Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trong vòng xoay chiến tranh tiền tệ

Hơn 25 ngân hàng trung ương can thiệp hạ giá đồng nội tệ của nước mình, trong một cuộc chiến mà ai cũng muốn mình thua trận.

 
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá các đồng tiền châu Á tăng giá cao bất thường so với đồng USD do các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các thị trường trái phiếu và cổ phiếu của châu Á làm xuất hiện các bong bóng tài sản và những biến động lớn về tiền tệ ở nền kinh tế của khu vực này. Mới đây, hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ đang tăng lên về “chiến tranh tiền tệ” đe doạ tiến trình ổn định nền kinh tế thế giới. Trong ảnh: đồng USD tại thị trường ở Karachi (Pakistan).Ảnh: TL

Thứ hai tuần trước, Andrew Robb, bộ trưởng Tài chính đối lập của Úc đã lên tiếng yêu cầu chính phủ nước này phải có biện pháp ngăn chặn xu hướng tăng giá của đồng nội tệ. Trước đó hai tuần, Guido Mantega, bộ trưởng Tài chính Brazil thừa nhận một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế đã xảy ra. Ông này ám chỉ việc ngân hàng Trung ương Nhật và một số nước khác can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối nhằm kéo đồng tiền nước mình xuống – một cuộc chiến mà ai cũng muốn mình là người thua trận.

Thông thường giá trị của một đồng tiền quốc gia có liên hệ mật thiết với tình hình kinh tế của nước đó. Khi kinh tế phát triển mạnh, cán cân thanh toán dồi dào thì đồng tiền quốc gia đó có xu hướng lên giá, đó là ước mơ của tất cả các nước. Một đồng tiền yếu thường gắn liền với một nước luôn bị thâm hụt cả trong lẫn ngoài, lạm phát cao, sức cạnh tranh kém. Tuy nhiên, Trung Quốc với nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong hơn ba thập kỷ qua và thặng dư thương mại cũng lớn nhất thế giới lại có một đồng tiền bị cho là yếu. Nhiều nhà kinh tế, điển hình nhất là Paul Krugman – người được giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008, cho rằng đồng RMB yếu là chìa khoá cho thành công kinh tế của nước này, nhưng cả thế giới mà chủ yếu là Mỹ phải trả giá.

Thực ra chính sách giữ nội tệ yếu để phát triển kinh tế thông qua xuất khẩu đã được nhiều nước áp dụng trước đây. Thực tiễn ghi nhận từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1999 hay xa hơn là giai đoạn đại suy thoái 1929 – 1933, những quốc gia chấp nhận phá giá nội tệ bằng cách từ bỏ cơ chế bản vị vàng bị ảnh hưởng nhẹ hơn những nước cố gắng bảo vệ đồng nội tệ. Quy luật này được hai nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff chỉ ra trong một nghiên cứu của mình: sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các quốc gia thường dựa vào tỷ giá yếu để phục hồi nhanh xuất khẩu, qua đó thoát ra khỏi suy thoái kinh tế.

Lần khủng hoảng này cũng không nằm ngoài quy luật. Khi khủng hoảng tài chính qua đi, sức cầu trong nước sụt giảm và không thể tăng nhanh vì thất nghiệp cao, nhiều nước quay ra tìm thị trường xuất khẩu. Khác với đa số những lần khủng hoảng trước, lần này thế giới không thể trông chờ vào Mỹ do kinh tế Mỹ suy thoái. Nước Mỹ trong nỗ lực tái cơ cấu lại nền kinh tế sau khủng hoảng, xuất khẩu ra thế giới xem ra cũng là cứu cánh cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này. Đích thân Tổng thống Obama đề ra mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu trong vòng hai năm tới, và con đường dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu này là một đồng USD yếu.

Ngay khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu lắng xuống vào cuối nửa đầu 2010, đồng USD bắt đầu yếu đi nhanh chóng khi cục Dự trữ liên bang Mỹ kiên quyết lập trường nới lỏng tiền tệ, thậm chí ám chỉ sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng số lượng (QE) để kích thích kinh tế, còn ngân hàng Trung ương châu Âu đeo đuổi tới cùng mục tiêu chống lạm phát. Bởi vậy, giới đầu cơ tiền tệ quốc tế không khó có thể tính ra được cán cân cung cầu USD – euro sẽ ngả theo hướng nào. Như đổ thêm dầu vào lửa, nhiều ngân hàng trung ương các nước khác đã bán USD để dịch chuyển bớt dự trữ ngoại tệ của mình sang euro. Đồng USD, từ chỗ là nơi tránh bão chỉ mấy tháng trước khi các quốc gia khối PIIGS (Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland) có nguy cơ vỡ nợ, bỗng chốc tuột dốc không phanh.

Khi đồng USD mất giá, các nước đang phát triển, vốn chủ yếu sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán trong thương mại quốc tế, phải cố giữ tỷ giá của đồng tiền nước mình so với USD không tăng, nếu không, cái miếng bánh xuất khẩu toàn cầu đã bị thu hẹp sau khủng hoảng lại càng hẹp hơn. Chỉ vài ngày sau khi ngân hàng Trung ương Nhật can thiệp thị trường tiền tệ, 25 ngân hàng trung ương khác đã nhanh chóng tham gia và con số này không dừng lại ở đó. Trong cuộc chạy đua phá giá cạnh tranh – các ngân hàng trung ương mua USD vào rồi chuyển số USD này thành euro, bảng Anh, yen Nhật, đôla Úc, và có lẽ một phần không nhỏ thành vàng. Đây là nguyên nhân quan trọng làm giá vàng tăng phi mã trong tháng 9.

Vì nước nào cũng muốn đẩy USD ra khỏi hệ thống tài chính của mình, một hệ quả quan trọng là dòng vốn USD tràn ngập trên thị trường tài chính quốc tế. Các nước đang phát triển lại phải đối mặt thêm với vấn nạn dòng “tiền nóng” (hot money) do các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư nước ngoài tuồn vào. Brazil, Hàn Quốc rồi Thái Lan đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn dòng tiền nóng này, họ vẫn còn ám ảnh bởi những gì xảy ra hồi khủng hoảng 1997 – 1999. Khác với Malaysia thời gian đó, lần này những biện pháp kiểm soát dòng vốn quốc tế này lại được ca ngợi là cẩn trọng.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh tiền tệ đã thực sự xảy ra và một cuộc chiến tranh thương mại không còn quá xa vời, tâm điểm cuộc họp thường niên của các thành viên IMF tuần trước là vấn đề tỷ giá, mà mũi nhọn chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Chưa có một giải pháp nào được đưa ra và giới tài chính quốc tế đang ngóng chờ cuộc họp G20 sắp tới ở Seoul như một hy vọng cuối cùng. Cả Mỹ và Trung Quốc đã có một số nhượng bộ nhỏ trước thềm cuộc họp này. Mỹ đồng ý hoãn việc phán xét Trung Quốc có phải là quốc gia can thiệp không lành mạnh tỷ giá hay không (curency manipulator), còn Trung Quốc cho đồng RMB tăng thêm 2% so với hồi đầu tháng 9. Điều này lặp lại kịch bản đã diễn ra hồi cuối tháng 3, nhưng khác với lần trước, lần này giải pháp cho đồng RMB sẽ không còn là chuyện nội bộ giữa Mỹ và Trung Quốc nữa.

Năm 1945 tại Bretton Woods, John Maynard Keynes đã đề xuất một cơ chế tái cân bằng thương mại quốc tế, trong đó cả những nước có thặng dư cũng phải chia sẻ gánh nặng với các nước bị thâm hụt. Phía Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Keynes vì lúc đó họ là nước chủ nợ và xuất siêu ra thế giới. Đúng 65 năm sau, cán cân đã đảo ngược. Không phải Keynes đã dự báo được tương lai của Mỹ mà ông nhìn vào quá khứ: một hệ thống tài chính quốc tế quá thiên vị các nước có thặng dư đã góp phần tạo mầm mống cho chiến tranh thế giới thứ hai. Lần này một cuộc chiến tiền tệ và thương mại đã manh nha, nếu không ngăn chặn được, hậu quả của nó sẽ là một thế giới bất ổn hơn.

( Theo TS LÊ HỒNG GIANG // Báo Sài gòn tiếp thị Online )

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thuốc đắng có giã được tật?
  • “Thông điệp thắt chặt chính sách tiền tệ”
  • Doanh nghiệp bất động sản Đồng Nai: Nỗ lực để cung cầu tiệm cận
  • Mua bất động sản bằng USD: Cẩn thận cũng… khó !
  • Ngân hàng trước giờ mở cửa: “Ngoại nhìn vào, nội ngó ra”
  • Chủ động ổn định thị trường vàng và tiền tệ
  • Sản xuất, kinh doanh đối mặt với lãi suất tăng
  • Vốn vàng trong dân - Làm gì khai thác kho vàng 1.000 tấn?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!