Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phố Wall lung lạc Quốc hội Mỹ như thế nào?

Giới vận động hành lang là phần không thể thiếu trong nền chính trị Mỹ. Những gì họ đã làm trong thời gian gần đây liên quan đến dự luật cải tổ hành chính càng cho thấy quyền lực trong bóng tối của họ.

 

Chuyên gia vận động hành lang Tony Podesta tự tin về tương lai - Ảnh: New York Times

Trong hai tuần qua, khi các thành viên Thượng viện và Hạ viện Mỹ tranh cãi nảy lửa về những khác biệt trong hai phiên bản của dự luật cải tổ tài chính, Phố Wall cũng mở chiến dịch vận động dữ dội nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể phải gánh chịu khi dự luật được thông qua. Theo ước tính sơ bộ, Phố Wall đã chi 1,4 triệu USD mỗi ngày để thuê tổng cộng 2.063 chuyên gia vận động hành lang với mục tiêu duy nhất: làm suy yếu dự luật cải tổ tài chính.

Nghề “trao thông tin”!

Các nhà vận động hành lang khẳng định vai trò của họ không phải là gây sức ép hay ảnh hưởng, mà đơn thuần chỉ là “trao thông tin” cho các nghị sĩ quốc hội. “Các nghị sĩ quốc hội muốn hiểu rõ những gì họ đang làm. Họ thường xuyên viết luật nhưng không nghĩ đến việc luật đó sẽ được áp dụng như thế nào trong các trường hợp khác nhau - một nhà vận động giải thích - Khi hiểu rõ hậu quả của những gì họ định làm thì họ sẽ ra những quyết định đúng đắn hơn”.

 

Lợi khoe, hại che

Trong tòa nhà Quốc hội Mỹ tại đồi Capitol, hằng ngày các chuyên gia vận động hành lang - những người đàn ông bảnh bao trong các bộ vest đắt tiền - thường xuyên lượn ra lượn vào. Họ không ngại tiết lộ nhiệm vụ của mình là “tóm lấy một cố vấn cấp cao của phe Cộng hòa, nhồi vào đầu ông ta ý tưởng về việc viết lại luật Volcker”.

Luật Volcker, lấy tên của cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Paul Volcker, cấm các ngân hàng đổ tiền vốn vào các giao dịch tài chính mạo hiểm như địa ốc hay chứng khoán cá nhân. Đó là điều khoản mà nhiều chuyên gia tài chính tin rằng sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng tài chính lặp lại.

Giới vận động hành lang đã không thể xóa nó khỏi dự luật cải tổ tài chính của ông Obama, nhưng đã tìm cách cắt xén bớt nó bằng cách rót vào tai các nghị sĩ những gợi ý như hãy cho phép các ngân hàng, quỹ đầu tư dành một vài phần trăm vốn vào các khoản đầu tư mạo hiểm, hoặc hoãn thi hành luật Volcker, hoặc miễn áp dụng đối với các ngân hàng lớn.

Các nhà vận động hành lang cũng hoạt động dữ dội để tiêu diệt hoặc làm suy yếu điều khoản cấm các ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trị giá 615.000 tỉ USD. Vũ khí của họ chính là những nghiên cứu, khảo sát cực kỳ chi tiết về những bất lợi của các điều khoản hạn chế Phố Wall, trong khi lờ tịt đi những lợi ích thiết thực mà các điều khoản này có thể đem lại.

Và khi hai viện hoàn tất thương lượng, luật Volcker đã yếu đi rõ rệt. Các ngân hàng vẫn có quyền sở hữu cổ phiếu tư nhân và cổ phiếu quỹ đầu tư nếu không vượt quá 3% vốn ngân hàng. Đồng thời, phiên bản cuối của dự luật cải tổ tài chính vẫn cho phép các ngân hàng lớn giao dịch một số sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh. Các chuyên gia tài chính ước tính trong tổng số 615.000 tỉ USD của thị trường này, gần 500.000 tỉ USD sẽ không bị đụng đến.

Cũng nhờ những nỗ lực vận động hành lang quyết liệt, hai ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac cùng với ngành sản xuất ôtô Mỹ và các hãng đo định mức tín nhiệm trở thành những kẻ thắng trong phiên bản cuối cùng của dự luật cải tổ tài chính, như đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính. Dù nhận của chính phủ 125 tỉ USD nhưng Fannie và Freddie đều hoàn toàn miễn nhiễm với các điều khoản kiểm soát giới ngân hàng.

Nghề có giá

Ông Tony Podesta, một trong những nhà vận động hành lang nổi tiếng ở Washington, kiêu hãnh khẳng định dù Tổng thống Obama liên tục chỉ trích sự ảnh hưởng của giới vận động hành lang, thì nhu cầu dành cho họ vẫn liên tục gia tăng.

“Điều mỉa mai là cứ mỗi lần tổng thống nói rằng các chuyên gia vận động hành lang chúng tôi có đủ mọi quyền lực và ảnh hưởng thì những người chưa thuê được một nhà vận động nào lại phát cuồng lên đi tìm cho bằng được một người - ông Podesta hể hả - Tổng thống nói quá khả năng của chúng tôi, nhờ đó giúp tăng nhu cầu dịch vụ cho chúng tôi”.

Bằng chứng là theo Trung tâm Chính trị phản ứng (CRP) ở Washington, vận động hành lang có lẽ là ngành công nghiệp ăn nên làm ra nhất. Tại thủ đô nước Mỹ có tổng cộng 1.900 hãng vận động hành lang, chiêu mộ một đạo quân hơn 11.000 “tay súng”.

Trong thời gian qua, đối tượng khách hàng lớn nhất của họ là các ngân hàng, tổ chức tài chính, nhà môi giới cổ phiếu, quỹ đầu tư, chuyên gia giao dịch chứng khoán... Nhiều tập đoàn chi hàng triệu USD mỗi năm cho dịch vụ vận động hành lang. Chỉ trong năm 2009, doanh thu của các công ty vận động hành lang đạt tới 3,49 tỉ USD.

Trong bốn năm qua, Hãng Podesta Group của ông Podesta đã tăng gấp ba lần nhân lực. Trong dự luật cải tổ tài chính, ông Podesta vận động ở 25 điểm khác nhau cho những tập đoàn lớn như Bank of America, và các công ty khác nhỏ hơn.

Ngay sau khi Quốc hội Mỹ kết thúc thảo luận vụ này, ông Podesta lập tức chuyển sang làm “trung gian” giữa Hãng dầu khí BP với các nhà điều tra của Quốc hội về vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Ông Podesta cũng thu hút vô số khách hàng từ ngành bảo hiểm y tế sau khi Tổng thống Obama đưa ra luật cải tổ bảo hiểm y tế.

Washington đang tìm cách đưa ra các biện pháp hạn chế giới vận động hành lang. Nhưng những nhà vận động như ông Podesta tỏ ra rất tự tin. “Họ (chính quyền) sẽ làm bất cứ điều gì có thể - ông Podesta tuyên bố - Nhưng dù họ có cấm các nhà vận động hành lang lấy bằng lái xe đi chăng nữa, chúng tôi vẫn sẽ mua xe hơi và thuê tài xế”.

HIẾU TRUNG (Theo Time, New York Times, Washington Post)//Theo Tuổi Trẻ

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chống nguy cơ bong bóng BĐS: “Đắp đê” ngăn vốn?
  • Vàng, chứng khoán: Không còn hấp dẫn nhà đầu tư
  • Biệt thự, nhà liền kề vẫn là kênh đầu tư hiệu quả
  • Thất thu thuế chuyển nhượng BĐS: Đừng đổ lỗi hết cho người dân!
  • Sẽ tăng cường các giải pháp mạnh về quản lý đầu tư
  • Luật Các tổ chức tín dụng mới: Kiểm soát chặt việc góp vốn
  • Thị trường địa ốc TP.HCM thiếu dòng tiền đầu tư
  • Vốn rẻ khó vay
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!