Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ thời điểm 1/1/2011, thì hoạt động phát hành trái phiếu (trừ trái phiếu chuyển đổi) để huy động vốn của các tổ chức tín dụng từ năm 2011 phải tuân thủ quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn luật này chưa được ban hành, nên nhu cầu phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng đang bị "treo".
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại than thở, do chính sách thắt chặt tiền tệ triển khai quyết liệt từ đầu năm đến nay, nên các ngân hàng đang phải trầy trật tìm kiếm nguồn vốn duy trì hoạt động đầu tư, kinh doanh. Lợi thế nắm giữ trái phiếu nhiều hiện không giúp các ngân hàng thương mại có được lợi thế tiếp cận vốn qua thị trường mở (OMO), bởi lượng cung tiền qua thị trường này đang dần bị co lại. Trong khi đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu đang bị tắc, không chỉ do cung cầu khó gặp nhau, mà quan trọng là chưa có văn bản hướng chi tiết hoạt động phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Một thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, bức xúc trên đã được các thành viên của VBMA, trong đó có các ngân hàng thương mại phản ánh tới các cơ quan quản lý qua nhiều kênh, mà mới đây nhất là tại cuộc đối thoại giữa các thành viên VBMA với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội… do VBMA tổ chức ngày 6/4.
Tuy nhiên, thông điệp các thành viên thị trường nhận được là tiếp tục phải chờ. Nhưng chờ đến bao giờ thì chính đại diện Ban soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thể đưa ra thời điểm chính xác, mà chỉ cho biết, nhanh thì khoảng tháng 10 tới sẽ có văn bản hướng dẫn, bởi dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đang trong quá trình xây dựng.
Với tín hiệu làm chính sách như trên, rõ ràng từ nay đến thời điểm ban hành Nghị định hướng dẫn như Ngân hàng Nhà nước dự kiến, một nhu cầu khá bức bách của các tổ chức tín dụng là tìm kiếm nguồn vốn qua kênh phát hành trái phiếu sẽ bị "treo". Ách tắc này, theo VBMA, không chỉ khiến các tổ chức tín dụng vốn đang khó tìm kiếm nguồn vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nay lại càng khó xoay xở hơn, mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu do nguồn hàng ra thị trường bị chặn lại. Điều này đang gián tiếp tác động không tích cực đến cung cầu trên thị trường trái phiếu. Thị trường trái phiếu ngày càng èo uột và khiến nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ gần đây đã không thành công.
Nếu vì phải chờ văn bản hướng dẫn mà ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng, nhất là trong bối cảnh họ đang "khát" vốn như hiện nay, theo VBMA là rất đáng báo động, bởi có nguy cơ ảnh hưởng không lành mạnh đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Do vậy, đại diện VBMA cho biết, tại cuộc đối thoại ngày 6/4 vừa qua, các thành viên của Hiệp hội thống nhất đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, cũng như các cơ quan liên quan sớm có hướng giải quyết ách tắc trên. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét và có hướng dẫn tạm thời để khơi thông hoạt động phát hành trái phiếu cho các tổ chức tín dụng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, cũng như các cơ quan liên quan, để kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động phát hành trái phiếu mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải. Việc hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng cũng đang được đẩy nhanh, nhằm sớm có quy định chi tiết cho vấn đề này.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com