![]() |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục gia tăng lượng tiền “bơm” ra qua thị trường mở nhằm hạ mặt bằng lãi suất, nhưng lãi suất cho vay và huy động của các ngân hàng vẫn đứng ở mức cao, một số ngân hàng thậm chí còn tăng lãi suất tiền gửi. Lãi suất đang vướng ở chỗ nào?
Ách tắc ngân hàng “vượt rào” Chuyện bắt đầu từ năm ngoái khi NHNN phát hiện một loạt ngân hàng nhỏ sử dụng tiền vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay lại. Ở một số ngân hàng tiền vay trên thị trường liên ngân hàng chiếm hơn 50% tổng dư nợ. Có ngân hàng vay liên ngân hàng để cho vay lại tới hơn 10.000 tỉ đồng. Điều đáng nói là họ vay liên ngân hàng kỳ hạn ngắn, nhưng cho khách hàng vay lại kỳ hạn dài và thiếu hụt thanh khoản là việc khó tránh khỏi. Để ngăn chặn tình trạng nói trên, NHNN yêu cầu số vốn vay trên thị trường liên ngân hàng của một tổ chức tín dụng tối đa chỉ được bằng 20% tổng vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế. Vượt giới hạn trên sẽ bị xử lý. Đáp ứng yêu cầu đó, các ngân hàng đã trót vay liên ngân hàng nhiều hơn 20% có hai cách giải quyết: tăng lượng vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp. Nếu tiền gửi từ dân cư tăng lên thì tỷ lệ vốn vay liên ngân hàng trên vốn huy động từ dân cư sẽ giảm xuống. Thứ hai là thu hồi vốn đã cho vay, trả nợ liên ngân hàng. Không ít ngân hàng từ đầu năm đến nay chỉ lo trả nợ liên ngân hàng mà không dám vay tiếp. Những ngày họ trả nợ nhiều, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Nhìn chung so với đầu năm, thời điểm lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng có lúc lên tới 10%/năm, hiện nay lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm đáng kể, còn khoảng 6,5-7%/năm tùy ngày. Như vậy, với những ngân hàng “vượt rào” 20%, liên ngân hàng là cánh cửa đóng lại, chỉ còn trả nợ mà không thể vay thêm. Nếu coi liên ngân hàng là cái hồ lớn, các ngân hàng vây quanh là những hồ nhỏ, thì việc điều tiết nước giữa hồ lớn sang các hồ nhỏ và giữa các hồ nhỏ với nhau đã bị đình đốn do các ngân hàng vượt rào. Điều này giải thích tại sao các ngân hàng “vượt rào” phải duy trì lãi suất huy động cao. Những ngân hàng nhỏ còn chấp nhận lãi suất tiền gửi cao, để có tiền mua trái phiếu chính phủ lãi suất thấp hơn nhằm có hàng giao dịch trên thị trường mở. Thí dụ lãi suất huy động là 11,8%/năm, lãi suất trái phiếu 11,2%/năm, lãi suất thị trường mở 8%/năm, qua ba bước ngân hàng cuối cùng cũng có lãi suất thấp để phát triển tín dụng. Rủi ro tiềm ẩn khi tham gia kinh doanh trái phiếu và thị trường mở là khá lớn đối với ngân hàng nhỏ (xem thêm bài “Trái phiếu không còn bị chê”, TBKTSG số 21, ngày 20-5-2010). Khúc mắc thị trường liên ngân hàng Tiếp theo, để chấn chỉnh những vấn đề liên quan đến an toàn hệ thống, NHNN có thêm quy định các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Liên quan đến hạn mức trung, dài hạn, NHNN yêu cầu cụ thể kỳ hạn còn lại của những khoản tiền gửi trong ngày, trong tuần... phải lớn hơn 12 tháng mới được coi là vốn huy động trung, dài hạn. Và: những hợp đồng tín dụng trung, dài hạn mà thời gian vay còn lại dù chỉ còn một ngày cũng vẫn phải liệt kê vào dạng tín dụng trung, dài hạn. Sự phân định này có thể đã làm cho việc kiểm soát dòng vốn đầu vào - đầu ra của các ngân hàng mất đi độ chính xác. Từ đây, sự không chính xác đó ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Lẽ ra có thể cho vay liên ngân hàng vì thừa vốn, có ngân hàng lại đi vay vì thấy có khả năng thiếu thanh khoản. Trước đây, những lúc lãi suất “bình lặng”, giá trị giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. Nó chỉ cao khi lãi suất tăng đột biến. Thế nhưng hiện nay giá trị giao dịch tiền đồng liên ngân hàng luôn ở mức cao, bất chấp lãi suất lên xuống. Sẽ là sai lầm nếu bây giờ cứ nhìn vào sự tăng giảm của giá trị giao dịch liên ngân hàng mà phỏng đoán sự biến động lãi suất. Việc áp dụng giới hạn 20% là cần thiết đối với các ngân hàng nhỏ, nhưng lại không công bằng khi áp dụng cho toàn bộ các ngân hàng, nhất là với những ngân hàng quản trị rủi ro tốt. Những ngân hàng thừa vốn huy động, dù đã hạ lãi suất tiền gửi, trước đây thường đem ra liên ngân hàng kinh doanh, nay chỉ còn biết mua trái phiếu, vì ngân hàng cần vốn không thể vay thêm. Ngoài ra những yêu cầu và quy định nói trên của NHNN đang làm giảm vai trò và tác dụng của thị trường liên ngân hàng, vốn là sân chơi không thể thiếu của thị trường tiền tệ. Dường như NHNN đã nhìn thấy khúc mắc này và đang tháo gỡ bằng một con đường vòng: thị trường mở, đồng thời tăng cường cho vay tới từng ngân hàng. Bản tin tiền tệ của HSBC dẫn chứng, tính đến ngày 17-5-2010 NHNN đã tăng số tiền cho các ngân hàng vay trong tuần lên 65.000 tỉ đồng. Còn trên trang web của NHNN cho biết tới đây NHNN sẽ áp dụng kỳ hạn cho vay 3 tháng đối với nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng qua kênh tái cấp vốn nhằm khơi thông vốn trung, dài hạn. Có thể thấy trong tương lai gần, NHNN sẽ tăng cường quan hệ trực tiếp về vốn với từng ngân hàng và chưa thể hình dung sự thay đổi này trong phương thức điều hành tiền tệ của cơ quan quản lý ngành sẽ khiến thị trường vận hành theo hướng nào. Chỉ biết trước mắt thị trường liên ngân hàng đã không còn là nơi điều tiết vốn với không ít ngân hàng, trong khi chính liên ngân hàng, về bản chất, mới là nơi điều chỉnh lãi suất theo cung cầu thị trường kịp thời và chính xác.
(Theo Hải Lý́ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com