Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghĩ về vòng quay tiền tệ

Ðồng tiền là thước đo giá trị, là biểu hiện của giá cả, là phương tiện thanh toán, là bạn đồng hành và đối trọng của hàng hóa. Thông thường, khi tiền tệ vận hành trong thị trường cân đối với hàng hóa lưu thông thì giá cả ổn định, lạm phát được kiểm soát, thiểu phát không xảy ra. Nhưng khi tiền được đưa ra quá nhiều qua kênh phát hành và tín dụng thì vừa tạo điều kiện vừa cộng hưởng với vật giá leo thang, gây ra lạm phát dữ dội như những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Sau hơn nửa năm thực hiện đúng và quyết liệt tám nhóm giải pháp, tình hình chuyển biến rõ đến mức có thể nhận định "Chính phủ đã thực hiện được mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát". Tuy nhiên, lại xuất hiện tình huống mới: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có phần giảm sút, trong khi sức mua suy yếu rõ rệt, những mảng thị trường hồi đầu năm còn sôi sục như nhà đất, chứng khoán, xe hơi, vật liệu xây dựng, giấy in, thì nay nguội lạnh, rớt giá và tồn đọng. Hàng công nghiệp tiêu dùng, và đôi lúc cả lương thực, thực phẩm cũng lâm vào tình trạng tương tự.Mấy tháng vừa qua, lượng cung hàng hóa tăng không nhiều. Mặt khác, tuy Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng tổng số tiền và tín dụng đã đưa ra năm 2007 và năm nay vẫn nhiều gấp 1,8 đến gần hai lần so với năm 2006 (là năm chưa bùng nổ giá cả và lạm phát). Có vẻ như quan hệ tiền - hàng vẫn như trước, vậy mà vật giá bỗng tụt dốc không phanh. Tại sao vậy?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính hẳn là vòng quay của tiền đã giảm mạnh.

Ðể xác định lượng tiền đưa thêm ra lưu thông sao cho bảo đảm kinh tế ổn định và phát triển hợp lý, đã có công thức kinh điển căn cứ theo hai yếu tố chính: tổng giá trị hàng hóa và vòng quay của tổng phương tiện thanh toán. Nhưng do có lúc người ta quên hoặc coi nhẹ hoặc vẫn nhớ nhưng lợi ích cá nhân và nhóm quyền lực cao đến mức khiến một số người cố tình bỏ qua, cũng có thể việc dự báo vòng quay tiền tệ không dễ vì có nhiều ẩn số và biến số chi phối, nhất là sự tác động của các thủ đoạn đầu cơ, kích giá, thao túng thị trường.

Chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn nhiều người bị hút vào chứng khoán, từ sàn giao dịch đến chợ cóc vỉa hè, từ công sở đến nhà bếp, phòng ngủ của nhiều gia đình. Lý do vì giá chứng khoán bấy giờ chỉ có lên, không có xuống. Tương tự như vậy, giá nhà đất cũng liên tục dâng lên. Hai thứ tài sản đặc biệt đó được người ta mang thế chấp ngân hàng để vay những số tiền lớn tiếp tục đầu cơ mở rộng sản nghiệp. Việc vay dễ dàng vì ngân hàng cảm thấy nắm chắc đằng chuôi. Tiền tuôn chảy từ ngân hàng ra rồi lại cuồn cuộn quay về ngân hàng khiến cho chu trình tín dụng và vòng quay tiền tệ đạt tới cấp độ cuồng phong vì người mua, người bán chứng khoán và nhà đất đều không phải là người tiêu dùng cuối cùng, "hàng hóa" được họ chuyền tay nhau liên tục bởi mục đích của hầu hết những người tham gia không phải là giá trị sử dụng mà là tiền lãi. Chính điều đó làm cho tiền vận hành trong lưu thông tăng theo cấp số nhân tương ứng với tổng mức giá đầu cơ của chứng khoán và nhà đất. Trên cơ sở giá trị doanh nghiệp được "vốn hóa bằng bột nở" mà tạo sự phồn hoa vừa thật vừa ảo vừa bong bóng, bao nhiêu người thấy thu nhập dễ tăng cao, hưng phấn và mạnh tay chi tiêu!

Ở phương Tây, với thực lực kinh tế, tài sản và tài chính khổng lồ, quy mô đầu cơ và vòng xoáy tiền tệ còn lớn hơn vô số lần. Chỉ tính riêng ở Mỹ, bong bóng bất động sản, chứng khoán có nguồn gốc từ cho vay thế chấp rủi ro cao và trái phiếu hóa giấy nợ đã lên tới hàng chục nghìn tỷ USD (gấp hàng trăm lần GDP một năm của nước ta), cho nên khi bóng xì hơi, chính quyền phải bơm thêm mấy nghìn tỷ USD để cứu, vậy mà thị trường vẫn xuống dốc. Theo suy luận thông thường, khi tiền được phát hành nhiều lên thì giá hàng hóa sẽ tăng, nhưng trên thực tế, các chỉ số chứng khoán và giá cả lại "rơi tự do"! Tại sao có nghịch lý đó? Hẳn là chỉ có thể giải đáp bằng vòng quay tiền tệ. Tuy rằng tiền được bơm ra nhiều hơn, nhưng vòng quay lại giảm mạnh khiến tổng doanh số vận hành của nó nhỏ hơn nhiều so với thời kỳ sục sôi trước đây, thị trường chuyển hóa từ tình trạng tiền vồ hàng sang hàng chờ tiền. Thu nhập thật trên nền sự phát triển ảo của một bộ phận dân cư không còn, làm suy giảm mạnh sức cầu có khả năng thanh toán trong nền kinh tế, dẫn tới lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trì trệ, hệ quả là nền kinh tế lâm vào suy thoái.

Có lẽ bài học đắt giá từ khủng hoảng tài chính toàn cầu chính là sự thả nổi tín dụng đi liền với buông lỏng kiểm soát đối với các hoạt động đầu cơ và hệ thống tài chính. Một số chính phủ đã quá cường điệu khả năng tạo lập cân đối khách quan của "bàn tay vô hình" trong mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Ðáng lẽ phải làm cho sản xuất vật chất phát triển và lưu thông, phân phối minh bạch, công bằng, hài hòa hơn, thì người ta lại gần như phó mặc nó quay cuồng, biến thái dưới phép phù thủy của hệ thống tài chính thiếu quản lý, kiểm soát.

Ðối với các nước phát triển trong giai đoạn này (và chắc chắn sẽ đi vào lịch sử kinh tế thế giới với những bài học rất đắt giá), thì đã thấy rõ tình trạng sau khủng hoảng tài chính là suy thoái kinh tế và điều đó đương nhiên ảnh hưởng đến nước ta. Nhưng nước ta có những điều kiện mà nếu sử dụng tốt thì chúng ta vừa hạn chế được tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế thế giới, vừa tận dụng được thời cơ. Thí dụ: Môi trường chính trị - xã hội ổn định, triển vọng thị trường khá lớn với hơn 86 triệu dân, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát mạnh thì chúng ta đã qua hơn nửa năm hạ nhiệt thị trường bất động sản, kiểm soát tiền tệ - tín dụng thành công, giá vật tư, năng lượng thế giới giảm rất mạnh giúp chúng ta giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh... Việc giảm tốc độ tăng trưởng là do chúng ta chủ động điều chỉnh để kiểm soát lạm phát và bảo đảm phát triển ổn định là chính...

Vấn đề đặt ra lúc này đối với nước ta là nghệ thuật kết hợp "Bàn tay vô hình và hữu hình điều khiển thị trường". Trong đó có phần ưu tiên hơn việc ngăn ngừa giảm phát, nhưng đồng thời cũng cần chú ý dự báo và chuẩn bị nắm bắt thời cơ kinh tế thế giới phục hồi và chấn hưng. Ðể đủ lực giữ vững ổn định kinh tế trong giai đoạn hiện nay, nắm bắt kịp thời cơ mới khi nó vừa xuất hiện, cần phát huy sức mạnh tổng lực thực hiện tốt năm nhóm giải pháp mà Chính phủ vừa đưa ra.

(Theo Nhân dân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thị trường vàng 2008: Hai nửa đối lập
  • 3 nguồn vốn để kích cầu
  • Triển vọng thị trường trái phiếu 2009?
  • Trong kích cầu tiêu dùng, chính sách tiền tệ là quan trọng nhất.
  • Năm 2008: Nhiều quỹ đầu tư lỗ lớn
  • Gấp rút triển khai kế hoạch kích cầu nền kinh tế:, Tổng gói kích cầu lên đến 6 tỉ USD
  • Mua bán nợ xấu ngân hàng gần như chưa có, vì sao?
  • “Sẽ có khoảng 10 dự án được nhận kích cầu”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!