Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lãi suất cơ bản tháng 3.2010 tiếp tục được giữ ở mức 8%/năm. Vì sao lại ra quyết định này trong khi CPI 2 tháng qua đã tăng 3,35%? Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản 8%/năm trong tháng tháng 3.2010, tháng thứ 4 liên tiếp, liệu có hợp lý trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường đang “đòi hỏi” một động thái ngược lại?
Trong một báo cáo công bố vào ngày 24.2.2010, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, áp lực giá cả leo thang hiện nay có thể dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm vào tháng 3.2010.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 1,96% so với tháng trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 7.2008. Như vậy, CPI của 2 tháng đầu năm đã lên tới 3,35%, trong khi chỉ tiêu lạm phát của cả năm dưới mức 7%.
Các ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất cơ bản để tăng khả năng huy động nhằm cải thiện tính thanh khoản.
Lời giải nào cho bài toán tăng trưởng cao, lạm phát thấp? Có nhiều lý do để Ngân hàng Nhà nước buộc phải đi ngược lại với mong đợi của thị trường.
Một là lựa chọn thứ tự ưu tiên giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2010 là tăng trưởng đạt 6,5% và lạm phát dưới mức 7%. Chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2009 (5,32%), trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng không được nới lỏng (lạm phát năm 2009 là 6,52%).
Rõ ràng, làm sao để vừa tăng trưởng cao vừa lạm phát thấp là bài toán vĩ mô khó có thể tìm được lời đáp vẹn cả đôi đường. Giải pháp tối ưu là chọn ra mục tiêu cần được ưu tiên. Với việc chọn cách duy trì mức lãi suất cơ bản hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ưu tiên cho vấn đề kích thích tăng trưởng kinh tế.
Hai là để giúp các doanh nghiệp “hạ cánh” một cách nhẹ nhàng. Chính phủ đã quyết định ngừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào đúng ngày 31.12.2009. Sự chấm dứt này là khá sốc đối với các doanh nghiệp vừa mới vượt qua khủng hoảng. Vì thế, cần có chính sách để các doanh nghiệp có thời gian thích nghi với mức lãi suất cao gấp đôi. Và việc duy trì lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước chính là nhằm mục đích này.
Ba là phối hợp một cách hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ngày 11.2.2010, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tăng tỉ giá liên ngân hàng từ 17.941 VND/USD lên mức 18.544 VND/USD, để giảm căng thẳng trên thị trường ngoại tệ và hỗ trợ xuất khẩu. Và việc duy trì lãi suất cơ bản sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện tăng lượng thu mua hàng, dự trữ để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tiếp đó, vào ngày 12.2.2010, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009. Việc duy trì lãi suất cơ bản là nhằm tài trợ bổ sung nguồn vốn doanh nghiệp với chi phí vốn thấp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Bốn là yếu tố tâm lý. Mối lo ngại lạm phát đôi khi còn đáng sợ hơn lạm phát. Trong tháng 3.2010, Chính phủ sẽ tăng giá đồng loạt than, điện, nước. Những nhân tố mới này sẽ đẩy CPI lên cao hơn. Vì thế, cần có thêm thời gian “yên tĩnh” để tích lũy nội lực chống chọi với “bão”. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước chưa vội tăng lãi suất cơ bản nhằm tránh đẩy cao chi phí vốn của doanh nghiệp.
Tác động bên ngoài Đêm 24.2.2010 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp 0-0,25% và dự kiến kéo dài cả năm để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Điều này đã củng cố quyết định của Ngân hàng Nhà nước vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Mặt khác, nền
kinh tế thế giới, về cơ bản, đã thoát khỏi suy thoái, nhưng chưa phục hồi. Vì thế, giá nguyên liệu chưa tăng cao. Để tranh thủ cơ hội này, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất hiện tại nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tài trợ để nhập khẩu nguyên vật liệu, năng lượng với giá thấp, phục vụ phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua đó, gián tiếp làm giảm CPI.
Nhìn vào cơ cấu tăng CPI tháng 2 có thể thấy, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dẫn đầu với mức tăng tới 3,09% so với tháng trước. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong tháng Tết là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá nhóm này tăng mạnh. Cùng lý do trên, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giày dép 1,39%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,22%. Việc tăng giá xăng dầu vào ngày 14.1 cùng với nhu cầu đi lại nhiều trong tháng qua đã đẩy chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,45%. CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 1,75% so với tháng trước. Như vậy, CPI tăng có nguyên nhân từ cầu kéo, chứ không phải do chi phí đẩy. Và đây là cơ sở quan trọng hỗ trợ cho quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Bỏ trần lãi suất, biết nghe ai đây?(Theo Tuổi Trẻ) |
Ông Lê Đức Thúy cho biết do lãi suất cơ bản đã trở thành trần bất hợp lý cả về huy động lẫn cho vay, vì vậy trước đó Chính phủ đã đồng ý và Ngân hàng Nhà nước đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay trung, dài hạn và tiêu dùng. |
Người vay tiền và ngân hàng cùng rối khi có thông tin khác nhau từ các cơ quan chức năng liên quan đến chủ trương xóa bỏ trần lãi suất cho vay. Tại cuộc họp báo ngày 3/3, sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, diễn ra trong hai ngày 2 và 3/3, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia - cho biết: “Chính phủ đã thiên về hướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết Quốc hội là được phép cho vay thỏa thuận đối với những hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chứ không nói là trung, dài hạn hay ngắn hạn. Và Ngân hàng Nhà nước cần phải xử lý tiếp việc cho vay ngắn hạn cũng được thỏa thuận và gỡ bỏ trần lãi suất huy động 10,5%”.
Ông Thúy cũng cho biết do lãi suất cơ bản đã trở thành trần bất hợp lý cả về huy động lẫn cho vay, vì vậy trước đó Chính phủ đã đồng ý và Ngân hàng Nhà nước đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay trung, dài hạn và tiêu dùng. Chủ trương này, theo ông Thúy, là nhằm ổn định tình hình thị trường.
Thông tin của ông Lê Đức Thúy là có cơ sở vì sau đó, ngày 7/3, Chính phủ ban hành nghị quyết 12 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, trong đó có nêu “... Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thỏa thuận đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng...”.
Như vậy, bao giờ những khó khăn được tháo bỏ, sự ổn định được trả lại cho thị trường tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng, trong bản tin ngày 10/3 trên website của Ngân hàng Nhà nước thông tin về cuộc làm việc của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tại Tiền Giang, Long An và Tây Ninh trong ngày 8 và 9/3 với tựa đề giám đốc Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm các sai phạm thì lại nói khác.
Cụ thể như sau: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng “về cơ chế điều hành lãi suất trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước bước đầu cho phép thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với khoản vay trung, dài hạn. Riêng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn cũng đã được nghiên cứu và trong điều kiện pháp luật hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể làm hơn được”.
Dù rằng, ngay sau đó, nội dung của bản tin đã được thay đổi, chỉ còn là: “riêng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn cũng đã được nghiên cứu”, không còn câu “và trong điều kiện pháp luật hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể làm hơn được”. Tuy nhiên, bản tin vẫn dẫn “thống đốc nhấn mạnh, giám đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Chưa rõ bao giờ Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các dự án hiệu quả, gồm cả vay vốn ngắn hạn như nghị quyết của Chính phủ. Nhưng thị trường không thể chờ đợi. Do chỉ được áp dụng lãi suất thỏa thuận cho những khoản vay trung, dài hạn nên một số ngân hàng đã lách bằng cách chuyển khoản vay ngắn hạn theo trần lãi suất sang vay trung, dài hạn để được thỏa thuận lãi suất.
Trước đây, chỉ vì vướng trần lãi suất huy động, ngân hàng phải lách, một mặt trả lãi suất cho người gửi tiền gần 10,5%/năm, còn trả thêm qua khuyến mãi, thưởng tiền, tặng lãi suất... Không huy động được nên chẳng có tiền để cho vay trung, dài hạn trong khi vay ngắn hạn cũng rất cần thiết. Các khoản trả thêm này rồi sẽ được ngân hàng thu lại của người vay thông qua phí. Như vậy trần lãi suất chỉ tồn tại trên hình thức.
Cả thị trường đang phải luồn lách, hướng ra cũng đã có, được đưa ra bởi cơ quan cao nhất là Chính phủ nhưng thị trường vẫn tắc. Điều khó hiểu là đang có độ chênh giữa các cơ quan chức năng, một bên nói cho làm, một bên nói không.
Lãi suất cho vay khó tăng cao
(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư)
|
Các ngân hàng phải xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước |
Mặc dù được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung, dài hạn, nhưng theo các ngân hàng, áp dụng lãi suất cho vay cao trong bối cảnh hiện tại sẽ khó thu hút khách hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, mức lãi suất cho vay trung, dài hạn tại OCB sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 07/2010/TT-NHNN dao động trong khoảng 16 - 18%/năm, cao hơn 6%/năm so với mức trần áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp trước đó. Theo ông Vĩnh, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của khách hàng bắt đầu có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng còn tương đối chậm.
Thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, trong tháng 2/2010, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn giảm 1,3%, kéo dư nợ cho vay giảm 0,35%. Đáng chú ý, với nguồn vốn huy động trung, dài hạn vẫn rất khó khăn. Đây cũng là một trong những yếu tố cản trở tín dụng trung, dài hạn phát triển, dù ngân hàng đã được thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận, thay vì phải áp trần như trước đây.
Tại OCB, ông Vĩnh cho biết, tỷ lệ vốn cho vay trung, dài hạn hiện chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của Ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn của OCB hiện chỉ ở mức 20%. “Dù được thoả thuận lãi suất, nhưng để phát triển tín dụng trung và dài hạn chưa hẳn đã dễ. Vì ngoài việc tìm kiếm các dự án tiềm năng, bài toán vốn luôn được cân nhắc”, ông Vĩnh giải thích.
Mặt khác, theo các ngân hàng, nếu áp dụng mức lãi suất thỏa thuận cao chưa hẳn đã phát triển được tín dụng, nhất là khi cạnh tranh giành thị phần ngày một trở nên gay gắt. Chính vì vậy, việc áp dụng lãi suất cho vay cao chưa hẳn là giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại và thực tế đã có ngân hàng giảm lãi suất cho vay so với trước Tết.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất cho vay thỏa thuận trung, dài hạn áp dụng đối với doanh nghiệp hiện dao động trong khoảng 14 - 16,5%/năm. Với khách hàng cá nhân, mức cao nhất được ACB áp dụng là 17%/năm. So với trước Tết Nguyên đán, lãi suất cho vay thỏa thuận đối với khách hàng cá nhân tại ACB đã giảm đáng kể (trên dưới 2%/năm). Thậm chí, ACB còn cho biết, với những khách hàng cá nhân đã có quan hệ tín dụng tốt với Ngân hàng, lãi suất được áp dụng ở mức trên 14%/năm.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, lãi suất cho vay trung, dài hạn của Sacombank bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 3/2010 ở mức bình quân 16%/năm. Theo đánh giá của ông Thành, việc cho phép các ngân hàng thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong việc phát triển tín dụng và cân đối chi phí đầu vào, đầu ra. Tuy nhiên, một khi lãi suất được áp dụng ở mức thỏa thuận, sẽ có ảnh hưởng đến việc hấp thụ vốn đối. Đồng thời, nếu cho vay mức lãi suất quá cao sẽ khó thu hút khách hàng.
Với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2010 của ngành được NHNN phát đi tín hiệu đầu năm nay ở mức thấp hơn năm 2009, chỉ ở mức khoảng 25%. Vì thế, trong năm 2010, dù muốn hay không, các ngân hàng cũng phải xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước.
“So với năm trước, tăng trưởng tín dụng của Sacombank năm nay phải theo tăng trưởng chung của nền kinh tế. Vì thế, Ngân hàng chọn mục tiêu tăng trưởng phù hợp. Tổng dư nợ cho vay quy VND đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng khoảng 45% so với năm trước”, ông Thành nói và cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Sacombank năm 2010 được cân nhắc kỹ, có sự kiểm soát để phù hợp hơn với thực tiễn.
Mặc dù phải đối mặt với áp lực trong huy động vốn khi các kênh đầu tư khác bắt đầu thu hút nhà đầu tư bỏ thêm tiền nhàn rỗi, song các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn kỳ vọng huy động vốn sẽ được cải thiện trong những tháng tới để có cơ hội cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với những khoản vay trung, dài hạn.
Theo thông tin từ Thống đốc NHNN, vốn khả dụng của các NHTM trước Tết dư thừa khoảng 13.000 tỷ đồng và hiện khoảng 30.000 tỷ đồng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo quy luật hàng năm, các NHTM thường gặp khó khăn về thanh khoản trong dịp giáp Tết Nguyên đán. Do đó, NHNN đã tăng lượng tiền cung ứng 34.000 tỷ đồng, với kỳ hạn thích hợp cho NHTM, đảm bảo khả năng thanh toán, mở rộng cho vay chi phí sản xuất, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sau Tết Nguyên đán, do tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng, nên số tiền cung ứng trên đã được NHNN thu về.
“Một trong những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới là kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 25%, lãi suất và tỷ giá phù hợp với mục tiêu và điều kiện kinh tế vĩ mô, lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông ở mức hợp lý”, ông Giàu nhấn mạnh.
Nghịch lý lãi suất huy động (Theo Ngọc Minh // Thanh Niên )
Nghịch lý lãi suất huy động hiện được biểu hiện trên hai mặt. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất huy động vẫn còn được khống chế bằng trần - ở mức 10,49% - 10,499%/năm, tương ứng với 150% mức lãi suất cơ bản 8%/năm hiện hành theo quy định của Bộ luật Dân sự.Việc khống chế trần lãi suất huy động hiện nay có ba điểm bất hợp lý. Bất hợp lý thứ nhất là trần lãi suất cho vay trung, dài hạn được bỏ tiếp; mức lãi suất cho vay đã ở mức trên 16%/năm - tức là đã vượt quá 200% so với mức lãi suất cơ bản 8%/năm hiện hành. Không ít ngân hàng thương mại đã “lách” và thỏa thuận với khách hàng không chỉ vay vốn trung, dài hạn mà cả đối với vốn vay ngắn hạn cũng vượt trần.
Như vậy, “đầu ra” không có trần, nhưng “đầu vào” lại có trần, thì lợi ích sẽ nghiêng về các ngân hàng thương mại, chứ không nghiêng về người gửi tiền và cũng không nghiêng về người vay. Người có tiền vì thế ít lựa chọn gửi tiết kiệm; nếu có gửi thì chủ yếu là gửi ngắn hạn hoặc chỉ mang tính “tạm trú”, mà lựa chọn các kênh đầu tư khác có lợi suất hấp dẫn hơn - điều này cũng đã giải thích tại sao trong 2 tháng đầu năm, trong đó có cả tháng sau Tết Nguyên đán tiền nhàn rỗi thường nhiều, nhưng tốc độ tăng tiền gửi còn thấp; riêng tiền gửi của các tổ chức còn tăng trưởng âm. Thực tế lãi suất gửi tiết kiệm đã bị thực âm từ tháng cuối năm trước đến nay, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng liên tục cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Bất hợp lý thứ hai là người vay tiền mới được “giải cứu” khi được cấp bù lãi suất, nhiều người chưa hết khó khăn, nay vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn khá nhiều thì sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế vừa mới thoát đáy, đang vượt dốc đi lên, đích phục hồi hoàn toàn sẽ còn xa.
Bất hợp lý thứ ba là nguy cơ tái lạm phát cao đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nay đã đến gần, thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện; Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo tập trung vào các biện pháp kiềm chế lạm phát. Để kiềm chế lạm phát thì một trong những biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu là hút bớt tiền từ lưu thông về bằng lãi suất hấp dẫn, như đã thực hiện trong thời lạm phát phi mã trước đây và mới thực hiện cách đây gần 2 năm.
Một biểu hiện khác là “đường cong” lãi suất đã bị “bẻ thẳng”. Lý luận kinh điển và thực tiễn đã chỉ ra rằng, lãi suất tiết kiệm theo thời hạn gửi phải được hình thành theo đường cong, có nghĩa là kỳ hạn ngắn thì lãi suất thấp, kỳ hạn dài thì lãi suất cao hơn để khuyến khích người gửi tiền gửi kỳ hạn dài để bảo đảm sự ổn định cho các ngân hàng thương mại. Nhưng đã từ vài ba năm nay, người gửi tiền thường chọn kỳ hạn ngắn, một phần vì diễn biến giá cả khó lường định, một phần vì kỳ hạn ngắn lãi suất cũng cao bằng kỳ hạn dài. Khi tiền huy động với kỳ hạn ngắn, nhưng cho vay theo yêu cầu và chu kỳ sản xuất kinh doanh nói chung, đặc biệt là đầu tư đổi mới thiết bị, kỹ thuật - công nghệ đòi hỏi phải thời gian tương đối dài. Trong khi đó, theo quy định việc sử dụng tiền vay ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn chỉ trong giới hạn nhất định và tỷ lệ này đã được rút từ 40% xuống còn 30%.
Người viết cho rằng cùng với định hướng chuyển sang lãi suất thỏa thuận, cần phải dỡ bỏ trần lãi suất huy động (Hiệp hội Ngân hàng VN cũng đã có kiến nghị tại cuộc họp ngày 9.3); đồng thời cũng bảo đảm “đường cong” lãi suất huy động.