Tái cấu trúc thị trường tài chính là biện pháp quan trọng để tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Gọi thị trường tài chính là nền tảng của hạ tầng kinh tế, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trao đổi với Báo Đầu tư đã khẳng định rằng, cấp thiết phải tái cấu trúc lại thị trường tài chính, để tạo nền tảng phát triển bền vững hơn trong tương lai. TS.
Trần Du Lịch cũng bày tỏ sự đồng tình khi trong 8 vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế, có vấn đề tái cấu trúc thị trường tài chính. Mặc dù trong thời gian qua, thị trường tài chính Việt Nam đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, song những bất ổn đã bắt đầu bộc lộ rõ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua.
Các chuyên gia kinh tế trong suốt thời gian qua cũng đã luôn thống nhất quan điểm rằng, đến ngay cả nước Mỹ mà thị trường tài chính cũng còn nhiều lỗ hổng, huống chi ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì thế, khủng hoảng chính là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận một cách xác đáng những điểm yếu của thị trường, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mặc dù trong năm 2009, thị trường tài chính Việt Nam có độ an toàn, ổn định khá hơn trong năm 2008, thị trường tỷ giá, lãi suất và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng tốt hơn, song do vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, nên các quan hệ thị trường của thị trường tài chính Việt Nam trên một khía cạnh nào đó còn chưa đồng bộ, thậm chí khập khiễng. Thị trường tài chính Việt Nam năm 2009 còn rất nhiều vấn đề cần lưu tâm. Chẳng hạn, mặc dù hệ thống các ngân hàng thương mại phát triển tốt, nhưng tác động của cơ chế bù lãi suất lại phần nào làm méo mó thị trường lãi suất, vì vậy cần tính toán để điều chỉnh cho phù hợp.
Cũng trong năm nay, do nhập siêu vẫn ở mức cao, trong khi giải ngân vốn đầu tư giảm, kiều hối cũng giảm sẽ gây áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể và khi đó, sẽ tác động không tốt tới tỷ giá đồng tiền. “Những năm qua, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam luôn dương. Trong năm ngoái, dù kinh tế khó khăn, nhưng cán cân thanh toán vẫn thặng dư mấy trăm triệu USD. Vì thế, vấn đề là làm sao tiếp tục tạo độ dương của cán cân này để có dự trữ quốc gia và ổn định giá trị đồng tiền”, TS. Trần Du Lịch nói.
Cùng với đó, các vấn đề được đặt ra, đó là mặc dù tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn trong năm nay, nhưng cần thiết phải đánh giá lại tỷ lệ nợ xấu, cũng như kiểm soát dòng tiền của gói kích cầu được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng… Tuy vậy, tất cả những vấn đề này phần nhiều mang yếu tố ngắn hạn. Nếu cái đích hướng tới là một tầm nhìn trung và dài hạn hơn, thì theo GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, vấn đề giám sát hệ thống tài chính cần được đặc biệt coi trọng, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng này, chứ không chỉ là sau khủng hoảng.
“Hiện nay, chúng ta chưa có thể chế chính sách cho việc giám sát thị trường tài chính. Chúng ta mới chỉ có cơ quan giám sát tài chính của Quốc hội, nhưng như thế là chưa đủ, cần phải có cơ quan giám sát độc lập với hoạt động ngân hàng. Cơ quan này phải được thông báo, cập nhật tình hình ngân hàng, được trao quyền để giám sát, kiểm tra hoạt động của hệ thống ngân hàng”, GS.
TSKH Nguyễn Mại nói và đề cập một loạt vấn đề cần phải điều chỉnh khi tính tới vấn đề tái cấu trúc thị trường tài chính. Đó là sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường tài chính, sự ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế đối với thị trường tài chính, sự liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính, cũng như những tác động khi vào năm 2025, dự kiến cộng đồng chung ASEAN sẽ được thành lập.
Một vấn đề khác cần quan tâm, đó là sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Phân tích về vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, mặc dù hệ thống ngân hàng đang phát triển rất mạnh, nhưng trong đó không ít ngân hàng yếu kém, nhất là sau giai đoạn khủng hoảng. Chính vì vậy, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng là một yêu cầu cấp bách.
Trong khi đó, cũng bàn về vấn đề tái cấu trúc thị trường tài chính, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng, bày tỏ quan điểm rằng, cấu trúc của thị trường tài chính cũng phải đổi mới cho phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế. Chẳng hạn, phải phát triển hệ thống tài chính vi mô để phục vụ cho nhu cầu vốn của vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo sự thông suốt cho thị trường vốn.
Việc vừa qua nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận vốn ngân hàng, theo bà Thanh, cũng là vì sự ách tắc của thị trường vốn. Để tránh ách tắc, thì phải tính tới cấu trúc thị trường tài chính cho phù hợp. Cùng với đó, bà Thanh cũng đề cập đến vai trò của cơ quan quản lý tiền tệ trong việc tạo lòng tin đối với nhân dân, cũng như vai trò của các định chế tài chính.
“Đây chính là 3 trụ cột để phát triển thị trường tài chính trong thời gian tới. Chúng ta tái cấu trúc hệ thống tài chính, nhưng không thể học tập một cách máy móc mô hình của các nước, mà phải đi từ thực tế thị trường Việt Nam”, bà Thanh nói.
Xét trên khía cạnh này, việc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đang nghiên cứu để xây dựng đề án về “Cải cách thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu: vấn đề, giải pháp và tầm nhìn đến năm 2020” là một việc làm rất quan trọng và cần thiết.
(Theo Thanh Hà // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com