Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất chiều thẳng đứng

Hiện nay, lãi suất tất cả các kỳ hạn tiền gửi đều được các ngân hàng (NH) giữ quanh mức 11%/năm. Thoạt nghe có vẻ như mặt bằng lãi suất đang tiến tới mức giảm thấp, nhưng thực tế, lãi suất huy động bình quân không hề giảm mà chỉ là điều chỉnh qua lại giữa các kỳ hạn.

Điều này khiến không ít người am hiểu về tài chính tỏ ra lo ngại vì theo họ, khi nền kinh tế đi dần vào ổn định, tính thanh khoản hệ thống được cải thiện, cũng là lúc các NH nên điều chỉnh đường cong này trở về quy luật vốn có của nó.

Ổn định ngắn hạn

Theo số liệu thống kê của NH Nhà nước Việt Nam (NHNN), lãi suất huy động VND đang tương đối ổn định. Cụ thể, lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến từ 7 - 10,8%/năm, 1 - 12 tháng là 11%/năm, trên 12 tháng phổ biến từ 10,5-11%/năm.

Chỉ còn một số ít NH còn áp dụng các hình thức cộng thưởng lãi suất và mức lãi suất đối với những khoản tiền gửi giá trị lớn thì mức lãi suất được áp dụng vượt 11%/năm. Như vậy, nếu nói như NHNN thì thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế đi dần vào ổn định, nguồn vốn vay của NH dư cung, tính thanh khoản của các hệ thống được cải thiện, những sản phẩm gây sốc một thời đã không còn.

Nhiều NH “khoe" đã hạ lãi suất cho vay với mức thấp nhất, nhưng dường như việc hạ này chưa giải quyết được chuyện gì. Trái lại, người ta đang chứng kiến một diễn biến đáng lo ngại ở lãi suất huy động VND. Các kỳ hạn ngắn vẫn cao hơn nhiều so với kỳ hạn dài ở hầu hết các NH như: BIDV, Vietcombank, ACB, Oceabank, ABBank, LienVietBank, SHB...

Một ví dụ cụ thể hơn là lãi suất VND kỳ hạn 1 tháng của ACB là 10,88%/năm và lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 11%/năm. Như vậy, nói một cách chuyên môn là đồ thị đường cong lãi suất của các NH thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay đang được kéo giãn và “nắn” thành một đường thẳng đứng. Như vậy, biểu mức lãi suất như hiện nay trên thị trường tiền tệ đang gây ra những bất hợp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Rủi ro lớn dần


Quả thực, hiện nay hầu hết số dư tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống NH đều là tiền gửi ngắn hạn (dưới 12 tháng), hoặc tiền gửi không kỳ hạn, vì cùng một mức lãi suất 11% thì người gửi tiền chỉ chọn gửi kỳ hạn ngắn.

Xu hướng này đang kéo theo việc quản trị rủi ro thanh khoản của từng NHTM và hệ thống trở nên hết thức khó khăn. Bởi sau một thời gian ngắn, người gửi rút tiền đồng loạt và liên tục thì rõ ràng có thể gây nên tình trạng bất ổn, giảm các biến động đột xuất hoặc sự bất ổn tỷ giá ngắn hạn.

Hơn nữa, với biểu lãi suất này, người có ý định gửi tiền sẽ không dại gì chọn kỳ hạn dài, trừ khi có thêm khuyến mãi. Do đó, hoặc là NH chỉ huy động được tiền gửi kỳ hạn ngắn, hoặc là huy động được tiền gửi ở kỳ hạn dài nhưng lãi suất thực (gồm khuyến mãi) chắc chắn cao hơn mức 11%/năm.

Điều này tiếp tục gây nên những cuộc chạy đua lãi suất ngầm không đáng có. Hệ lụy của tình trạng này là doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn, nguồn tài trợ quan trọng cho mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp. Ngoài ra, điều này cũng làm mất công bằng trong cả năng cạnh tranh giữa các NH.

Điều này được TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng, lý giải là các NH huy động vốn với mức lãi suất nào phụ thuộc vào uy tín, quy mô của NH đó. Nếu cùng một mức lãi suất 11%/năm thì người gửi tiền sẽ chọn gửi ở các NH lớn, như vậy các NH nhỏ sẽ lại càng khó khăn hơn trong việc huy động. Và mọi chuyện sẽ như một vòng quay bánh xe không tìm được đường ra.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đường cong lãi suất thông thường cho thấy dấu hiệu một nền kinh tế ổn định, thị trường tài chính có xu hướng ổn định.

Bản thân các NH không hề muốn một đường lãi suất "thẳng" như hiện nay bởi điều đó phản ánh tình trạng mất cân bằng trong cơ cấu nguồn vốn của NH, khiến chi phí hoạt động tăng lên do chi phí lãi vay tăng lên, dự trữ bắt buộc và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn trên mức dư nợ cho vay ít hơn...

Như vậy, việc áp mức lãi suất trần huy động mà các NH đang thực hiện hoàn toàn khiên cưỡng, không chỉ mang tính hình thức mà còn gây ra hiệu ứng bóp méo thị trường. Do vậy, Hiệp hội NH kêu gọi các tổ chức hội viên thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và sự điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, có chính sách ưu tiên vốn cho vay các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần phát triển sản xuất, ổn định an sinh xã hội.

(Doanh Nhân Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Nhập vàng bao nhiêu là vừa?
  • Năm của các đợt IPO đến từ châu Á
  • Tỷ giá hối đoái "nóng" tại G20
  • Ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh tiền tệ
  • Chuyển động mùa vốn cuối năm: Thắt hay không thắt?
  • Huy động và cho vay vốn bằng vàng: Vì sao phải siết?
  • Khi nào giá vàng thôi "điên đảo"?
  • Chất lượng vỉa hè
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!