Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường ngoại hối: Dồn dập điều tiết

 Liên tiếp trong những ngày cuối cùng của tháng 5 và đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dồn dập ban hành một loạt văn bản quan trọng, mang tính đồng bộ nhằm điều tiết thị trường ngoại hối, hạn chế việc nắm giữ và vay vốn bằng USD.

Ồ ạt quyết định


Trước hết là quyết định kết hối đối với các tập đoàn, các tổng công ty theo Thông tư số 13/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thông tư 13 mở rộng thêm đối tượng phải bán lại ngoại tệ cho NH, thay vì một số tập đoàn và tổng công ty lớn như trước đây thì nay bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005. Nguồn ngoại tệ các doanh nghiệp trên phải bán cho NH gồm: 1- Ngoại tệ trên tài khoản có kỳ hạn và không kỳ hạn gửi tại NH tại thời điểm ngày 1-7-2011; 2- Ngoại tệ thu được từ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp (trừ các nguồn thu từ giao dịch vốn) của doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1-7-2011. Trường hợp mua lại ngoại tệ được quy định chặt chẽ. Nếu doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ với số lượng lớn hơn số doanh nghiệp thu được và gửi tài khoản thì phải xuất trình tài liệu, chứng từ hợp lệ để phục vụ nhu cầu sử dụng hợp pháp.

Tiếp theo là quy định tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ kể từ tháng 6-2011 đối với các tổ chức tín dụng thêm 1% lên 7% đối với tiền gửi ngoại tệ dưới 12 tháng và lên mức 5% đối với tiền gửi ngoại tệ trên 12 tháng. Cùng lúc đó, lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức tín dụng từ ngày 2-6 cũng bị rút xuống còn 0,5%/năm, của các cá nhân xuống còn 2%/năm theo Thông tư 14/TT-NHNN. Trước đó chỉ cách đó ít ngày trong tháng 5, NHNN cũng đã mạnh tay điều chỉnh dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với các NH thương mại từ 4% lên 6%.

Vì mục tiêu tín dụng

Việc tăng dự trữ ngoại tệ đối với các NH thương mại là nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng. Bởi trong 5 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ tăng 18,9% (cao hơn nhiều so với mức tăng tín dụng VND là 2,59%) dù NHNN đã có Thông tư số 07/2011/TT-NHNN thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ để hạn chế được các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ và chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán. Tăng dự trữ bắt buộc cũng sẽ làm cho chi phí vốn vay ngoại tệ đắt hơn lên, nhằm hạn chế tình trạng vay vốn ngoại tệ với lãi suất rẻ để chuyển thành vốn VND kinh doanh.

Ngược lại, việc giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ và mở rộng đối tượng bán ngoại tệ là nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trên tài khoản của các doanh nghiệp, đồng thời khi có cơ chế “ép” lãi suất sẽ khiến cả người dân cũng sẽ chuyển ngoại tệ thành VND do chênh lệch lãi suất tiền gửi ngoại tệ với lãi suất VND vẫn đang ở mức cao.

Việc yêu cầu kết hối với nhiều đối tượng doanh nghiệp (cùng với hình thức “tự xử” khi lãi suất ngoại tệ xuống thấp) được cho là sẽ khiến cho nguồn cung ngoại tệ trên thị trường thời gian tới dồi dào hơn. (Bởi theo một thống kê thì với yêu cầu kết hối, ở thời điểm cuối tháng 3-2011, số dư ngoại tệ của 78 tổ chức, tập đoàn, tổng công ty gửi ở các NH là khoảng 1,6 tỷ USD). Diễn biến này sẽ thuận lợi cho việc NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Trước đó, NHNN cũng đã mua tổng cộng 1 tỷ USD từ các NH thương mại cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Việc điều chuyển dòng vốn như trên cũng có thể làm cho tỷ giá hạ xuống, tác động tới các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu và tình hình nhập siêu. Do đó, các chuyên gia cho rằng, NHNN cần có động thái can thiệp bằng cách tiếp tục mua vào ngoại tệ và rút vốn VND trên thị trường mở như cách ứng xử với 1 tỷ USD ở trên.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo nhiều ý kiến, các biện pháp mạnh tay liên tiếp của NHNN sẽ làm cho khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp vốn đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Khi chi phí vốn của các NH thương mại tăng lên sẽ đẩy lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tăng theo. Ở một mức độ nào đó nó sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro về thanh khoản và nợ xấu của các NH. Do đó, việc điều tiết các chính sách ở mức độ nào đó để không làm “đứt dây” tình trạng vốn đang căng thẳng hiện nay mà vẫn thực thi được chính sách kiềm chế lạm phát theo Nghị định 11 của Chính phủ là rất khó khăn.

(Báo Đại Đoàn Kết)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thấy gì từ nguồn gốc doanh thu của công ty chứng khoán?
  • Hạn chế các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ
  • Tín dụng xuất hiện sự lệch pha lớn
  • Đầu tư vào đâu thì "trúng quả"?
  • Doanh nghiệp vượt “bão” lạm phát
  • Tỷ giá USD sẽ về đâu?
  • Lãi suất chưa thể giảm trong ngắn hạn
  • Ðể vốn cho vay của ngân hàng đến với hộ nông dân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!