Ông Đinh Tuấn Minh: "Theo kinh nghiệm của các nước, ngoài vốn của Chính phủ (khoảng 30 - 40%), thì có thể huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài trong trường hợp họ có nhu cầu tham gia" - Ảnh minh họa. |
“Theo tôi, vai trò của công ty mua bán nợ xấu theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước chỉ là ‘con chim mồi’ để kích thích hoạt động mua bán nợ xấu diễn ra trong nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Tuấn Minh đã chia sẻ như vậy khi nói về việc xử lý nợ xấu ngân hàng.
Ông nói:
- Nếu như nền kinh tế điều hành không được tốt, hoạt động của các thị trường bất động sản vẫn chưa được minh bạch, mối quan hệ giữa bất động sản với các ngân hàng vẫn chằng chịt như hiện nay, vấn đề của doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn đọng trạng thái kinh doanh kém hiệu quả, vay vốn không trả nợ được do không có được khả năng cạnh tranh tốt... thì một thời gian sau, nợ xấu sẽ tiếp tục quay trở lại.
Tại sao, các ngân hàng không tự xử lý nợ xấu của chính mình khi họ cũng có công ty mua bán nợ xấu (?). Vấn đề đặt ra ở đây là không phải là vấn đề giải quyết nợ xấu của bản thân ngân hàng, mà việc các ngân hàng tự xử lý nợ xấu của chính mình chỉ mang tính chất cục bộ. Chỉ có một số ngân hàng có quy mô nợ xấu nhỏ và thấp mới giải quyết được nợ xấu của chính mình nhưng đối với các ngân hàng có mức nợ xấu cao, thì công ty mua bán nợ xấu của chính ngân hàng cũng sẽ không xử lý được mà phải cần công ty mua bán nợ khác hay ngân hàng khác tham gia mua bán.
Tuy nhiên, sự tham gia của các ngân hàng khác vào mua nợ xấu của những ngân hàng có nợ xấu cao cũng không phải dễ, vì các công ty mua bán nợ xấu này không có cơ chế để giải quyết nợ xấu cho ngân hàng khác. Đó là lý do cho thấy, thị trường mua bán nợ bị đóng hẹp, không được mở rộng giữa các ngân hàng với nhau nên “cục” nợ xấu của các ngân hàng bị tồn đọng và không giải quyết được như hiện nay.
Phải có công ty mua bán nợ xấu làm “chim mồi”
Để giải quyết được “cục” nợ xấu này, đòi hỏi phải có một công ty mua bán nợ bên ngoài mang tầm cỡ quốc gia tham gia vào giúp kích thích hoạt động mua bán nợ trong nền kinh tế. Theo tôi, vai trò của công ty mua bán nợ xấu theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước chỉ là “con chim mồi” để kích thích hoạt động mua bán nợ xấu diễn ra trong nền kinh tế.
Khi công ty mua bán nợ xấu đó tham gia và thực hiện mua bán sẽ tạo ra những tín hiệu tốt cho thị trường và kích thích được những công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng thương mại tham gia vào quá trình này. Điều này sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường, đồng thời cũng giúp tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Theo kinh nghiệm của các nước, ngoài vốn của Chính phủ (khoảng 30 - 40%), thì có thể huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài trong trường hợp họ có nhu cầu tham gia. Mức độ để tư nhân tham gia như thế nào phụ thuộc vào quy chế hoạt động cũng như khả năng khối tư nhân hay các tổ chức nước ngoài đánh giá quy trình giải quyết nợ xấu có mang lại cho họ những lợi ích gì. Nếu như, việc mua bán của công ty đó thể hiện sự minh bạch, theo cơ chế thị trường thì đương nhiên tư nhân sẽ tham gia.
Không ít ý kiến cho rằng, các ngân hàng chính là nguyên nhân gây ra nợ xấu trong nền kinh tế hiện nay nhưng theo tôi điều đó không hoàn toàn đúng. Bởi vì, với bất kỳ khoản vay nào, ngân hàng cũng có những thẩm định nhất định để giúp ngân hàng tránh được những khoản nợ xấu.
Nợ xấu ở đây có hai dạng: thứ nhất, nợ xấu do công tác thẩm định tín dụng của ngân hàng không được tốt. Điều đó dẫn đến việc ngân hàng thực hiện cho vay những khoản vay dưới chuẩn nhưng điều này chỉ xảy ra cục bộ chứ không phải toàn hệ thống. Với dạng này thì ngân hàng chính là nguyên nhân gây ra nợ xấu; thứ hai, khi cả hệ thống đều mang nợ xấu thì đây không phải lỗi của ngân hàng mà do chu kỳ kinh tế hoặc do trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ có quá nhiều bất cập.
Một câu hỏi nữa được đặt ra ở đây là: liệu có phải người dân đang phải “đổ vỏ” cho những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng hiện nay (?). Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bởi, khi nền kinh tế bước vào chu kỳ điều chỉnh, nếu nền kinh tế đang rơi vào trạng thái quá nóng để giảm sức nóng thì ngân hàng trung ương điều chỉnh các loại lãi suất điều hành lên cao.
Khi lãi suất điều hành được đẩy lên cao sẽ báo hiệu chu kỳ suy giảm của nền kinh tế sẽ xuất hiện. Khi chu kỳ suy giảm này xuất hiện, thì các ngân hàng đều hiểu rằng rủi ro tín dụng sẽ rất lớn, do sẽ khó có thể phát hiện được doanh nghiệp nào sẽ mắc vào nợ xấu để tránh cho vay.
Vì vậy, việc các ngân hàng để mức lãi suất cho vay cao nhằm để bảo hiểm cho những khoản vay tín dụng mà bị rủi ro khác. Nếu như ngân hàng cho vay lãi suất thấp, nhiều khách hàng có thể vay được thì nguy cơ rủi ro nợ xấu sẽ càng cao và khả năng kiểm soát được nợ xấu đó sẽ càng thấp.
Chính vì vậy, thà để lãi suất cao cho một số khách hàng có khả năng vay được, chấp nhận tín dụng giảm, khi đó doanh thu của ngân hàng cũng có thể sẽ thấp, tổng mức lợi nhuận có thể sẽ giảm nhẹnhưng vẫn hơn việc họ mở rộng cho vay để đón nhận nguy cơ rủi ro nợ xấu cao hơn. Đó chính là bài toán kinh doanh của các ngân hàng trong giai đoạn suy thoái của nền kinh tế.
Thực tế cũng cho thấy, với mỗi khoản cho vay, các ngân hàng đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro nhưng tại mỗi ngân hàng thì mức trích lập này là khác nhau. Để điều này xảy ra là do quy trình giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện được tốt. Điều này đã dẫn đến có những ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro ở mức thấp hơn mức nợ xấu và nợ xấu mà các ngân hàng khai báo cũng không phải là con số chính xác (có thể nợ xấu là 10% nhưng ngân hàng chỉ báo là 4-5%).
Mục đích chủ yếu của việc khai báo “gian dối” này là nhằm tạo hình ảnh tốt cho ngân hàng, nhằm huy động được vốn, tăng vốn điều lệ.
Khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Theo tôi, bước đầu tiên rất quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu là Ngân hàng Nhà nước cần công bố thông tin chi tiết, rõ ràng và minh bạch về nợ xấu của các ngân hàng hiện nay. Điều này sẽ giúp hình dung ra được vấn đề về nợ xấu và đưa ra được những phương hướng xử lý phù hợp.
Ngay cả khoản 100.000 tỷ đồng nợ xấu dự kiến được mua, thì cũng không có nghĩa là phải chi tất cả để mua ngay, mà sẽ được chi trong cả quá trình mua bán nợ xấu. Khi ngân hàng giải quyết xong “cục” nợ xấu, giúp cho bảng cân đối kế toán được sạch sẽ, thì điều quan trọng ngân hàng sẽ có được một nguồn vốn rất thật. Khi có được nguồn vốn thật đó thì các ngân hàng có thể bắt đầu tìm được các dự án mới, các khách hàng mới để cho vay.
Còn đối với những khác hàng cũ của những khoản nợ cũ (nợ xấu) thì họ cũng bắt đầu có những cân nhắc để cho vay, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi. Điều quan trọng là khi nợ xấu được giải quyết thì tín dụng trong nền kinh tế sẽ được khơi thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn.
Với những phân tích trên, tôi cho rằng, việc thành lập công ty mua bán nợ xấu để giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan trung ương khác là rất cần thiết. Bởi vì, chỉ những cơ quan như vậy mới có thể giải quyết nhanh được vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay và đẩy được luồng tín dụng sạch ra nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, việc giải quyết nợ xấu chưa thể xong ngay được mà chỉ chuyển các khoản nợ xấu đang nằm rải rác vào tập trung tại một chỗ, nhờ đó có thể giúp cho quá trình xử lý nợ xấu được nhanh hơn. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là hậu xử lý nợ xấu sẽ như thế nào.
Nếu như nền kinh tế điều hành không được tốt, hoạt động của các thị trường bất động sản vẫn chưa được minh bạch, mối quan hệ giữa bất động sản với các ngân hàng vẫn chằng chịt như hiện nay, vấn đề của doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn đọng trạng thái kinh doanh kém hiệu quả, vay vốn không trả nợ được do không có được khả năng cạnh tranh tốt... thì một thời gian sau, nợ xấu sẽ tiếp tục quay trở lại.
Khi nợ xấu quay trở lại, ngân sách không còn giải cứu nợ xấu nữa và các khoản nợ xấu trước đây đã được gom lại một chỗ nhưng không giúp cho khoản nợ xấu này tốt hơn được để bán đi thì nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục trì trệ. Cho nên đối với việc hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia và quá trình mua bán nợ xấu này, chỉ là bước khởi đầu rất quan trọng của quá trình tái cơ cấu.
Quá trình tái cơ cấu này đòi hỏi phải là tái cơ cấu thực sự triệt để giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả, tạo ra năng suất cao hơn... các doanh nghiệp và ngân hàng tránh được tình trạng nợ xấu cao như hiện nay.
Còn nếu quá trình tái cơ cấu chỉ có nhằm mục đích giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động trôi chảy ở thời điểm hiện tại, mà nền kinh tế vẫn bị tồi tệ như thế thì một thời gian sau nợ xấu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng. Đây là điều rất nguy hại cho nền kinh tế.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com