Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siết USD để hỗ trợ tiền đồng

Ngày 9-4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ. Theo đó, từ tháng 5 tỉ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ dưới 12 tháng sẽ tăng từ 4% lên 6%, dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ trên 12 tháng là 4% (mức hiện nay là 2%). Ngân hàng Nhà nước cũng ấn định lãi suất huy động ngoại tệ không quá 3%/năm, áp dụng từ ngày 13-4.

Đến cuối ngày 9-4, các ngân hàng vẫn chưa công bố biểu lãi suất huy động mới. Nhiều ngân hàng nhỏ cho biết do mức giảm quá mạnh nên hướng trước mắt sẽ áp dụng một mức lãi suất 3% cho tất cả kỳ hạn, sau đó sẽ linh hoạt điều chỉnh theo biến động của thị trường.

Hiện lãi suất (LS) huy động USD của các ngân hàng (NH) phổ biến ở mức 5-5,5%/năm, cá biệt có NH huy động USD đến 6,4%/năm. Như vậy với quy định mới này, LS huy động USD sẽ giảm gần một nửa so với mức hiện nay, bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức.

Theo các NH, việc ấn định trần LS ngoại tệ không quá 3% sẽ giảm đi tính hấp dẫn của người gửi tiết kiệm USD. Hiện LS tiết kiệm USD chỉ còn 3%/năm trong khi gửi VND LS là 14%/năm. Như vậy trong năm 2011, biến động tỉ giá phải trên 11% thì người giữ USD mới có lãi cao hơn so với giữ VND. Tuy nhiên, khả năng trên khó xảy ra vì NH Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ và tỉ giá theo hướng đảm bảo người giữ VND có lợi hơn so với USD.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, do LS VND đang cao và tỉ giá giảm mạnh nên gần một tháng qua nhiều người đã chuyển từ USD sang VND. Hai tháng đầu năm tăng trưởng huy động ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM tăng đến 12,9% nhưng đến cuối tháng 3 đã giảm còn 12%, đến nay chỉ còn 11%. Nếu giữ mức LS huy động USD cao như hiện nay thì trong thời gian tới có khả năng nguồn vốn USD sẽ dư thừa do đối tượng được phép vay ngoại tệ bị siết lại theo thông tư 07. Trường hợp các NH thương mại đem ngoại tệ đi gửi ở nước ngoài cũng sẽ lỗ do LS huy động USD tại thị trường quốc tế hiện nay chỉ 0,5%/năm, trong khi chi phí vốn huy động USD lại tăng lên do NH Nhà nước vừa tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ.

Việc kéo giảm LS USD cũng sẽ hỗ trợ việc giảm LS huy động VND. Theo phân tích của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, một khi người dân chuyển từ USD sang VND, nguồn vốn huy động VND dồi dào hơn sẽ buộc các NH phải giảm LS VND, kể cả trong bối cảnh lạm phát cao do NH Nhà nước đã chốt chặn tín dụng năm 2011 ở mức 20%. Do vậy người dân cũng nên tính toán sớm chuyển USD sang VND, đồng thời chọn gửi kỳ hạn dài để được hưởng LS cao.

Nguyên thống đốc NH Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc tăng dự trữ bắt buộc và ấn định trần LS nằm trong chuỗi điều chỉnh NH Nhà nước thực hiện trong lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế. Không loại trừ tới đây tỉ giá sẽ giảm thêm vì NH Nhà nước đang tính toán giảm trạng thái ngoại hối của các NH thương mại, từ mức 30% vốn điều lệ hiện nay xuống 20%. Khi đó các NH buộc phải bán USD ra thị trường. Nguồn cung tăng sẽ tạo sức ép buộc giá USD phải giảm thêm.

Vàng thế giới lập kỷ lục mới: 1.475 USD/ounce

Giá vàng thế giới ngày 9-4 đã kết thúc tuần giao dịch ở mức kỷ lục mới: 1.475 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước tăng thêm 130.000 đồng/lượng, bán ra 37,33 triệu đồng/lượng.

Theo các công ty vàng, giao dịch vàng trên thị trường đã khởi sắc hơn nhưng giới kinh doanh chưa thể tạo nên cơn sóng về giá như những thời điểm trước vì thị trường ngoại tệ đang đóng băng. Dù một số tiệm vàng bắt đầu giao dịch ngoại tệ trở lại nhưng chỉ trong phạm vi hẹp. Theo ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), một số nhà đầu tư vàng lớn đã bán một phần danh mục đầu tư để lấy tiền đồng gửi NH do LS VND đang cao. Quy đổi theo tỉ giá tự do là 21.100 đồng/USD, giá vàng bán ra trong nước vẫn thấp hơn 100.000 đồng/lượng so với thế giới.

(Tuổi trẻ Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Báo động sai số tài chính
  • Tréo ngoe nhà “thu nhập thấp”
  • “Vượt rào” lãi suất
  • Cần tránh hiện tượng “nhờn” chính sách
  • Bảo hiểm Việt Nam: Cần đa dạng hoá dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm
  • Vẫn lùng bùng thị trường USD
  • Không nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá
  • Nhiều khả năng sẽ có một kết cục "bi đát" cho đồng tiền chung châu Âu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!