Những ngày gần đây, đặc biệt là trong hai phiên đầu tuần thứ hai của tháng 8-2010, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến cuộc “tháo chạy” trên cả ba thị trường chính thức: HOSE, HNX, UpCOM. Tính tới hết ngày 10-8, chỉ số VN-Index đã giảm về mức 460 điểm, chỉ số HNX giảm về mức gần 130 điểm. Gần như những cố gắng tăng điểm trong những tháng qua đã bị “cơn đại hồng thủy” của niềm tin đổ vỡ cuốn đi. Thị trường đang đặt câu hỏi: Tại sao phải tháo chạy?
Tháng 8-2010, Công ty cổ phần (CTCP) chứng khoán Stockmart đã đưa ra những khuyến nghị cho các khách hàng của mình, trong đó phân tích khá kỹ tình trạng của thị trường hiện tại cũng như các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế có ảnh hưởng tới thị trường. Theo đó, CTCP chứng khoán Stockmart cho rằng, có tới ba trạng thái có thể xẩy ra cho thị trường trong thời gian tới, đó là: Vnindex đang bước vào chân sóng lớn (50%) mà bước đầu tiên có thể lên đến tối thiểu là 550 - 560 điểm. Công ty này cũng xác định đây là khả năng cao nhất. Thứ hai: VN-Index sẽ điều chỉnh xuống một mức thấp hơn mức hiện tại 5% rồi bắt đầu một chân sóng lớn (khả năng này chiếm 30%); và thứ ba là Vnindex tiếp tục sideway trong phạm vi 480 - 530 trong thời gian bốn tháng còn lại của năm (khả năng này chiếm 20%).
Căn cứ để CTCP chứng khoán Stockmart đưa ra các dự báo này là về cơ bản, tình hình kinh tế vĩ mô đã diễn ra theo đúng dự báo được đưa ra từ đầu năm 2010, đó là: Việt Nam sẽ bảo đảm được tăng trưởng kinh tế mà không bị áp lực lạm phát.
Đến thời điểm này, các con số thống kê đã khẳng định kịch bản này chính xác khi lạm phát tháng 7 là khá thấp, 0.06% - thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Các dự báo về lạm phát của các tổ chức nước ngoài về GDP và CPI đã cho thấy sự chưa chính xác (tính tới thời điểm này) khi dự báo CPI của Việt Nam năm 2010 sẽ ở mức hai con số.
Hơn nữa, việc nắm được chu kỳ kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn Early Upswing (giai đoạn phát triển sau khi thoát khỏi khủng hoảng có đặc tính tăng trưởng không kèm áp lực lạm phát) cho chúng ta cơ sở để dự báo Chính phủ sẽ điều hành vĩ mô theo hướng sớm đưa ra biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền để phát triển kinh tế vĩ mô. Việc tăng cung tiền sẽ là cơ sở để TTCK Việt Nam tăng trưởng bởi nhìn vào đồ thị của VN-Index với đồ thị của tăng trưởng tín dụng qua các tháng sẽ thấy rõ sự tương quan mạnh mẽ này: tăng trưởng tín dụng luôn song hành với VN-Index.
Kết hợp thông tin về CPI tháng 7, đặc thù của Việt Nam hiện nay đang ở Early Upswing, con số tăng trưởng tín dụng thực tế sáu tháng của VND (mới chỉ ở mức 4,6% trên tổng chỉ tiêu là 25%), mục tiêu tăng trưởng GDP, phát biểu của các chuyên gia kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng… chính là cơ sở để Công ty này dự báo chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ được thực hiện một cách mạnh mẽ, không hời hợt như việc hô hào hành chính, hay hạ lãi suất cơ bản (vì lãi suất cơ bản hiện nay đã không còn vai trò điều hành)….
Động thái đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ đẩy mạnh cho vay nông thôn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho những ngân hàng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, dự kiến thực hiện từ tháng 8. Từ đó, dự báo các chỉ số đều cho thấy con sóng lớn của VN-Index đang ở giai đoạn khởi động và các thành phần tham gia thị trường phải bám sát để tránh bỏ lỡ cơ hội.
Nhìn tổng thể VN-Index, theo Elliot thì từ 2003 đến nay đều có sự tương quan giữa các bước sóng với chu kỳ kinh tế và bước sóng giữa các chu kỳ VN-Index. Như thế VN-Index sẽ phải tiếp tục đi ngang thêm khoảng 86 phiên nữa (tương đương bốn tháng với thời điểm kết thúc vào cuối năm 2010).
Còn nếu nhìn nhận thị trường theo Bảng tuần hoàn cổ phiếu thì rõ ràng là hiện nay, sự chuyển dịch dòng tiền giữa các lớp cổ phiếu và dòng tiền tổng thể vào thị trường đang có biến, khi các cổ phiếu bluechip của các CTCK có tỷ trọng tự doanh lớn đều có dấu hiệu tăng nhẹ (điển hình là KLS sau khi có kết quả kinh doanh lỗ mà vẫn không xuống quá giá, thậm chí có dấu hiệu chuẩn bị tăng mạnh).
Nếu hiểu một cách đơn thuần thì dòng tiền thông minh trên thị trường đang kỳ vọng vào khuynh hướng đi lên mạnh mẽ của VN-Index sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho danh mục của các CTCK có tự doanh lớn. Và một điều dễ nhận ra và cần khẳng định lại là TTCK luôn phản ánh trước sự vận động thực của nền kinh tế và doanh nghiệp, do đó động thái này là hoàn toàn dễ hiểu.
Cùng cách nhìn nhận tích cực này, CTCK SME (SMES) - trong báo cáo về cơ hội bứt phá của thị trường và chiến lược lựa chọn nhóm ngành trong Quý III/2010 cũng khẳng định, trong điều kiện thị trường đang chịu sức ép tâm lý như giai đoạn hiện nay thì không nên kỳ vọng vào sự đột phá mạnh mẽ của thị trường như năm 2009, nhưng cũng không quá bi quan so với quý II do mặt bằng chung của kinh tế toàn cầu đã sáng sủa hơn. Theo SMES, nhìn vào sự biến động về giá cổ phiếu trong quý II/2010 giữa Việt Nam và các chỉ số chính trên thế giới đã thấy có một số sự khác biệt đáng chú ý như: Nhà đầu tư (NĐT) trong nước ít quan tâm đến yếu tố chu kỳ của các nhóm ngành hơn (ngay cả trong từng nhóm ngành cụ thể thì mức độ phân hóa cũng diễn ra khá mạnh: trong quý II, với điều kiện thị trường diễn biến cầm chừng trong biên độ hẹp và bluechip chưa dẫn dắt thị trường thì các mã pennychip vẫn là lực đẩy chính của các cổ phiếu tăng giá). Tuy nhiên, khi lựa chọn các mã penny, nhóm ngành lại không phải là yếu tố được NĐT quan tâm hàng đầu. SMES cũng khẳng định rằng, với những diễn biến từ kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước hiện nay, quý III dự kiến sẽ chứa đựng nhiều bất ngờ.
Thứ nhất, trong khi quý III/2009, NHNN bắt đầu chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ thì SMES kỳ vọng vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý III/2010. Sở dĩ như vậy bởi trong sáu tháng, tín dụng mới tăng trưởng 10.5% trong tổng số 25% mục tiêu của năm. Và NHNN có thể lựa chọn một số tiêu chí doanh nghiệp/ngành/lĩnh vực sản xuất… để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi cũng như thực hiện các biện pháp hành chính khác tác động tới thị trường tiền tệ.
Thứ hai, nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn có sự khác biệt cơ bản: trong khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát khá tốt, tỷ giá không có nhiều biến động đáng kể, GDP tăng trưởng theo mục tiêu đề ra … thì kinh tế toàn cầu lại đang trong giai đoạn suy giảm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nền kinh tế chủ chốt như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2010. Lo ngại lớn nhất của NĐT là nếu kinh tế toàn cầu đi xa hơn dự báo, Việt Nam sớm muộn gì cũng bị ảnh hưởng, khi đó thị trường sẽ rơi vào suy thoái kép. Trong điều kiện thị trường đang chịu sức ép tâm lý như giai đoạn hiện nay, khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu là yếu tố chi phối không nhỏ đối với TTCK quý III.
Thứ ba, dòng tiền đổ vào thị trường trong năm 2010 nhìn chung tương đương 60% - 70% năm 2009 do mặt bằng tăng trưởng tín dụng năm nay được điều chỉnh giảm đáng kể. Khi dòng tiền vào thị trường suy giảm, các mã bluechip sẽ khó có khả năng dẫn dắt thị trường như năm 2009. Ngược lại SMES kỳ vọng vào các mã cổ phiếu có vốn hóa trung bình với tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đột biến. Các mã cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có khả năng bứt phá trong quý III vẫn có nhiều thuận lợi tăng trưởng.
Trong khi phần lớn các nhận định trên thị trường đều nhận định nguồn cung cổ phiếu nhiều và không có dòng tiền vào thị trường, làm cho thị trường lình xình thì không nhiều CTCK vẫn đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội, vừa đầu tư giá trị vừa tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu bị bán tháo với giá rất rẻ. Theo các chuyên gia kinh tế, với áp lực của nguồn cung trong sáu tháng cuối năm, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng có khả năng tiếp tục đi lùi so với mặt bằng chung của thị trường. Rõ ràng là, trong thời điểm hiện tại, ưu thế đã nghiêng hẳn về phía các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt lớn và là một cơ hội đầu tư không dễ dàng lặp lại trong tương lai gần.
(Theo Sông Trà // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com