Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngừng huy động vàng: Điều gì sẽ xảy ra?

Ngừng huy động vàng, có đơn giản như trước đây nhà có người giúp việc, nay không thì mỗi người làm thêm một chút hoặc tìm cách bớt việc đi?

Từ ngày 25/11 tới, các ngân hàng thương mại phải ngừng hẳn hoạt động huy động vàng. Số thành viên còn huy động không nhiều, nhưng quy mô vốn vàng là đủ lớn để cân nhắc những phát sinh.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Tháng 9 vừa qua, hiếm khi thị trường chứng kiến ba thành viên lớn là Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đi đầu trong đợt tăng lãi suất VND lên 13%/năm. Cùng đó, lãi suất huy động vàng từ 0,5 - 0,8%/năm được nâng lên cao nhất 1,6%/năm.

Có những lý do khác nhau, trong đó có thể suy đoán về một hướng "phòng ngự từ xa", tăng cường huy động VND các kỳ hạn dài để chuẩn bị cho mốc hẹn 25/11 gần kề, thời điểm nguồn vốn vàng bắt đầu hổng dần đi trong cơ cấu.

Từ đầu năm đến nay, có gần chục ngân hàng thương mại huy động vàng. Mức độ và bài toán cân đối ở mỗi thành viên là khác nhau. Chuẩn bị cho mốc hẹn trước (5/2012), một số thành viên đã ngừng hẳn (SCB, Sacombank), hoặc có quãng nghỉ ngắn (Eximbank); còn lại hầu hết đã rút dần và chỉ giữ một vài kỳ hạn ngắn. Sau tháng 5, Sacombank trở lại song cũng đã bỏ biểu lãi suất huy động vàng từ ngày 18/9 vừa qua. Theo đó, tỷ trọng vốn vàng trong tổng huy động của mỗi thành viên là rất khác nhau và hiện khó xác định một cách cụ thể.

Tại ACB và Eximbank, hai ngân hàng có hoạt động huy động vàng mạnh thời gian qua, tỷ trọng vốn vàng là đáng kể. Với ACB, thông tin cập nhật gần đây là khoảng 20% tổng vốn huy động, và dự kiến sẽ giảm được khoảng 80% lượng vốn huy động bằng vàng đến cuối năm. Còn theo báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối quý 2/2012, họ có các khoản phải trả bằng vàng tương đương 55.583 tỷ đồng, bao gồm chứng chỉ tiền gửi và các khoản phải trả khác bằng vàng.

Với Eximbank, cuối năm 2011 tỷ trọng cũng ở khoảng 20% song sau 9 tháng đầu năm 2012 đã giảm xuống còn khoảng 12%.

Sau khi ngừng huy động từ 25/11 tới, lượng vốn vàng tại các ngân hàng trên sẽ giảm dần đi, theo cơ cấu kỳ hạn thì đến cuối năm nay tỷ trọng còn lại sẽ rất nhỏ. Trong điều kiện bình thường, đơn thuần là một nguồn lực bị hổng đi nhưng đã được báo trước, có lộ trình đã định để chuẩn bị.

Thế nên, sau khi ngừng huy động, có thể xem tình huống đơn giản như trước đây nhà có người giúp việc, nay không thì mỗi người làm thêm một chút hoặc tìm cách bớt việc đi. Nhưng các phát sinh có thể sẽ phức tạp hơn.

Tĩnh và động

Mốc hẹn 25/11 đã được báo trước, là yếu tố tĩnh và các ngân hàng có lộ trình được tính toán để chuẩn bị. Nhưng thị trường luôn động, đặc biệt là quá động trong hơn một tháng trở lại đây.

Chỉ hơn một tháng, giá vàng biến động quá mạnh, liên tục tăng cao. Đây được cho là yếu tố bất thường trong việc chuẩn bị ngừng huy động vàng. Nhiều người dân rút vàng trước hạn để chốt lời, gây mất cân đối vốn và khó khăn thanh khoản vàng đã thể hiện ở một số trường hợp ngay trước thềm thực hiện mốc hẹn.

Thứ hai, hoạt động chuyển đổi vàng sang VND theo chủ trương bình ổn của Ngân hàng Nhà nước trước đây đặt ra tình huống rủi ro về giá và thanh khoản. Các ngân hàng nhóm "G5+1" đã bán vàng vật chất giá thấp trước đây, nay phải mua vào đóng trạng thái với giá rất cao.

Thực ra, trong cơ chế chuyển đổi trên, rủi ro giá đã được bảo hiểm bằng tài khoản vàng ở nước ngoài. Mỗi lượng vàng bán ra trong nước đều phải mua vào cân đối ở tài khoản đó. Việc còn lại là ngân hàng hạch toán lại chênh lệch để bù đắp, hoặc Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng đã mua qua tài khoản ở nước ngoài giá thấp trước đây về như đề xuất của ACB.

Quy mô chuyển đổi trước đây cũng không phải quá lớn. Một số thành viên trong cuộc giải thích rằng họ chỉ được chuyển đổi tối đa 40% của lượng vàng tồn quỹ, mà lượng tồn quỹ thường chỉ từ 5 - 10% tổng lượng vàng huy động tại mỗi thành viên. Tỷ lệ đó rất khác với mức chuyển đổi tối đa 40% tổng huy động mà một số thông tin nhầm lẫn thời gian qua.

Mức độ chuyển đổi tại mỗi ngân hàng là khác nhau. Hiện không có dữ liệu thống kê công bố, hoặc thành viên trong cuộc từ chối cung cấp và trả lời các thông tin liên quan. Riêng tại Eximbank, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định là "không có vấn đề gì" và lượng chuyển đổi của họ hiện chỉ còn khoảng 1 tấn.

Song, yếu tố động sẽ là đáng chú ý nếu thời gian qua có trường hợp đã chuyển đổi quá mức quy định. Khả năng này là hạn chế, do Ngân hàng Nhà nước có cơ chế giám sát cụ thể.

Lúc này chỉ còn chưa đầy hai tháng để rõ dần những phát sinh (nếu có). Hiện đã có một số đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lùi mốc hẹn 25/11. Khả năng này còn để ngỏ. Nhưng nếu ngừng hẳn, trước mắt một nguồn lực từ vàng mà các ngân hàng sử dụng thời gian qua bị chấm dứt. "Phát sinh" là: nguồn lực vàng trong dân rất lớn, sẽ phải tiếp tục huy động; vấn đề còn lại là ai đứng ra huy động, huy động và sử dụng như thế nào cho ích nước lợi nhà.

Theo VNeconomy
-----------------
 

 

Két nhà dân: Có 400 tấn vàng

 

 

Theo các chuyên gia và doanh nhân, lượng vàng trị giá 22 tỉ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay, sẽ nằm im trong dân nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn "nhìn một vấn đề lớn liên quan đến dân một cách quá đơn giản".

Tại hội thảo "Làm thế nào để huy động vốn vàng trong dân?" do Hiệp hội Kinh doanh vàng VN tổ chức ngày 4-10, nhiều chuyên gia đề xuất các biện pháp huy động nguồn vốn vàng tương đương 22 tỉ USD trong dân hiện nay, sau khi các ngân hàng (NH) không còn được phép huy động vàng.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị xem xét lại nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm tránh tạo những căng thẳng không cần thiết lên thị trường.

"Vàng là ngoại tệ"

Chuyên gia kinh tế Đặng Đức Thành đặt vấn đề: "Bà xã tôi tích cóp được vài chục lượng vàng, để ở nhà thì sợ, muốn gửi vào NH cho yên tâm nhưng sau ngày 25-11 NH lại không còn huy động vàng. Do vậy, NH Nhà nước phải làm sao tạo kênh để huy động nguồn vốn vàng này từ trong dân. Đừng sợ hãi để rồi không dám huy động vàng...". Từng góp ý cho nghị định 24 từ khi còn dự thảo nhưng không được ghi nhận, ông Trần Du Lịch, phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết ủng hộ việc chống vàng hóa nhưng cơ quan quản lý phải thừa nhận thói quen cất giữ tài sản bằng vàng của người VN.

Một khi đã thừa nhận thói quen này thì không thể để vàng biến thành tài sản chết. "Phải chăng vẫn cho NH huy động bằng vàng nhưng không cho vay ra mà NH trung ương chiết khấu vàng bằng lãi suất tái chiết khấu công bố trước, để từ đó các NH tự ấn định lãi suất huy động vàng" - ông Lịch đặt vấn đề.


Ngoài ra, ông Trần Du Lịch đề nghị cơ quan quản lý nên xem xét và sửa đổi một số nội dung của nghị định 24 trước khi quá muộn. "NH Nhà nước đã nhìn một vấn đề lớn liên quan đến người dân một cách quá đơn giản. Vàng không phải là hàng hóa thông thường mà là ngoại tệ. Đừng bao giờ quên" - ông Lịch nói.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cũng khẳng định ủng hộ việc thu hẹp thị trường vàng, đưa vàng về đúng vị trí nhưng phải tôn trọng tập quán giữ vàng của người dân. "Sau ngày 25-11, NH không huy động vàng, các tiệm vàng cũng không được phép bán vàng. Người nắm giữ vàng đang hoang mang vì không có chỗ gửi, mà để ở nhà thì lo mất. Chưa kể rủi ro do mua vàng không đúng chất lượng, không có thương hiệu..." - ông Long nói. Ông Long đề xuất cơ quan quản lý nên sử dụng giải pháp thị trường cho những vấn đề thị trường, đồng thời lắng nghe ý kiến các chuyên gia, người dân.

Phát hành chứng chỉ vàng?

Theo TS Nguyễn Thế Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGC), số liệu thống kê từ các NH Thụy Sĩ (nguồn cung cấp vàng chủ yếu cho thị trường VN) cho thấy tổng lượng vàng nhập về VN từ năm 1990-2011 khoảng 500 tấn, chưa kể số lượng từ Úc, Hong Kong và qua đường tiểu ngạch. Số vàng nhập về chủ yếu được gia công thành vàng miếng SJC và các thương hiệu khác, ước khoảng 12 triệu lượng, trừ đi số vàng đã xuất khẩu thì VN hiện còn khoảng 400 tấn vàng đang nằm trong dân.

Theo ông Hùng, nếu lấy giá vàng bình quân của thế giới là 1.700 USD/ounce (gần 0,82 lượng) thì số vàng trong dân tương đương 22 tỉ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay. "Nếu huy động chỉ được một nửa số vàng trong dân thì ít nhất chúng ta cũng có 10 tỉ USD đưa vào nền kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, NH Nhà nước nên phát hành chứng chỉ huy động vốn vàng của người dân, đồng thời ủy quyền cho các NH thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ" - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên hội đồng quản trị Công ty PNJ, đề xuất NH Nhà nước nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng, trong đó một loại được bảo chứng bằng vàng phục vụ người dân có nhu cầu tích trữ tài sản bằng vàng. Theo đó, người dân sẽ mang vàng vật chất đổi thành chứng chỉ vàng, khi có nhu cầu có thể rút hoặc bán đều được. Loại thứ hai là chứng chỉ mua bằng tiền và được giao dịch trên sở giao dịch vàng. Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhà đầu tư, lại an toàn, không tốn chi phí, không sợ mua nhầm vàng nhái, thiếu tuổi.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Long, cùng với việc công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp, nên cho phép người dân tự do lựa chọn gửi hoặc giữ vàng. Bởi ngoài mục tiêu kiểm soát, việc quản lý vàng còn phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy cung ứng vàng và bổ sung nguồn vàng khi cần thiết. Chuyên gia Lương Văn Tự cũng cho rằng nếu NH Nhà nước có chính sách chắc chắn, người dân sẽ gửi và NH sẽ có nguồn để giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, muốn huy động vốn vàng của dân phải đảm bảo ba yếu tố: gửi phải có lời, thuận lợi khi gửi hoặc rút.
---------

 

Theo Tuổi Trẻ

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thảm họa nợ xấu và những giải pháp cương quyết
  • Khó như xử lý tài sản bảo đảm!
  • Cần đưa chức năng “đầu tư” ra khỏi ngân hàng thương mại
  • “Tín dụng lậu”: Mồi than âm ỉ dưới nền tài chính
  • Tiêu chuẩn nào để đánh giá sự an toàn của các ngân hàng?
  • Tiền đang chảy đi đâu?
  • FDI: Kết quả và những vấn đề đặt ra
  • Nói và làm: ‘Cuộc chiến’ lãi suất vẫn khốc liệt?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!