì mới cho vay USD. Chính vì vậy, số lượng ngoại tệ SouthernBank cho doanh nghiệp xuất khẩu vay chiếm tới 80% dư nợ ngoại tệ.

(Báo Thanh niên)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Siết chặt kiểm tra lãi suất
  • Rủi ro đằng sau những con số
  • Khi ngân hàng nhà nước giận
  • Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và những ảnh hưởng đến Việt Nam
  • Tăng vốn điều lệ theo lộ trình: Tranh thủ thời gian vẫn khó
  • Áp lực tăng trưởng tín dụng
  • Lý giải sự “tăng tốc” của giá vàng
  • Nhà đầu tư ngó nghiêng 9 ha đất "kim cương"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!