Hình thức đầu tư PPP có thể sẽ trở thành kênh huy động vốn quan trọng giúp Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng. Ảnh: LÊ TOÀN. |
Ngày 9-11-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đây là một quy chế ra đời sau một thời kỳ dài “thai nghén” và tạo ra một bước đột phá quan trọng.
Ghi nhận một sự đột phá
Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Quy chế thí điểm) có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2011. Song, ngay khi được ban hành, quy chế đã được đánh giá là tích cực và là một bước đột phá trong tư duy.
Tác động tích cực của Quy chế thí điểm là ở chỗ, nó sẽ tạo điều kiện để huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam - Alain Cany, đã nhận định: “Trong vòng năm năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 70-80 tỉ đô la Mỹ để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu này, thì giải pháp trước mắt là cần huy động vốn tư nhân cùng tham gia theo mô hình hợp tác Nhà nước - tư nhân, gọi tắt là PPP”. Tác động trong việc thu hút vốn đầu tư có ý nghĩa to lớn, nhất là trong tư duy.
Sự đột phá trước hết cần ghi nhận là lĩnh vực thí điểm đầu tư. Theo điều 4 của Quy chế thí điểm, lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức PPP gồm: Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt; Giao thông đô thị; Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; Hệ thống cung cấp nước sạch; Nhà máy điện; Y tế (bệnh viện); Môi trường (nhà máy xử lý chất thải) và các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cho đến nay, với nhiều lý do, những lĩnh vực đầu tư nêu trên đang là độc quyền của Nhà nước. Các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân, dù có đủ điều kiện về kỹ thuật và tài chính cũng không được tham gia. Với Quy chế thí điểm, thế độc quyền nêu trên đã được phá vỡ. Rõ ràng, tình trạng “ngân sách nhà nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu” nhưng lại cứ khư khư ôm lấy dẫn đến tình trạng “sự yếu kém về cơ sở hạ tầng trở thành một nút thắt quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế” là không thể chấp nhận. Quy chế thí điểm cho phép các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng là phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Sự đột phá quan trọng hơn nữa là, với hình thức PPP, các dự án đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã có chủ thực sự. Nhà đầu tư tư nhân chiếm tới 70% vốn đầu tư của dự án. Do đó họ là chủ thực sự của dự án, có toàn quyền quyết định cơ chế quản lý dự án nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình như đã và đang xảy ra. Tình trạng ngân sách nhà nước trở thành “chùm khế ngọt” cho những kẻ tham nhũng “trèo hái mỗi ngày” sẽ được ngăn chặn có hiệu quả.
Quy chế thí điểm sẽ phải thí điểm trong hai đến ba năm và sẽ phải thường xuyên được đánh giá và bổ sung, sửa đổi. Song, những dấu hiệu từ hôm nay cho thấy, đầu tư theo hình thức PPP sẽ được các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đón nhận và sẽ thành công. Sự thành công của hình thức đầu tư PPP sẽ đặt ra suy nghĩ và cải cách việc quản lý đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sẽ không thể lý giải được, vì sao ở những lĩnh vực khác như đóng tàu, sản xuất xi măng, thậm chí là sản xuất xe đạp… Nhà nước vẫn phải giữ 100% vốn điều lệ, vẫn phải dành cho doanh nghiệp nhà nước giữ “vị trí chủ đạo”?
Và... đôi chút băn khoăn
Mặc dù ghi nhận bước đột phá quan trọng trong tư duy của Quy chế thí điểm, song khá nhiều nhà đầu tư vẫn còn những băn khoăn từ những quy định của quy chế.
Trước hết, nhiều ý kiến cho rằng, khoản 2, điều 9, Quy chế thí điểm quy định: “Tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Trong khi đó, khoản 4, điều 2, Quy chế thí điểm lại quy định: “Phần tham gia của Nhà nước là tổng hợp các hình thức tham gia của Nhà nước bao gồm: vốn nhà nước, các ưu đãi đầu tư, các chính sách tài chính có liên quan, được tính trong tổng mức đầu tư (tổng vốn đầu tư) của dự án, nhằm tăng tính khả thi của dự án”.
Như vậy, phần tham gia của Nhà nước quá ít và lại càng ít hơn khi tính cả “các ưu đãi đầu tư, các chính sách tài chính khác có liên quan”. Ở các nước phát triển, phần tham gia của Nhà nước thường ở tỷ lệ cao hơn, chẳng hạn, ở Cộng hòa Liên bang Đức, tỷ lệ này được quy định tối đa là 49%. Hơn nữa, Quy chế thí điểm còn quy định: “Phần tham gia của Nhà nước không phải là phần góp vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp dự án, không gắn với quyền được chia lợi nhuận từ nguồn thu của dự án”. Câu hỏi đặt ra là, khi dự án gặp phải khó khăn bất khả kháng, chẳng hạn phải dừng do “chờ quy hoạch” và không thể thu hồi vốn đầu tư thì phần tham gia của Nhà nước sẽ như thế nào?
Thứ hai, khoản 8, điều 2, Quy chế thí điểm quy định: “Doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập theo quy định của pháp luật để quản lý và thực hiện dự án trên cơ sở giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng dự án”. Như vậy, khi ký hợp đồng dự án và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp mới để quản lý và thực hiện dự án. Đó là quy định không hoàn toàn hợp lý. Tại sao những doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động trong nhiều năm không được quản lý và thực hiện dự án?
Thứ ba, Quy chế thí điểm cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án với các nội dung quy định tại khoản 2, điều 12. Song, dự án do nhà đầu tư đề xuất cũng được gộp chung vào danh mục các dự án do cơ quan quản lý nhà nước đề xuất và phải qua đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Vậy, nhà đầu tư tự đề xuất dự án sẽ được ưu đãi gì để khuyến khích họ tìm tòi và đề xuất dự án?
Thứ tư, khoản 1, điều 22, Quy chế thí điểm về việc bên cho vay tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ dự án trong trong trường hợp doanh nghiệp dự án hoặc nhà đầu tư không thực hiện được các nghĩa vụ theo hợp đồng dự án hoặc hợp đồng vay. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định “sau khi tiếp nhận dự án, bên cho vay phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tương ứng của doanh nghiệp dự án hoặc nhà đầu tư quy định tại hợp đồng dự án” là đòi hỏi vượt quá khả năng của bên cho vay là các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Do đó, quy định nêu trên là thiếu tính khả thi đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, gây khó khăn cho việc huy động vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án.
Là quy chế thí điểm nên những ràng buộc khá chặt chẽ như trên cũng là dễ hiểu và những băn khoăn của các nhà đầu tư cũng không có gì lạ. Hy vọng rằng, cho đến khi được ban hành thành quy chế chính thức, những điều chưa thực sự hợp lý sẽ được khắc phục và đầu tư theo hình thức PPP sẽ trở thành kênh huy động vốn quan trọng để chúng ta nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
___________________________
(*) Chủ tịch HĐTV - Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com