Có nhiều vấn đề người ta vẫn biết, thậm chí vẫn hiểu nó những không thể cắt nghĩa được nó (!). Vấn đề tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và câu chuyện về phát triển bền vững của nền kinh tế có lẽ cũng như vậy, và ... đến khi giáo sư Michael Porter người được mệnh danh là cha đẻ của thuyết chiến lược cạnh tranh đến Việt Nam đã vỡ ra nhiều điều mà lâu nay chúng ta chưa thẳng thắn nhìn nhận.
Công bằng mà nói, trong vài năm trở lại đây, những bất cập trong kinh tế vĩ mô, về khả năng quản lý, dự báo về đầu tư, phát triển... đã được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra và Đảng và Nhà nước cũng mạnh dạn nhìn nhận và có những chỉnh sửa kịp thời. Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam “ Thông lệ, cứ 10 năm phát triển với tốc độ 5% là đã đạt đến sự bền vững, nhưng VN tăng trưởng liên tục 7% trong 25 năm vẫn không được gọi là bền vững. Biết rõ hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO ), nhập siêu của VN ngày càng tăng, sức cạnh tranh ngày càng giảm, khi lạm phát giảm kinh tế tăng vẫn nói rằng bất ổn,... đó là một loạt nghịch lý tăng trưởng”. Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010 đã nêu ra hạn chế của mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Số liệu mới nhất được thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 11-2010 đã cho thấy những chỉ tiêu tăng trưởng GDP, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách... đều tăng nhưng Chính phủ cũng thừa nhận lạm phát tăng và tình hình kinh tế vẫn bấp bênh.
Có những nghịch lý luôn đặt ra khiến chúng ta không thể không có sự so sánh. Trong gần hai tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai Chỉ thị liên quan đến việc bình ổn giá, điều này cho thấy lạm phát đang là vấn đề lớn của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý không để xảy ra mất cân đối giữa cung và cầu, giữa các vùng miền, địa phương trong cả nước vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán đồng thời chỉ đạo bình ổn giá bán điện, than, các biện pháp tài chính tiền tệ, giữ bình ổn giá xăng dầu, giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, kinh doanh vàng, ngoại tệ trái pháp luật gây lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên cũng liên quan đến tình hình giá cả, ngày 30.11 tại cuộc họp báo về thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đưa ra nhận định lạm phát không xuất phát từ mất cân đối cung cầu hàng hoá nhưng : “chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 không thể thấp hơn hai con số...”. Xin đưa ra một minh chứng nữa về huy động nguồn vốn. Thời điểm này, Bộ Công Thương đang cố gắng tìm biện pháp huy động nguồn vốn (bình quân 6 tỷ USD/năm) để giải quyết vấn để thiếu điện ngày một trầm trọng thì Bộ Giao thông - Vận tải lại đang nghiên cứu đề xuất dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội – Vinh và TP.Hồ Chí Minh – Nha Trang với tổng kinh phí gần 22 tỷ USD. Thậm chí trên một tờ báo uy tín mới đây đã chỉ ra “ngân sách của Chính phủ hiện đang trong tình cảnh giật gấu vá vai, thiếu trước hụt sau”. Nếu chúng ta cứ “bay bổng” với ý muốn xây dựng những công trình lớn “để đời” cho thế hệ mai sau mà không tính đến hiệu quả thì hậu quả sẽ khôn lường. Tới lúc ấy, cái mà thế hệ mai sau được thừa hưởng không chỉ có những công trình vĩ đại mà còn là một gánh nặng nợ nần...”.
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ nợ công của Việt Nam tính theo GDP ở mức 51,6% và mặc dù các quan chức Bộ Tài chính khẳng định tỷ lệ này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn nhưng rõ ràng cũng tạo ra sự lo lắng khi mức nợ Việt Nam đã tăng nhanh trong 10 năm qua với mức 5,6%. Theo những chỉ số kinh tế đã được Tổng cục Thống kê công bố và theo cách phân loại của Bộ Công Thương, danh mục hàng hoá “cần thiết phải nhập khẩu” hiện chiếm tới gần 81,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chung, tức chiếm khoảng 61 tỷ USD gần bằng với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 11 tháng qua là 64 tỷ USD. Qua hai con số này cho thấy tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu của nền kinh tế còn quá lớn và đây cũng là vấn đề của tính bền vững.
Những nghịch lý nêu trên bắt nguồn từ việc quá chú trọng con số tăng trưởng dẫn đến việc bội chi ngân sách liên tục, tình trạng tham nhũng và việc quá ưu ái các tập đoàn kinh tế... Báo cáo của giáo sư M. Porter chỉ rõ 3 điểm yếu cơ bản của kinh tế Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững là năng suất lao động thấp, thiếu liên kết kinh tế ngành và chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định. Theo đánh giá trong Báo cáo về Năng lực cạnh tranh 2010 thì “cấp độ năng lực cạnh tranh quốc gia gần như các yếu tố vĩ mô và vi mô của Việt Nam đều bị xếp từ trung bình trở xuống và khi quy mô kinh tế càng phát triển thì “triệu chứng” này càng bộc lộ.
Tuy nhiên sự tăng trưởng theo kiểu “mô hình cũ” của VN không có nghĩa là khủng hoảng sẽ đến với VN trong những năm tiếp sau, nhưng mô hình phát triển dựa vào các yếu tố tự nhiên được thừa hưởng vốn đã giúp Việt Nam tăng trưởng trong gần 20 năm qua nay đã bộc lộ những lỗi thời và điều chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể tiếp tục duy trì mô hình này trong 5 đến 10 năm tới. Và đây chính là vấn đề mà Nhà nước, Chính phủ đã thấy được và đang có sự điều chỉnh. Rõ ràng đây là những bất ổn trong nền kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ nhãn tiền về hậu quả của sự thiếu tính bền vững trong phát triển kinh tế Việt Nam. Có thể những nghịch lý trong câu chuyện tăng trưởng sẽ còn được dư luận và các nhà quản lý, bộ, ngành chức năng tiếp tục bàn luận nhưng chúng ta tin rằng khi “bắt được bệnh” sẽ “chữa được bệnh”.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com