Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng như thế nào?

Ngoài yêu cầu các tổ chức tín dụng tự kiểm tra lại hoạt động cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để kiểm soát đối với hoạt động cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán, cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước định hướng giới hạn tăng trưởng tín dụng, yêu cầu kiểm soát chặt hoạt động cho vay từ nay đến cuối năm.

Đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm ở khoảng 21% - 23%, gần với mức tăng trong năm 2008. Với chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng trên thực tế đã và đang tăng nhanh, đặc biệt từ quý 2/2009; sau 6 tháng đầu năm, mức tăng đã là 17,01%.

Trong định hướng 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước xác định mức tăng trưởng tín dụng sẽ giới hạn trong khoảng 25% - 27%. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu “hãm phanh” hoạt động cho vay của các ngân hàng trong thời gian tới.

Giảm tín dụng phi sản xuất

Tại cuộc họp về công tác tín dụng tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát tín dụng chặt chẽ, không được hạ thấp điều kiện tín dụng. Thống đốc cũng nhấn mạnh định hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả đối với nền kinh tế, tập trung ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, giảm tín dụng phi sản xuất.

Một tháng trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng tự rà soát, kiểm tra lại hoạt động cho vay tiêu dùng, tập trung ở chất lượng tín dụng và việc thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận. Ngày 15/7 vừa qua là hạn để các thành viên báo cáo cụ thể về Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài yêu cầu ra soát lại tín dụng tiêu dùng, trong 6 tháng cuối năm, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng cho biết sẽ “thực hiện các biện pháp để kiểm soát cho vay đối với hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”.

“Thông điệp” trên được đưa ra sau khi hoạt động cho vay hai lĩnh vực trên đã có bước tăng mạnh trong tháng 5 và 6 vừa qua. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán ước đến 30/6/2009 đã tăng 28,31% so với cuối năm 2008; trong khi đến cuối tháng 4/2009 mới chỉ tăng khoảng 4%. Tương tự, dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh bất động sản đến 30/6/2009 ước tăng 10,48% so với cuối năm 2008; trong khi cuối tháng 4/2009 giảm gần 12% so với cuối năm 2008.

Tuy hoạt động cho vay nói trên vẫn nằm trong giới hạn quy định và được đánh giá là vẫn an toàn, nhưng là một nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khá cao. Đây có thể cũng là một cơ sở để Ngân hàng Nhà nước xem xét trong định hướng giảm bớt tín dụng phi sản xuất để tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất trong thời gian tới.

Một giới hạn hợp lý?

Về định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2009 ở khoảng 25% - 27%, một số chuyên gia, người trong cuộc cho rằng đó là một giới hạn hợp lý nhưng không quá quan trọng.

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia tài chính cho rằng một tỷ lệ cụ thể, bao nhiêu không quá quan trọng. “Ngân hàng Nhà nước định hướng giới hạn này đặt trong dự phòng khả năng lạm phát trở lại, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ là một yếu tố. Theo tôi, quan trọng hơn là định hướng nguồn tín dụng đó đến với những đối tượng nào, sử dụng như thế nào để thực sự hiệu quả”, chuyên gia này nói.

Cùng quan điểm trên, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng với Việt Nam, tăng trưởng tín dụng dưới 30% chưa phải là nóng. Điều mà bà Hương nhấn mạnh là cần quan tâm tới chất lượng tín dụng, tới hiệu quả sử dụng vốn, thận trọng và không “đổ” quá nhiều trong hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Cao Văn Đức, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), cho rằng định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 25% - 27% là phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, nhưng vấn đề cần quan tâm là cách mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng các quy định để đạt được định hướng đó.

“Tôi thấy việc Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra định hướng là cơ hội để các ngân hàng chủ động có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu rủi ro mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng.

Theo tôi giới hạn tăng trưởng tín dụng nói trên được áp dụng đồng đều cho tất cả các ngân hàng là chưa phù hợp. Ðể phát huy tác dụng tốt, giới hạn tín dụng nên được áp dụng cho từng ngân hàng thương mại riêng biệt để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngân hàng trên cơ sở tổng mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành không vượt quá 25% - 27% trong cả năm 2009”, ông Đức kiến nghị.

Tại VietBank, 6 tháng cuối năm, ưu tiên tăng truởng tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau như cá thể, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp. Đây cũng là định hướng có ở các ngân hàng khác.

Một lãnh đạo ngân hàng phân tích rằng, đến thời điểm này nhiều thành viên đã gần hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm (đạt từ 70% - 90%), không còn nhiều áp lực phải đẩy mạnh như đầu năm; theo đó, nguồn vốn giải ngân trong thời gian tới sẽ chọn lọc hơn, tập trung chủ yếu cho các khách hàng doanh nghiệp truyền thống, bên cạnh việc thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất.

“Nhưng ngay cả khi không có giới hạn, muốn đẩy mạnh tín dụng hơn nữa cũng không đơn giản. Bởi thực tế là nguồn vốn huy động để cho vay thời gian qua và hiện nay vẫn khá khó khăn”, lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

 

(Theo Minh Đức // VnEconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Giải mã lợi nhuận ngân hàng
  • Dòng vốn FDI toàn cầu sẽ phục hồi trong năm tới?
  • Lợi nhuận "nóng" có mâu thuẫn với tăng trưởng bền vững?
  • Cơ chế hỗ trợ lãi suất đáp ứng mục tiêu kích cầu
  • Chính phủ thực hiện gói kích cầu là cần thiết
  • Đáng kể về “lượng” nhưng bao giờ đáng chú ý về “chất”?
  • Vòng xoáy lạm phát, cung tiền
  • Tín dụng ngân hàng “bơm” bong bóng bất động sản?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!