Trong vài tháng vừa qua, các nhà đầu tư đã cân nhắc đến khả năng cơ cấu lại các khoản nợ của Hy Lạp và hiện nay, với nhiều nhà đầu tư, mối lo ngại còn tăng lên hơn nữa khi những căng thẳng về tình hình tài chính cũng bắt đầu xuất hiện tại khu vực đồng tiền chung châu Âu với việc lãi suất trái phiếu của Ai Len và Bồ Đào Nha tăng lên.
Nhiều nhà đầu tư e sợ rằng, nếu như tăng trưởng kinh tế không được duy trì tại Ai Len và Bồ Đào Nha hay hai nước này thất bại trong việc điều chỉnh lại mức chi tiêu công cần thiết, thì khả năng một hoặc cả hai nước sẽ phải tìm kiếm biện pháp giảm các khoản nợ công thông qua tái cơ cấu lại.
Nếu điều này xảy ra, nhiều nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại nặng và nó cũng sẽ phá hủy nặng nề thị trường trái phiếu trong khu vực. Có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc bán tháo và khủng hoảng lòng tin vào các nền kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
“Đây sẽ là vấn đề lớn tiếp theo của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hy Lạp dường như sẽ phải tái cơ cấu lại các khoản nợ của mình, Ai Len và cả Bồ Đào Nha cũng sẽ làm như vậy”, Lena Komileva, chuyên gia kinh tế tại Tullett Prebon, nói.
Steven Major, Trưởng bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại HSBC, cho rằng, khả năng có thể xảy ra một cuộc tái cấu trúc đang tăng lên.
Nếu điều đó xảy ra có nghĩa là khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ rơi vào một giai đoạn khó khăn khi những người làm chính sách cố làm thế nào để giúp Hy Lạp có thể vỡ nợ với những tác động nhỏ nhất.
Câu trả lời có thể nằm trong cái được gọi là tái cấu trúc “mềm”, hoặc quản lý tài sản nợ, một biện pháp không hẳn là một sự vỡ nợ khi các nhà đầu tư không bị buộc phải chấp nhận thua lỗ, nhưng phải đồng ý tự nguyện thay đổi các điều khoản liên quan đến trái phiếu của họ.
Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng Hy Lạp sẽ đi theo con đường đó, biện pháp có khả năng liên quan đến việc trao đổi trái phiếu kỳ hạn ngắn và trái phiếu có kỳ hạn dài hơn. Điều này sẽ cho phép Chính phủ Hy Lạp có nhiều thời gian hơn để trả nợ. Một số nhà đầu tư tin rằng, đây cũng có thể là một lựa chọn nghiêm túc dành cho Bồ Đào Nha và Ai Len, nhưng phần lớn không tin biện pháp này nằm trong chương trình của hai nước trên trong thời gian ngắn tới.
Marco Annunziata, chuyên gia kinh tế trưởng tại UniCredit, nói: “Hy Lạp đang tạo ra một tiến trình rất ấn tượng và nếu quốc gia này có thể duy trì sự ổn định thêm một vài tháng nữa thì sẽ có một cơ hội tốt để niềm tin trên thị trường quay trở lại. Nếu không, thì sẽ cần thêm những hỗ trợ tài chính, việc đó có thể dẫn đến sự tái cấu trúc mềm”.
Các chuyên gia phân tích của Hy Lạp cho rằng, việc trao đổi các khoản nợ ngắn hạn với những chứng chỉ dài hạn hơn có thể giúp đất nước này giải quyết các khoản nợ phải trả, khoảng 135 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2016.
Nhưng tái cơ cấu mềm có vẻ như sẽ không xảy ra trong năm nay. Chính phủ Hy Lạp vẫn còn thời gian, khi các khoản tiền cho vay cứu trợ khẩn cấp của Chính phủ tiếp tục duy trì đến tận tháng 5/2013.
“Kế hoạch thực hiện việc này vẫn chưa nằm trên bàn. Đã có những gợi ý với chúng tôi, nhưng nó cũng có những nguy hiểm. Có một vài điểm khó khăn để thực hiện. Nếu như bạn không nắm chắc nó, thì điều đó có thể dẫn đến những vấn đề”, một quan chức của Chính phủ Hy Lạp nói.
Các nhà lãnh đạo của Hy Lạp cho biết, họ muốn tập trung vào các biện pháp cải cách tài khóa với hy vọng rằng nó sẽ đưa đất nước vào một vị trí khỏe mạnh hơn để đàm phán với các nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu Hy Lạp cũng cần được bình thường hóa. Nhiều nhà đầu tư muốn có lãi suất cao hơn khi trao đổi các khoản nợ ngắn hạn với nợ dài hạn. Hiện nay, điều này dường như là không thể khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm của Hy Lạp đã ở mức 11%.
Tuy vậy, Spencer Jones tại Newstate Parners, chuyên gia tư vấn tài chính, cho rằng, nếu như các nhà đầu tư trái phiếu tin rằng sẽ có một cuộc tái cơ cấu thì họ thích Hy Lạp thực hiện sớm hơn là để quá trễ.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com