Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các thông tin giật mình về nhà thu nhập thấp (TNT) như người có thu nhập thấp chê nhà, bàn giao nhà nhưng không chịu về ở, phát hiện nhiều vụ gian lận trong mua nhà TNT hay sốc với nội thất nhà TNT…
Cơ quan chức năng cũng bó tay vì thiếu chế tài xử lý… Theo quan sát của người trong cuộc - gồm cả những người dân thuộc đối tượng được mua nhà TNT và cả các DN ngành xây dựng - thì chính sách điều tiết bán nhà TNT đang bộc lộ nhiều lỗ hổng.
Những câu chuyện bi – hài
Nếu như từ cuối năm 2010, tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng là thông tin người TNT được mua nhà và sướng phát khóc vì được mua nhà TNT... thì nay, theo báo cáo mới nhất của CTCP Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư dự án chung cư đầu tiên của Hà Nội dành cho người TNT - hiện vẫn còn 69 căn hộ tại tòa CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, tuy đã nhận bàn giao được 3 tháng nhưng vẫn chưa dọn tới ở, tương đương 21% tổng số căn hộ. Tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông), mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một trường hợp đã có đất ở nơi khác nhưng vẫn bốc thăm và trúng suất mua nhà TNT.
Theo quy định, đối tượng được mua nhà ở TNT phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Chưa có nhà ở hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội; chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức; có mức thu nhập hàng tháng (tính bình quân theo đầu người) dưới mức bình quân của địa phương theo quy định của UBND cấp tỉnh... Chỉ được phép thực hiện các giao dịch nhà ở TNT (bán, cho thuê, cho thuê mua) tối thiểu 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà.
Quy định có phần chặt chẽ, ngặt nghèo là vậy, số người may mắn được sở hữu căn nhà NTN đầu tiên ở CT1 Ngô Thì Nhậm đã phải qua nhiều đợt sàng lọc lên tới vài ngàn hồ sơ mới trụ lại được trong số vài trăm tiêu chuẩn được nhận nhà. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, số căn hộ còn để trống lên tới hơn 20%. Ngoài ra còn phát hiện một vụ mua bán trái phép một căn hộ thuộc toà nhà này.
Các lý do được các hộ dân đưa ra là do con cái họ phải học hết năm học này tại nơi cu trú cũ; có lý do chưa chọn được ngày đẹp để dọn nhà, hay chưa đủ tiền để sắm đồ đạc cho căn hộ mới... Thực mục sở thị một vài căn hộ TNT đã về ở thì người ta lại choáng với đời sống khá cao của người dân ở đây, với nhiều vật dụng đắt tiền, thậm chí nhiều nhà có ôtô riêng...
Được biết, giữa tháng 5.2011, tại cuộc họp khẩn về xử lý các trường hợp vi phạm quy chế mua bán nhà tại dự án CT1, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo phải bổ sung quy định, sau thời gian 3 tháng, nếu người mua vẫn bỏ hoang căn hộ, chủ đầu tư có thể xem xét hủy hợp đồng. Tuy vậy, ngay những người trong cuộc cũng thừa nhận việc sửa đổi, bổ sung quy định không dễ gì thực hiện trong một vài tháng.
Người trong cuộc nói gì?
Theo chị V.P.A - cán bộ một Cty sách và thiết bị trường học, với những chính sách hiện nay, người dân có nhu cầu nhà ở sẽ rất khó tiếp cận được căn hộ TNT. “Một căn hộ diện tích nhỏ 40m2 được bán với đơn giá 12 triệu đồng/m2 thì chỉ có những người có thu nhập kha khá mới có thể mua được. Với thu nhập trung bình như vợ chồng tôi thì khả năng mua nhà TNT vẫn còn quá xa vời” - chị V.P.A nói.
Cũng theo chị V.P.A, nên xem xét một cách công bằng hơn với các cư dân ở nhà TNT như tại sao họ chưa về ở, phải chăng do việc sinh hoạt chưa thực sự thuận tiện, hay nhu cầu được bán, quyền được sở hữu nhà TNT một cách thực sự cũng là một nhu cầu thực cần tính đến.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Đầu tư và phân phối DTJ cho rằng, chính sách bán nhà TNT bộc lộ nhiều bất cập do nhiều yếu tố, nhưng trên tất cả là do Nhà nước chưa có một chiến lược phù hợp để thị trường tự điều chỉnh, thay vì ban hành ra quá nhiều công cụ để quản lý như hiện nay.
Theo ông Khánh, ở khu vực phía nam, người ta không phân định rõ đâu là nhà TNT nhưng vẫn rất rành mạch khu vực này có giá 10-15 triệu đồng/m2; khu vực kia có giá 20-25 triệu đồng/m2. Sở dĩ như vậy là do có các quy định rất rõ về giá đất từng khu vực, các cơ chế giao đất cho DN không phải là cơ chế xin – cho mà là đấu giá cạnh tranh. “Nhà TNT thì vẫn phải đảm bảo chất lượng và vị trí nhất định, nhưng vị trí nào thì lại là tầm nhìn quy hoạch.
Tôi lấy ví dụ khu Nam Trung Yên (Hà Nội) có vị trí rất đẹp. Nếu Nhà nước cho đấu giá khu đất đó làm TTTM để lấy tiền đầu tư xây dựng được nhiều khu nhà ở xã hội cho người TNT sẽ tốt hơn là lấy khu đất vàng đó làm khu tái định cư. Đó là một sự lãng phí” - ông Khánh nói.
Bản thân nhiều DN xây dựng cũng cho rằng, chính những quy định hiện nay đã vô tình đẩy toàn quyền bán nhà TNT vào tay DN và sở xây dựng của địa phương. Do đó, việc phát sinh tiêu cực bởi cơ chế “xin – cho” là khó tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó TGĐ Cty địa ốc Đất Lành - Nhà nước cần có cơ chế trách nhiệm rõ ràng chứ không nên giao phó cho các DN thực hiện như một nghĩa vụ.
Ông Đực cho rằng, cần giao trách nhiệm thực hiện chương trình xây dựng nhà TNT cho chính quyền địa phương; xác định chỉ tiêu, định mức xây dựng mang tính chất pháp lệnh. Nên mở rộng khái niệm nhà ở xã hội, hỗ trợ cho DN đầu tư căn hộ giá trung bình và diện tích nhỏ (hiện nhiều căn hộ thương mại tại TPHCM bán giá 12 – 15 triệu đồng/m2, tương đương giá căn hộ TNT tại Hà Nội) được hưởng các chỉ tiêu như nhà TNT. Có vậy mới mong mới gỡ rối câu chuyên bi - hài của nhà TNT hiện nay.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com