Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tín dụng tăng chậm, ngân hàng lo ảnh hưởng đến lợi nhuận

Mặc dù các nhà băng đã thực hiện được hơn nửa chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2010, nhưng trước diễn biến thị trường hiện nay, khi tín dụng tiền đồng chưa mấy sôi động, nhiều ngân hàng tỏ ra lo ngại điều này ảnh sẽ hưởng đến lợi nhuận.

Trong khi đó, dự báo từ nay đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ khó được như năm trước. Tuy nhiên, nhiều nhà băng kỳ vọng sẽ hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến cuối tháng 8/2010, lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đạt được là trên 3.000 tỷ đồng, sau khi đã trích lập một số dự phòng rủi ro. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 4.500 tỷ đồng, theo ông Bình, khả năng đạt được là khả thi. Nhưng nếu so với mức lợi nhuận trước thuế đạt được của năm trước là xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, thì kế hoạch lợi nhuận đưa ra năm nay của VCB khá khiêm tốn.

Ông Bình cho rằng, với diễn biến thị trường hiện nay, nhất là khi chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra hiện khá nhỏ, áp lực đối với ngân hàng trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra không phải là không có. Mặt khác, do tăng trưởng dư nợ tín dụng dự báo khó cải thiện mạnh, đồng thời ngân hàng phải quan tâm đến chất lượng nhiều hơn để đảm bảo an toàn, nên không thể phát triển ồ ạt. Thực tế, trong thời gian qua, các ngân hàng đã tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, nhưng tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Với VCB, nguồn thu từ hoạt động cho vay chiếm khoảng 60% trong tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận. Riêng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ trong năm nay khó tăng trưởng cao.

Trong khi đó, mảng kinh doanh ngoại hối năm 2010 có phần khó khăn, vì tỷ giá mua vào và bán ra tương đối sát. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vàng bị hạn chế. Đối với nguồn thu từ hoạt động dịch vụ thanh toán, tuy xuất khẩu có dấu hiệu cải thiện, nhưng theo đánh giá của một số ngân hàng thương mại (NHTM), vẫn chưa đáng kể. Do đó, các nhà băng cho rằng, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ khó kỳ vọng tăng từ nay đến cuối năm.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, nguồn thu từ hoạt động tín dụng trong thời gian từ nay đến cuối năm khả năng không thể tăng mạnh, vì tốc độ tăng trưởng dư nợ khó đột biến. Tại VCB, ông Bình cho biết, mục tiêu tín dụng trong năm 2010 chỉ tăng khoảng 23 - 26% so với năm trước, nhưng VCB cũng phải căn cứ theo diễn biến thị trường để thực hiện mục tiêu. Tính đến nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng VCB đạt khoảng 20%, khả năng sẽ không tăng cao trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, tính đến ngày 31/8, lợi nhuận trước thuế của ACB là 1.814 tỷ đồng sau khi đã trích lập toàn bộ dự phòng theo quy định; dư nợ là 79.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,4% và Ngân hàng có hơn 280 chi nhánh, phòng giao dịch.

8 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt gần 30% và mục tiêu là 50% vào cuối năm nay. Theo ông Hải, nếu tính đến yếu tố mùa vụ (Tết) rất đặc thù của Việt Nam khi đánh giá tăng trưởng tín dụng (hầu như quý I không tăng tín dụng), thì việc 4 tháng cuối năm tăng trưởng 20% còn lại trong mục tiêu đề ra của ACB là không quá cao và không quá "nóng", khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng là hoàn toàn có thể. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra trong năm nay ở mức 3.600 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận riêng Ngân hàng dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng), ACB tự tin có đủ khả năng để đạt được chỉ tiêu. Thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp vào tổng nguồn thu của ACB trong năm 2010 sẽ vào khoảng 25%.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 1.533 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch năm 2010 (sau khi đã trích dự phòng rủi ro tín dụng và chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cuối kỳ). Về lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Sacombank theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2010 trước kiểm toán là 1.501 tỷ đồng, nhưng theo BCTC bán niên 2010 có soát xét của kiểm toán lại là 1.083 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 418 tỷ đồng được đại diện Ngân hàng cho biết, do 2 nguyên nhân chính. Một là chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cuối kỳ (khoảng 405 tỷ đồng) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thể hiện trên bảng cân đối kế toán, đến cuối năm mới hạch toán vào lãi lỗ. Trong khi đó, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), khi lập BCTC giữa kỳ thì thu nhập, chi phí phải thể hiện phù hợp theo kỳ báo cáo. Hai là chi phí dự phòng (cụ thể) rủi ro tín dụng quý II theo quy định của NHNN được trích trong tháng 7/2010 (khoảng 15 tỷ đồng), nhưng theo VAS, khi lập BCTC giữa kỳ thì thu nhập, chi phí phải thể hiện phù hợp theo kỳ báo cáo.

Tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, so với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng đưa ra năm nay (đã điều chỉnh từ 3.207 tỷ đồng xuống 2.800 tỷ đồng), khả năng đến cuối năm Techcombank sẽ vượt kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch ban đầu, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2010 của Techcombank ở mức 3.467 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng dự kiến đạt 3.207 tỷ đồng. Theo ông Vinh, Techcombank đã có sự điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trong tháng 6 để phù hợp hơn với diễn biến thị trường.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, kết thúc hoạt động 8 tháng đầu năm 2010, OCB đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo kế hoạch xây dựng cho năm nay, OCB dự kiến thu về khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, OCB đã thực hiện được hơn nửa chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm và 4 tháng còn lại, Ngân hàng chỉ phấn đấu để có thể thu về 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thế nhưng, bối cảnh thị trường hiện nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng còn chậm. Đáng chú ý, các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN sắp đi vào thực tế cuộc sống. Vì thế, các nhà băng, nhất là những đơn vị quy mô vừa và nhỏ phải từng bước cân đối lại nguồn vốn huy động và tốc độ tăng trưởng dư nợ, khiến áp lực để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2010 là không hề nhỏ. Riêng tại OCB, theo ông Tuấn, khả năng đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010 là có thể. Tính đến nay, tổng vốn huy động của OCB đạt trên 10.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay ra đạt xấp xỉ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2010, HDBank đạt 201 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện được 67% kế hoạch cả năm.

OceanBank thì đạt 374,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 7 tháng đầu năm, so với chỉ tiêu Ngân hàng đưa ra cho cả năm nay là 520 tỷ đồng.

Cũng trong 7 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là hơn 459 tỷ đồng. Nếu so với chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay ở con số 700 tỷ đồng thì SCB đã thực hiện được 65% kế hoạch.

Thực tế, nếu tính theo mùa vụ kinh doanh của ngành ngân hàng, cũng như nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thì quý cuối cùng của năm được xem là sôi động nhất trong năm. Vì thế, các nhà băng luôn kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận cao trong quý IV hàng năm. Tuy nhiên, các dự báo được đưa ra từ chuyên gia kinh tế - tài chính, diễn biến thị trường cuối năm nay khó được như năm trước. Tốc độ tăng trưởng dư nợ không như mong đợi sẽ dẫn đến nguồn thu từ hoạt động tín dụng - vốn đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của ngân hàng, sẽ sụt giảm.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, trong năm nay, các ngân hàng phải cân nhắc mục tiêu tăng trưởng tín dụng để phù hợp với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng chung của ngành là khoảng 25%. Vì thế, khả năng để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận như mong đợi của ngân hàng đề ra là không dễ dàng. Do đó, các ngân hàng cũng thận trọng và cân nhắc khi đưa ra mục tiêu lợi nhuận. Song, do vốn điều lệ của các nhà băng ngày một tăng lên, nhất là ở những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phải chạy đua phát hành cổ phiếu tăng vốn, đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, nên áp lực lợi nhuận, cổ tức ngày một gia tăng.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Bất động sản trông chờ “mùa gặt” cuối năm
  • Đừng quá ỷ lại vào các NHTW
  • Chủ nhân Nobel Kinh tế 2008 Paul Krugman: Nước Mỹ đang đi vào bóng tối
  • Vì sao lãi suất chưa giảm?
  • Giảm lãi suất: Đã “hẹn” mà khó đến?
  • Ý nghĩa xã hội nhiều khi quan trọng hơn lợi nhuận
  • Khúc mắc thị trường liên ngân hàng: Làm sao vẹn cả đôi bề?
  • Nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ dồi dào
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!