Sau hàng loạt văn bản can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối, có thể thấy tính hình trước mắt nguồn ngoại tệ sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên,vẫn có sự lo ngại, bán “đô” thì dễ, mua được của ngân hàng rất khó, từ nay tới cuối năm NHNN không cân đối cung - cầu ắt sẽ thêm nhiều phản ứng tiêu cực.
Tiếp tục có những biện pháp mạnh can thiệp vào thị trường ngoại hối, ngay những ngày đầu của tháng 6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp ban hàng hàng loạt chính sách nhằm nhằm tăng tính thanh khoản, tăng dự trữ ngoại tệ, hạn chế nhập siêu.
Mới đây nhất, lãi suất huy động bằng USD tại các ngân hàng đã giảm xuống tối thiểu là 0,5% và tối đa là 2%/năm( trước đó mức này là 1%/năm đối với các tổ chức và 3%/năm đối với cá nhân). Bên cạnh đó NHNN cũng quy định tỷ lệ dự trữ bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng tăng thêm 1%, trong đó mức tối đa lên tới 7%.
Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2011/TT-NHNN quy định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng, trong đó có mở rộng thêm nhiều đối tượng khác, kể cả các doanh nghiệp đã cổ phần hoá.
Những động thái mới vừa qua sẽ khiến nản lỏng nhiều người còn giữ ngoại tệ và khuyến khích thêm những ai đang chần chừ bán cho ngân hàng để chuyển sang tiền đồng lấy lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh mới, các ngân hàng cũng giảm tỷ giá USD xuống để đón nhận nguồn ngoại tệ mới.
Ngay sau đợt điều chỉnh trên, trong ngày 2/6, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại đã giảm mạnh xuống giá mua từ mức 20.510 đồng xuống còn 20.480 đồng/USD, giá bán cũng lập đáy ở mức 20.580 đồng/USD.
Ngày tiếp theo sau đợt điều chỉnh (3/6), tiếp tục có thêm nhiều ngân hàng giảm mạnh tỷ giá xuống mức thấp nhất kể từ ngày NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-3% xuống =/-1% và tăng tỷ giá lên 9,3% (ngày 11/2/2011). Lãi suất huy động USD cũng được các ngân hàng điều chỉnh xuống tối đa là 2%/năm.
Tính đến ngày Thứ bảy vừa qua, tỷ giá niêm yết tại Ngân hàng ACB là 20.480 -20.580 đồng/USD. Mức lãi suất tiền gửi USD cũng được ACB điều chỉnh từ chiều ngày 3/6 từ 3% về 2%/năm cho tất cả các kỳ hạn.Tại Eximbank tỷ giá được niêm yết có mức cao hơn 20.490 -20.600 đồng/USD. Lãi suất tiền gửi thường được điều chỉnh xuống còn 1,90%/năm cho các kỳ hạn từ 1tháng-12 tháng; 2%/năm từ 18 tháng.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, trước mắt thị trường có thêm nguồn cung USD khá dồi dào, điều này sẽ giúp tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên cũng sẽ có nhiều phản ứng ngược cần được NHNN tính đến, trong đó có việc tỷ giá giảm mạnh sẽ gây bất lợi cho chính các doanh nghiệp xuất khẩu- đối tượng hiện đang được ưu tiên, khuyến khích. Tiếp đó là việc bán ngoại tệ cho ngân hàng thì dễ nhưng khi mua ngoại tệ của ngân hàng thì rất khó, điều này dễ khiến “đô” tự do được dịp nóng trở lại.
Câu hỏi lớn hiện đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là, trước mắt tình hình này sẽ diễn ra thuận lợi, nhưng đến thời điểm cuối năm khi các doanh nghiệp cần ngoại tệ thì có mua được không và thủ tục sẽ như thế nào?.
Theo TS, Lê Đăng Doanh, sự lo ngại của doanh nghiệp là có cơ sở, bởi chắc chắn khi mua ngoại tệ ngân hàng sẽ có sự xét duyệt khắt khe, vì hiện NHNN cũng muốn hạn chế nhập siêu. Trước kia có ngoại tệ thì các doanh nghiệp có thể ký với nhau rồi có thể nhập cái này cái khác để kiếm lãi , còn bây giờ thì không còn có chuyện đó nữa, bởi ngoại tệ đã vào tay NHNN và NHNN sẽ rất kén chọn, khắt khe trong chuyện doanh nghiệp nhập cái gì và có cho phép doanh nghiệp nhập cái đó hay không, đấy là một trong những biện pháp mà đạt được nhiều mục tiêu…Những biện pháp này là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải giữ được cơ chế thị trường, nếu không rất dễ bị tắc nghẹn và quay trở lại với thời cũ, tức là phải đi xin phép thì mới có được ngoại tệ”.
Đồng tình với quan điểm này, giám đốc một doanh nghiệp cho rằng, nếu phải chờ đợi khi cần ngoại tệ thì sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp giảm đi rất nhiều. Có rất nhiều doanh nghiệp cần phải nhập ngay, ví dụ như doanh nghiệp dệt may, phỉa cần USD trong vòng 3 tuần để nhập hàng, trong khi đó xét duyệt USD phải mất đến vài ngày hoặc đến một tuần, thì lúc đó các doanh nghiệp sẽ lại gặp khó khăn. Điều này rất dễ dẫn đến chuyện mua bán ngoại tệ bất hợp pháp.
TS. Doanh nhận định, từ nay đến cuối năm khi nhu cầu đô tăng mạnh, việc quản lý chặt ngoại tệ có thể sẽ khiến tỷ giá "đô" chợ đen có dịp nóng trở lại bởi đó là quan hệ cung cầu. Nếu NHNN không bảo đảm nguồn cung ngoại tệ theo nhu cầu của thị trường mà lại có những khó khăn, chậm trễ về mặt thủ tục thì lúc bấy giờ sẽ phát sinh nhu cầu, mà các nhu cầu đó sẽ tìm con đường riêng của nó chứ không chờ đợi thủ tục hành chính.
(VnMedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com