Theo ông Giàu, sự cải cách thủ tục hành chính thể hiện khá rõ ở việc giảm bớt thủ tục hành chính và tăng quyền tự chủ cho TCTD. Cụ thể, bỏ bớt quy định về chuẩn y những thay đổi về nhân sự, đăng ký điều lệ...
“Luật các TCTD thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ là không cho phép thành lập ngân hàng tư nhân và hoạt động của từng ngân hàng phải mang tính đại chúng hơn các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác để bảo đảm sự minh bạch”, ông Giàu khẳng định và chứng minh, Luật Các TCTD quy định, ngân hàng thương mại cổ phần tối thiểu phải có 100 cổ đông, trong đó ít nhất 3 pháp nhân. Cổ đông cá nhân chỉ được nắm giữ tối đa 5%; cổ đông tổ chức được nắm giữ tối đa 15%; cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của 1 TCTD. Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của 1 tổ chức (hiện là 20%), cá nhân (hiện là 10%), theo ông Giàu, sẽ hạn chế được tình trạng một nhóm tổ chức, cá nhân có thể thâu tóm 1 TCTD, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công chúng gửi tiền, gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Luật Các TCTD hiện hành không quy định 1 cổ đông và những người có liên quan được sở hữu tối đa bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ của một TCTD. “Khoảng trống pháp lý này”, theo ông Bình, đã dẫn tới tình trạng 1 cổ đông có thể nhờ anh em, vợ chồng, bố mẹ… doanh nghiệp mà anh ta làm chủ, thậm chí, cả cán bộ của doanh nghiệp này đứng tên để mua cổ phần của TCTD. Đây là nguyên nhân dẫn đến một vài TCTD (có thể) đã bị 1 nhóm cổ đông thâu tóm.
“Luật các TCTD mới quy định cụ thể 6 nhóm tổ chức, cá nhân được coi là có liên quan đến cổ đông và toàn bộ số cổ phần của những tổ chức này đều được coi là của cổ đông và bị khống chế tối đa 20% vốn điều lệ của 1 TCTD, nên sẽ tránh được tình trạng tư nhân hoá ngân hàng cổ phần”, ông Bình giải thích.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến trường hợp cổ đông đã sở hữu quá tỷ lệ cổ phần của một TCTD và việc vay đầu tư chứng khoán, ông Giàu cho biết, mặc dù phải đến ngày 1/1/2011, Luật Các TCTD mới có hiệu lực thi hành, nhưng ngay từ bây giờ, những tổ chức sở hữu trên 15%, cá nhân sở hữu trên 5%, cổ đông và những người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của một TCTD sẽ không được tiếp tục mua cổ phần khi TCTD phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
“23/37 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng đã hoàn chỉnh hồ sơ để tăng vốn theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP; trong đó, 7 ngân hàng tăng vốn lên trên 5.000 tỷ đồng, 3 ngân hàng tăng lên trên 4.000 tỷ đồng, 1 ngân hàng tăng trên 3.500 tỷ đồng, số còn lại đều tăng vốn điều lệ lên 3.000 - 3.200 tỷ đồng. Vào cuối năm nay, khi các ngân hàng hoàn chỉnh việc tăng vốn theo yêu cầu, tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân vượt quá quy định sẽ giảm xuống”, ông Giàu phát biểu.
Liên quan đến việc cho vay đầu tư chứng khoán, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, tất cả các TCTD đều tuân thủ quy định về việc cho vay đầu tư chứng khoán, đến nay chưa phát hiện được trường hợp nào cho vay vượt quá quy định (tối đa 20% vốn điều lệ). Việc TCTD cho cá nhân vay vốn để đầu tư chứng khoán thời gian qua được nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc và trong quá trình cho vay đã góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Vì vậy, trong tương lai, nghiệp vụ cho vay đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục được triển khai.
Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết, để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, tránh sự ảnh hưởng dây chuyền, NHNN sẽ quy định cụ thể việc góp vốn, mua cổ phần lẫn nhau giữa các TCTD theo hướng hạn chế việc sở hữu chéo.
(Theo Hàn Tín // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com