Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mafia và ngân hàng: mối quan hệ nguy hiểm

Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế 2007-2010 và khủng hoảng nợ châu Âu 2007-2012 đã đem lại “cơ hội vàng” cho các băng nhóm mafia. 

Chúng xâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu bằng việc đầu tư vào các ngân hàng Mỹ và châu Âu.

Phản đối trước cửa chi nhánh Ngân hàng HSBC ở Mexico City trong tháng trước do ngân hàng này liên quan đến rửa tiền - Ảnh: AFP/Getty Images

Trên báo La Repubblica và báo New York Times, nhà báo Ý Roberto Saviano, tác giả cuốn Gomorra về mafia Ý, khẳng định hàng loạt vụ xìcăngđan nổ ra thời gian qua đã cho thấy “cuộc hôn nhân khắng khít” giữa các ngân hàng toàn cầu với mafia, các băng nhóm tội phạm ma túy, buôn bán vũ khí, buôn người...

Tiền bẩn “nuôi” ngân hàng

Ai được lợi? Theo Saviano, đó là các tổ chức mafia toàn cầu. Quan hệ hai bên cùng có lợi giữa các ngân hàng và mafia đã phát triển mạnh kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Khi đó, các ngân hàng thiếu vốn trầm trọng. Năm 2009, nhà kinh tế Ý Antonio Maria Costa, lãnh đạo Văn phòng Liên Hiệp Quốc (LHQ) chống ma túy và tội phạm, đã khẳng định trên báo Anh Observer: “Trong nhiều trường hợp, tiền từ buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm là vốn lưu động duy nhất mà các ngân hàng có thể tiếp cận khi khủng hoảng nổ ra”.

 

"Nhiều ngân hàng Mỹ quá quen với việc rửa những khoản tiền bẩn khổng lồ"

Bà JENNIFER 
SHASKY CALVERY 

(Bộ Tài chính Mỹ)

Những vụ bê bối nổ ra gần đây đã khẳng định mối quan hệ giữa “bankers” (ngân hàng) và “gangsters”(tội phạm). Tháng trước, tòa án Mỹ đã điều tra về vai trò của Ngân hàng Anh HSBC trong hoạt động rửa tiền bẩn có nguồn gốc từ các băng đảng buôn ma túy Mexico. Báo cáo của Thượng viện Mỹ tiết lộ chi nhánh HSBC ở Mexico đã chuyển 7 tỉ USD tiền bẩn của các tập đoàn ma túy Mexico cho Ngân hàng HBUS, chi nhánh của HSBC ở Mỹ. HSBC đồng ý nộp phạt 700 triệu USD để dàn xếp vụ kiện. Nhưng HSBC không phải là trường hợp cá biệt. Hàng loạt đại gia ngân hàng khác như ABN Amro, Barclays, Credit Suisse, Lloyds và ING cũng tham gia rửa tiền tương tự.

 

Do lệ thuộc nguồn tiền của các tổ chức tội phạm, các ngân hàng phương Tây đã ồ ạt và không mấy bận tâm khi rửa những đồng tiền bẩn từ ma túy. London và New York, theo nhà báo Saviano, là “hai trung tâm rửa tiền lớn nhất thế giới”, vượt xa cả quần đảo Cayman hay các thiên đường tài chính khác.

Trong cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ hồi tháng 2, bà Jennifer Shasky Calvery thuộc Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh: “Nhiều ngân hàng Mỹ quá quen với việc rửa những khoản tiền bẩn khổng lồ”. Sonia Alfano, người đứng đầu Ủy ban chống mafia mới của Quốc hội châu Âu, cũng nhìn nhận: “Tổ chức mafia Ý N’drangheta mới đây đã rửa được 28 triệu euro chỉ trong vài giờ bằng cách huy động nguyên cả một quận ở Bỉ”.

LHQ ước tính chỉ riêng trong năm 2009, các ngân hàng toàn cầu rửa khoảng 1.600 tỉ USD tiền bẩn. Trong đó khoảng 580 tỉ USD xuất phát từ hoạt động buôn bán ma túy và các hình thức tội phạm khác. Theo báo Anh Guardian, nghiên cứu của hai nhà kinh tế Colombia Alejandro Gaviria và Daniel Mejia cho thấy 97,4% lợi nhuận từ hoạt động buôn bán ma túy ở Colombia là nhờ đã được rửa qua các ngân hàng có trụ sở ở London (Anh) và New York (Mỹ).

Tàn phá Nam Âu

Hi Lạp và Tây Ban Nha là hai nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, và do vậy cũng bị bại hoại bởi nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Hai nước này cũng là hai trường hợp điển hình cho thấy mối quan hệ giữa mafia, hệ thống tài chính và khủng hoảng. Hi Lạp là “đất đầu tư của mafia”. Cuộc khủng hoảng đã càng gia tăng sự thống trị của các tổ chức mafia trên hệ thống ngân hàng thông qua một thị trường đen khổng lồ với những khoản vay nặng lãi. Doanh số của thị trường cho vay nặng lãi này đã lên đến 5 tỉ euro/ năm. Con số này đã tăng lên gấp bốn lần kể từ đầu cuộc khủng hoảng vào năm 2009 và hiện lên đến 10 tỉ euro/năm. Nhiều nhóm tội phạm cho vay với lãi suất lên tới 60%/năm. Ở thành phố Thessaloniki lớn thứ hai Hi Lạp, cảnh sát vừa phá vỡ một băng đảng cho vay với lãi suất 5-15%/tuần.

Bộ Tài chính Hi Lạp xác định các băng đảng từ vùng Balkan và Đông Âu đang kiểm soát hoạt động cho vay nặng lãi tại quốc gia này. Bọn chúng còn kiểm soát luôn thị trường xăng dầu chợ đen ở Hi Lạp. Ước tính khoảng 20% lượng xăng bán ở Hi Lạp xuất phát từ thị trường chợ đen, đẩy giá xăng lên cao và khiến nhà nước thất thu thuế.

Tại Tây Ban Nha, các băng đảng tội phạm địa phương và nước ngoài đến từ Ý, Nga, Colombia, Mexico cũng đang tung hoành dữ dội. Điều tra cho thấy các nhóm tội phạm đã đầu tư một số lượng lớn tiền bẩn vào thị trường địa ốc Tây Ban Nha từ năm 1997-2007 và thu lợi lớn khi giá địa ốc tăng vọt. Lúc bong bóng bất động sản tan vỡ, mafia Tây Ban Nha kiếm lợi bằng cách mua lại nhà đất trên thị trường với mức giá rẻ mạt.

Còn ở Ý, mafia kiểm soát một lượng vốn lưu động khoảng 65 tỉ euro (82 tỉ USD)/năm. Các băng đảng tội phạm bòn rút từ nền kinh tế hợp pháp khoảng 100 tỉ euro mỗi năm, tương đương 7% GDP. Theo nhà báo Saviano, mafia giờ đây hoạt động như các doanh nghiệp, lập công ty liên doanh, đầu tư vào nhiều lĩnh vực. “Phải triệt hạ mafia bằng cách đánh vào bộ máy kinh tế của nó - nhà báo Saviano khẳng định - Nhưng đó là điều khó khăn bởi rất khó dò tìm nguồn vốn lưu động khi nó lại được chính các ngân hàng lớn rửa sạch”.

SƠN HÀ
Theo Tuổi Trẻ

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!