Kết quả vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố về tình hình rà soát, cắt giảm, điều chỉnh vốn đầu tư công tính đến hết tháng 5.2011 vẫn chưa phải là con số thống kê cuối cùng.
Vẫn còn một số địa phương chưa có báo cáo, chậm thực hiện phân bổ vốn, không những không cắt giảm, đình hoãn các dự án, mà còn bố trí vốn cho cả các dự án khởi công mới không đủ thủ tục đầu tư.
Chỉ cắt dự án không khả thi
Báo cáo của Bộ KHĐT gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, đến ngày 10.6, mới có 57/60 các bộ, ngành ở T.Ư và 61/63 tỉnh, thành phố có báo cáo chính thức về việc rà soát, cắt giảm vốn đầu tư công gửi về bộ. Vẫn còn 4 cơ quan T.Ư và 2 địa phương là Yên Bái và Điện Biên chưa có báo cáo.
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, điều chuyển được 2.048 dự án với số vốn là 5.556,4 tỉ đồng. Với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, hiện các bộ và địa phương đã rà soát, cắt giảm được 126 dự án với số vốn cắt giảm là 2.777,6 tỉ đồng. Riêng các bộ đã đình hoãn, cắt giảm được 91 dự án với số vốn 2.478,5 tỉ đồng để tăng vốn cho 88 dự án. Các địa phương cắt giảm, điều chuyển vốn của 35 dự án với số vốn 299,1 tỉ đồng.
Các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước thực hiện cắt giảm dự án với số vốn “khủng” lên tới 39.212,2 tỉ đồng, bằng 10,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2011 (349.848,4 tỉ đồng). Các tập đoàn: Điện lực, Dầu khí, Than - Khoáng sản có số vốn cắt giảm so với tổng mức đầu tư là thấp, nhưng con số tuyệt đối lại khá lớn như Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cắt giảm số vốn lên tới gần 12.160 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) giảm 7.251,6 tỉ, Tập đoàn Than - Khoáng sản 4.787 tỉ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông 3.000 tỉ...
Điều đáng nói, theo Bộ KHĐT thì phần lớn các dự án bị đình hoãn (tổng số tới 907 dự án) là do các tập đoàn, Tcty đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm thiết bị đắt tiền, không phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong số này có không ít trường hợp dự án khởi công năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư như chưa rõ nguồn vốn, chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng... Các dự án này trên thực tế là không có vốn hoặc dự án không khả thi, nhưng cũng được tính vào số vốn được cắt giảm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư
Hiện theo Bộ KHĐT, trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong năm nay là 152.000 tỉ đồng và vốn trái phiếu chính phủ 45.000 tỉ đồng, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ được 117.335 tỉ đồng vốn ngân sách và gần hoàn thành xong việc phân bổ vốn trái phiếu (44.916 tỉ đồng).
Bộ KHĐT cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 11, trong năm nay, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ thực hiện nghiêm túc việc không ứng trước vốn của năm 2012 cho các dự án; không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ trong kế hoạch năm 2011, thu hồi về ngân sách T.Ư các khoản này để bổ sung vốn cho các công trình, dự án hoàn thành trong năm; không khởi công mới các công trình dự án sử dụng các nguồn vốn trên, trừ các dự án phòng, chống thiên tai và dự án quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít bộ, ngành không cắt giảm, đình hoãn toàn bộ số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới không thuộc đối tượng của Nghị quyết 11. Hiện đang còn tới 247,9 tỉ đồng số vốn đã cắt giảm của các dự án khởi công mới, dự án chuyển tiếp của các bộ, ngành T.Ư nhưng chưa được bố trí, điều chuyển tăng vốn cho các dự án chuyển tiếp khác. Một số bộ, ngành hiện còn số vốn điều chuyển cắt giảm khá thấp so với số dự án khởi công mới.
Việc cắt giảm, điều chuyển vốn vẫn còn nặng về hình thức khi nhiều bộ, ngành địa phương khá chần chừ, nấn ná trong việc “giữ lại” không kiên quyết cắt giảm với các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, có dự án đã kịp khởi công trước ngày Nghị quyết 11 được ban hành. Tâm lý trông chờ Nghị quyết 11 điều chỉnh tiêu chí đình hoãn, dãn tiến độ cũng tồn tại ở không ít địa phương vẫn muốn ôm dự án.
Đại diện Bộ KHĐT cho biết: Trên cơ sở rà soát, cắt giảm các dự án, để tránh bệnh hình thức và cách làm kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đầu tư. Đối với các chủ đầu tư nguồn vốn nhà nước, bộ yêu cầu phải chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ việc tạm ứng vốn cho nhà thầu; có quy định rõ về chế tài đối với các nhà thầu tạm ứng trước vốn, nhưng không thực hiện được khối lượng theo tiến độ.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com