![]() |
Thời gian tới, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh bị giới tài chính lợi dụng, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế như vừa qua. |
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy những điểm yếu nghiêm trọng của hệ thống tài chính và cách hoạt động của khu vực tài chính. Có thể tóm gọn trong một nhận xét: lòng tham của nhà đầu tư không bị kiềm chế đã làm cho khu vực này chịu nhiều biến động, sử dụng nguồn lực khổng lồ nhưng giá trị tạo ra cho nền kinh tế không tương xứng, lại có thể tác động xấu đến nền kinh tế thật.
Hai động thái mới nhất của Mỹ cho thấy nước này đang tiến dần đến một giải pháp cải tổ toàn diện khu vực tài chính - một nỗ lực được nhiều người nêu ra ngay từ đầu cuộc khủng hoảng nhưng chưa nước nào đạt được bước tiến gì đáng kể mãi cho đến hôm nay. Động thái đầu tiên là chính quyền Obama đã thuyết phục được Hạ viện Mỹ thông qua một kế hoạch siết lại những quy định cho thị trường chứng khoán và ngành ngân hàng. Việc thuyết phục không dễ dàng vì mặc dù kế hoạch được thông qua nhưng toàn bộ dân biểu thuộc đảng Cộng hòa và 27 dân biểu thuộc đảng Dân chủ bỏ phiếu chống. Nội dung chính của kế hoạch này gồm việc thành lập một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trước các “chiêu” cho vay nặng lãi bất kể rủi ro, đặt ra các quy định mới chi phối việc giao dịch một số công cụ tài chính tinh vi là tác nhân gây khủng hoảng, có biện pháp giảm thiểu nguy cơ khi một hai ngân hàng lớn sụp đổ có thể gây hoảng loạn cho toàn bộ nền kinh tế. Cái khó của một kế hoạch như thế là làm sao cân bằng được giữa việc bảo vệ người dân nói riêng, nền kinh tế nói chung không để giới tài chính lạm dụng nhưng cũng không làm khu vực tài chính mất động lực phát triển vì dù sao đây chính là hệ thống tuần hoàn bôi trơn hoạt động của nền kinh tế. Các chuyên gia thị trường dự báo kế hoạch còn được chỉnh sửa nhiều trước khi đưa lên Thượng viện vào năm tới. Việc phân định đâu là các hành vi xuất phát từ lòng tham bất kể rủi ro mà các quy định hiện hành không kiểm soát nổi, đâu là hành vi tài chính thuần túy không phải là chuyện đơn giản. Ví dụ, lý do chính khiến các dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu chống là vì họ tin rằng kế hoạch này sẽ làm cho tín dụng khô cạn, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn đầu tư và thất nghiệp sẽ gia tăng. Tổ chức sẽ được thành lập (Cơ quan Bảo vệ tài chính tiêu dùng) sẽ làm ngân sách tốn thêm nhiều tỉ đô la, nhằm ngăn ngừa cách cho vay mua nhà cho dù người mua không chứng minh được khả năng chi trả. Chính các khoản vay mua nhà mà các ngân hàng cấp vô tội vạ trong nhiều năm trước đây là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tài chính. Kế hoạch cũng bao gồm các biện pháp kiểm soát việc trả lương cao ngất ngưởng cho các nhà điều hành các tập đoàn tài chính lớn, các quy định nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ và siết lại hoạt động của các quỹ đầu cơ. Lần đầu tiên, sẽ có những quy định áp dụng cho các công cụ tài chính phái sinh cũng như một quỹ bắt buộc mà các tập đoàn tài chính lớn phải đóng góp để sử dụng lúc có tập đoàn nào rơi vào nguy cơ phá sản. Nhượng bộ trước áp lực chống đối của các nhóm lợi ích tài chính, kế hoạch được sửa đổi vào phút chót để chỉ áp dụng biện pháp kiểm soát đối với các công cụ tài chính phái sinh giao dịch giữa các tập đoàn tài chính với nhau; giao dịch giữa công ty môi giới và khách hàng cá nhân vẫn chưa bị kiểm soát. Động thái thứ nhì đến từ Bộ Tài chính Mỹ và chỉ áp dụng cho bốn tập đoàn lớn. Bộ này quyết định đặt mức lương bằng tiền mặt cao nhất mà lãnh đạo của Citigroup, American International Group, General Motors và GMAC được nhận hàng năm là 500.000 đô la Mỹ. Từ đó, bộ này cho rằng hàng trăm nhân viên quản lý cấp trung của bốn hãng này cũng sẽ phải giảm mức lương tương ứng. Sở dĩ Bộ Tài chính Mỹ làm được việc này là bởi bốn tập đoàn nói trên hiện đang nhận tiền hỗ trợ của chính quyền liên bang. Nhưng Bộ Tài chính Mỹ hy vọng các hãng khác, do áp lực thị trường, cũng sẽ phải áp dụng các biện pháp hạn chế mức lương cho giới lãnh đạo theo hướng tương tự. Cũng có những quy định cụ thể về mức thưởng bằng tiền hay cổ phiếu mà các hãng có thể trả vào dịp cuối năm. Thật ra trước đó, Bộ Tài chính đã quy định mức lương trần ở bảy doanh nghiệp có nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ. Ngoài ra còn có những hạn chế đáng chú ý khác như 50% lương, thưởng phải được trả theo cách mà người hưởng mãi ba năm sau mới nhận được; tiền mặt chỉ chiếm tối đa 45% tổng lương, thưởng; ít nhất 50% tiền thưởng phải được trả bằng cổ phiếu mà ba năm sau mới được bán; thưởng bằng tiền phải rải đều để nhận trong vòng hai năm… Quyết định này lại không ảnh hưởng đến ba tập đoàn lớn khác. Bank of America thì do đã trả toàn bộ 45 tỉ đô la mà ngân hàng này nhận từ ngân sách nhà nước; Chrysler và Chrysler Financial thì đã tự giới hạn mức lương tối đa dưới nửa triệu đô la trong năm nay. Việc hạn chế mức lương thưởng cao ngất mà những năm trước khá phổ biến được nhiều người đồng tình vì chính mức lương thưởng cao đã thúc đẩy các hoạt động liều lĩnh, bất kể rủi ro là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
(Theo Vân Cầm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com