Theo dự báo, nếu giá USD tiếp tục hạ, viễn cảnh căng thẳng tỷ giá cuối năm lại được dịp “phất cờ” và khó kiểm soát.
Ngày 14/6, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đứng ở mức 20.618 đồng một USD. Tương tự là diễn biến tỷ giá ở các ngân hàng thương mại. Điều này đã “cổ động” cho làn sóng tăng trưởng tín dụng đồng bạc xanh.
Đua nhau vay USD
Lãi suất cho vay VND trên 20% một năm, lãi suất cho vay USD từ 6 -7%, cộng với giá USD giảm và lạm phát tiền đồng tăng lên, đã khiến nhiều doanh nghiệp từ tháng 3 đến nay đã cân nhắc vay USD để bán lấy tiền đồng hoặc vay USD để nhập khẩu hàng hóa. Thống kê dư nợ ngoại tệ (USD) trong nhiều ngân hàng đến đầu tháng 6 đã tăng lên rõ rệt.
Xác nhận của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank), từ tháng 3 và nhất là nửa sau tháng 5 và đầu tháng 6, dư nợ tín dụng USD tăng nhanh chóng. Tương tự là tình hình ở Vietcombank, ACB và Eximbank. Dù đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM chưa có con số cụ thể về tăng trưởng dư nợ tín dụng ngoại tệ tháng 5, nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, xác nhận: “Tín dụng USD tăng lên nhiều so với tín dụng tiền đồng, chúng tôi đang theo dõi diễn biến để kịp thời can thiệp”. Số liệu đến giữa tháng 5 của các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho biết, lượng vốn ngoại tệ cho vay ra tăng đã gần chạm ngưỡng 19%, trong khi tín dụng nội tệ tăng dưới mức 3%.
Doanh nghiệp đua nhau vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa đã khiến thâm hụt thương mại quý I/2011 lên mức 16% và đang diễn tiến phức tạp. Tháng 4, thâm hụt thương mại tăng lên trên 17% kim ngạch xuất khẩu và đến tháng 5, thâm hụt thương mại đã leo lên 19,7% kim ngạch xuất khẩu. “Đây là hiệu ứng của việc tranh thủ vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa”, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định.
Khó kiểm soát
Nhiều ngân hàng thương mại cho biết các doanh nghiệp chọn thời điểm này vay USD vì tỷ giá đang rẻ, giá vay lại có lợi. “Họ cứ “ôm” hàng trước, tránh giá hàng nhập cuối năm sẽ tăng, nhưng họ không biết nếu dư nợ tín dụng USD đột biến thì lấy đâu ra USD để trả nợ”, một lãnh đạo ngân hàng có dư nợ tín dụng tăng cao lo ngại. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về, theo thống kê ở các ngân hàng lại đang giảm, do lãi suất hiện còn 2% (đối với huy động cá nhân) và 0,5% (đối với huy động doanh nghiệp). Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, bày tỏ: “Dư nợ ngoại tệ vẫn tăng lên và đến lúc nào đó sẽ lệch pha về tiền gửi. Nếu không muốn mất đi thành quả của chính sách ngoại hối thời gian qua, thì nên xem xét để thanh khoản ngoại tệ dài hơi hơn, không thể đẩy tỷ giá xuống nữa, vì sẽ khuyến khích nhập khẩu”.
Nhìn nhận trên nguồn USD từ đầu tư, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Đầu tư trực tiếp của nhà nước tăng không đáng kể về mặt giá trị, lạm phát lại đang tăng nên việc tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm sẽ tạo hiện tượng cung ảo, cầu thực trong những tháng cuối năm”. Cũng theo ông Nghĩa, nếu tín dụng USD tiếp tục tăng trưởng như trên thì căng thẳng tỉ giá cuối năm là điều được dự báo trước. “Cầu thực về ngoại tệ cuối năm để trả nợ cho ngân hàng sẽ khiến giá USD khó kiểm soát”, ông Nghĩa nhận định.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com