Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS Lê Hồng Giang: Dòng vốn chảy vào vượt nhiều lần giá trị 500 tấn vàng

"Việt Nam vẫn "chưa mạnh" không phải vì thiếu vốn”, TS Lê Hồng Giang nhận định về đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết sắp tới sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân với ước tính vào khoảng 300 - 500 tấn, để phục vụ cho phát triển kinh tế.

Dưới đây là trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Lê Hồng Giang, hiện đang Quản lý danh mục đầu tư ngoại hối, quỹ phòng hộ của Tactical Global Management, xung quanh vấn đề đang được quan tâm.

Là một chuyên gia kinh tế độc lập, ông có thể phân tích về vấn đề huy động vàng thuần túy trên quan điểm kinh tế học?


Trên quan điểm thuần túy lý thuyết kinh tế học vĩ mô, thử tưởng tượng một nền kinh tế đóng, không có trao đổi ngoại thương và đầu tư với bên ngoài. Giả sử nền kinh tế đó có "500 tấn vàng trong dân" và người dân mong muốn giữ 400 tấn như một hình thức tiết kiệm (cất giữ giá trị), 100 tấn còn lại được các tiệm vàng giao dịch hàng ngày như một dạng trung gian trao đổi song song với nội tệ.

Vào một thời điểm nào đó người dân bất ngờ có nhu cầu giảm tiết kiệm và muốn bán bớt vàng, có thể vì họ cần tăng chi tiêu hay xuất hiện một số cơ hội đầu tư tốt. Điều này cho thấy họ lạc quan hơn về tương lai kinh tế của mình và của cả xã hội. Nếu mong muốn giữ vàng giảm xuống còn 300 tấn, tổng số vàng được giao dịch sẽ tăng lên 200 tấn.

Vì vàng không bị cấm sử dụng như một hình thức trung gian trao đổi, việc lượng vàng được giao dịch hàng ngày tăng lên tương đương như cung tiền tăng. Việc tăng cung tiền này nằm ngoài ý chí của ngân hàng trung ương, hoàn toàn vì người dân thay đổi mong muốn của mình vì họ thấy lạc quan về tương lai.

Trong ngắn hạn, tổng cầu (AD) tăng lên dẫn đến lạm phát tăng (nhưng giá vàng giảm), tổng cung (AS) sẽ tăng trong tương lai (vì đầu tư tăng) còn trong ngắn hạn nó phụ thuộc vào năng lực sản xuất, nghĩa là nền kinh tế hiện tại đã sử dụng hết công suất hay chưa.

Nếu nền kinh tế đã hết công suất, tổng cung (AS) không thể tăng trong ngắn hạn nên GDP không tăng và kết quả là chỉ có lạm phát gia tăng, nghĩa là người dân đã sai lầm khi quá lạc quan vào tương lai kinh tế và đẩy nền kinh tế phát triển quá nóng.

Theo ông, việc huy động vàng trong dân có tác động thế nào đối với nền kinh tế?

Những lập luận trên cho thấy việc "huy động" thêm 100 tấn vàng trong dân sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào khả năng "hấp thu" thêm số vốn này của nền kinh tế, nói cách khác là nền kinh tế còn năng lực để sản xuất thêm hay không.

Điều này cũng đúng với bất kỳ loại tài sản tiết kiệm nào khác chứ không chỉ với vàng. Khi người dân bán bớt của cải (vàng, đô la, đất đai,...) để đầu tư hay tăng tiêu dùng, có thể vì họ lạc quan hơn hay họ nghe theo lời kêu gọi "huy động vốn trong dân" của nhà nước, thì tác động cuối cùng phụ thuộc vào năng lực sản xuất thực của nền kinh tế vào thời điểm đó.

Xét trên quan điểm tiền tệ, ngân hàng trung ương hoàn toàn có thể tăng cung tiền mà không cần người dân bán vàng hay các tài sản khác nếu cơ quan này cho rằng nền kinh tế còn năng lực sản xuất dư thừa. Những nhà kinh tế học Keynes và tiền tệ cho rằng việc cung tiền tăng do ngân hàng trung ương chủ động làm như vậy tương đương như trường hợp người dân lạc quan hơn và gián tiếp làm tăng cung tiền thông qua việc bán bớt tài sản.

Tất nhiên việc đánh giá năng lực sản xuất của nền kinh tế không dễ nên nếu ngân hàng trung ương không "giỏi" thì tốt nhất nên để người dân và nền kinh tế tự quyết định có nên tăng cung tiền hay không. Tương tự như vậy, kêu gọi hay ép buộc "huy động vốn/vàng trong dân" vừa thừa, vừa có rủi ro khi người làm chính sách đánh giá sai tình trạng năng lực sản xuất hiện tại.

Theo đánh giá của NHNN thì "lượng vàng trong dân tương đối lớn, khoảng 300 - 500 tấn. Nếu chúng ta không huy động được số vàng này trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đất nước chưa thể mạnh lên được", ông đánh giá gì về quan điểm trên của thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình?

Tôi không rõ ý ông Bình nói "đất nước chưa thể mạnh lên" nghĩa là gì, nếu chỉ đơn thuần về mặt kinh tế thì e rằng không chính xác. 500 tấn vàng tương đương khoảng 30 tỷ USD ở thời giá hiện tại, đây là một con số lớn nhưng nếu so với các nguồn vốn khác của xã hội nó không quá quan trọng. Trong 15-20 năm qua chỉ riêng kiều hối, FDI, ODA chảy vào nền kinh tế đã vượt nhiều lần giá trị của 500 tấn vàng, Việt Nam vẫn "chưa mạnh" không phải vì thiếu vốn.

Vấn đề của Việt Nam theo tôi là giới hạn năng lực sản xuất của nền kinh tế. Với một nền kinh tế mở chứ không đóng như giả định ban đầu, năng lực sản xuất sẽ bớt chặt vì người dân có thể bán vàng ra nước ngoài để đổi lấy máy móc, hàng hóa, dịch vụ về cho mục đích đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên điều này chủ yếu giúp cho lạm phát không tăng cao chứ GDP không được lợi gì (sản xuất trong nước không tăng) nếu năng lực sản xuất nội địa đã tới hạn.

Giới hạn năng lực của nền kinh tế do cơ sở hạ tầng yếu kém, bị thắt cổ chai, nhân công không đủ trình độ, kỷ luật lao động kém, và nhất là hệ thống hành chính có bản chất đúng với nghĩa đen "hành là chính". Thêm vào đó, trong cái năng lực sản xuất vốn đã quá hẹp này nhà nước lại muốn phần của mình thật nhiều, tất nhiên sẽ chèn lấn năng lực sản xuất đáng ra phải dành cho khu vực tư nhân.

Duy Linh (thực hiện) // Tia Sáng

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thắt chặt tiền tệ quá mức là bóp nghẹt nền kinh tế?
  • Mảng sáng, tối của thị trường trái phiếu
  • Đầu tư nước ngoài: Trước viễn cảnh cạnh tranh với Myanmar
  • Chính sách tiền tệ 2012: Thách thức lớn nhất
  • Giá vàng năm 2012 sẽ có kỷ lục mới?
  • Chọn kênh đầu tư 2012: Tiền mặt lên ngôi
  • Giằng co đô - đồng
  • Thị trường vàng 2012: Còn ham hố, còn gánh rủi ro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!