Nếu Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn cho các DN khi đấu thầu thì có nghĩa là họ đã vi phạm WTO. Tại sao ta không thử đặt ra câu hỏi đó để nghiên cứu, chả lẽ chúng ta không biết kiện ai à? - TS. Phạm Sỹ Liêm chia sẻ.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị độc giả, hôm nay (31/8), báo VietNamNet và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 hân hạnh mời đến tham dự bàn tròn: Ông Bùi Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; và ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Thưa ông Bùi Hồng Phúc, là người đã công tác nhiều năm ở Trung Quốc, ông lý giải hay có ý kiến gì về việc các nhà thầu Trung Quốc đưa ra mức giá rất rẻ khi đầu tư tại Việt Nam hoặc châu Á. Phải chăng, Chính phủ Trung Quốc đã có những hỗ trợ đặc biệt gì cho các doanh nghiệp của họ khi ra nước ngoài nhận thầu? Ông Bùi Hồng Phúc: Theo tôi, điều trước tiên là Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nghĩa là chúng ta đã bước vào một sân chơi quốc tế, nên sức cạnh tranh rất lớn. Trước khi gia nhập WTO, Chính phủ và nhiều chuyên gia đã cảnh báo về vấn đề này. Do vậy, bản thân doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải lớn và mạnh thì mới cạnh tranh được. Còn vì sao những DN Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam mà giá thầu lại rẻ như vậy, tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách của Trung Quốc dành cho các DN. Hiện Trung Quốc có chủ trương rất lớn khuyến khích đầu tư ra ngoài, trên 3 khía cạnh: hàng hoá, lao động và nhập về khoáng sản. Họ khuyến khích đi ra ngoài, kể cả lao động và du học sinh, điều này không chỉ áp dụng với riêng Việt Nam. Trung Quốc hỗ trợ cho việc xuất khẩu hàng hóa. DN khi xuất khẩu hàng hoá được hoàn lại 12-13% giá trị, đặc biệt là những DN kinh doanh máy móc, điện khí, biên mậu. Hiện Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới ở các lĩnh vực như: may mặc, giầy da, đồ chơi và điện khí. Tôi nói ví dụ rất nhỏ, khi tôi tháp tùng Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đi thăm một nhà máy ở Chiết Giang thì chỉ có 1 huyện thôi mà sản xuất 80% lượng cà-vạt cho thị trường Trung Quốc và 30% thị trường thế giới. Thêm vào đó, Trung Quốc khuyến khích nhận thầu công trình ở nước ngoài: cho vay lớn, dài hạn và lãi suất thấp. Họ quy định phải sử dụng thiết bị máy móc, vật tư thiết bị nhân công ít nhất 15% trở lên. Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc nhận thầu ở cả các nước châu Mỹ, châu Phi... Ngoài ra, họ cũng muốn đưa cơ sở sản xuất ra ngoài, mà khu công nghiệp An Dương ở Hải Phòng là điển hình. Nếu DN nào xây dựng được khu công nghiệp ở bên ngoài mà thu hút được 50 DN Trung Quốc sang đó sản xuất thì sẽ được hỗ trợ 10-15% vốn (nên họ định làm một KCN nữa ở Đồng Nai). Nhà báo Phạm Huyền:Cũng về vấn đề này, chúng tôi được biết TS. Phạm Sỹ Liêm đã thu thập công phu tài liệu về Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu xây dựng. Theo ông, các nhà thầu Trung Quốc có lợi thế gì khi tham gia đấu thầu ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng xây lắp? Ông Phạm Sĩ Liêm: Trước hết phải nói rằng các nhà thầu Trung Quốc nếu nhận thầu ở Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các nước khác, vì Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng. Việc đưa vật liệu, đưa con người, đưa cái gì sang cũng thuận tiện, nên rất rẻ. Còn đưa công nhân, chuyên gia từ châu Âu sang Việt Nam, ngoài chi phí còn phụ cấp xa đất nước nên tốn kém nhiều. Thứ hai, vì gần nhau nên người Trung Quốc cũng hiểu Việt Nam tương đối kỹ. Cung cách làm ăn của người Việt cũng có nét gần với người Trung Quốc, nên họ sang Việt Nam dễ dàng hơn. Còn sự hỗ trợ tôi chưa biết có hỗ trợ gì đặc biệt không, nhưng cũng như Trung Quốc đã hỗ trợ cho các hoạt động thầu của họ ở nước ngoài tại các châu lục khác chưa chứ có gì đặc biệt hơn. Tuy nhiên, có câu hỏi là, chúng ta cứ áy náy là phải hòa nhập để tuân thủ WTO, vậy nếu Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn cho các DN khi đấu thầu thì có nghĩa là họ đã vi phạm WTO, chẳng hạn như Mỹ kiện chúng ta bán phá giá. Tại sao ta không thử đặt ra câu hỏi đó để nghiên cứu, chả lẽ chúng ta chỉ biết thiên hạ kiện mình mà không biết kiện ai à? Nhà báo Phạm Huyền:Như vậy thì hiện tượng Trung Quốc trúng thầu ở Việt Nam cũng là câu chuyện kinh doanh hết sức bình thường. Vì không chỉ ở Việt Nam, họ còn trúng thầu ở nhiều châu lục khác. Vậy theo ông, nguyên do còn bởi vấn đề nào khác? Muốn phát triển ngành đó thì phải tiêu thụ sản phẩm cho nó chứ không phải mua từ nước ngoài. Chúng ta muốn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì phải có nhà máy sản xuất, chứ mua lại của nước ngoài thì làm sao phát triển được? Luật Đấu thầu chưa phản ánh đúng chính sách đó, chỉ nhìn thấy giá rẻ, kỹ thuật... còn các khía cạnh chính sách khác chúng ta không để ý đến, như thế là không đúng. Như vậy, chính sách có lỗi, nhưng bản thân ngành xây dựng cũng có lỗi. Chúng ta ít nhất có 2 thập kỷ đổi mới (kể từ năm 1990), nhưng ngành xây dựng còn nhiều yếu kém, đặc biệt là thể chế thị trường của ngành xây dựng rất kém. Hiện, DN xây dựng ở Việt Nam không có hàng vạn công nhân như trước, mà chỉ có đội quân ít nhưng tinh nhuệ thôi. Vì sao vậy? Vì ngày xưa xây dựng dựa vào kế hoạch của Nhà nước hết công trình này đến công trình khác, Nhà nước không để công nhân thất nghiệp được. Còn giờ là cơ chế thị trường, nếu cần có thể ra thị trường tìm lao động. Tuy nhiên, thị trường của ta lại không có các tổ chức chuyên môn cung ứng nhân lực. Các nước khác không chỉ có tổ chức cung ứng nhân lực, họ còn có cả một bộ máy chuyên săn đầu người, tìm người tài giỏi. Máy móc cũng vậy, giờ doanh nghiệp xây dựng không cần nhiều, cần thì ra thị trường, nhưng ở Việt Nam, các doanh nghiệp cho thuê không nhiều và cũng chẳng hề mạnh. Một yếu tố nữa, là chúng ta thiếu các tổng công ty cung ứng thiết bị. Loại công ty này, thị trường rất cần. Trong khi, ở Trung Quốc, họ có cả một dây chuyền cung ứng đầy đủ và các doanh nghiệp này đã được thành lập và phát triển rất nhiều năm. Đấy là cái yếu kém của chúng ta. Lỗi về chính sách cũng có, quản lý vĩ mô cũng có, quản lý ngành cũng có. Nhưng cũng phải có đối sách với tình hình thực tế đang diễn ra. Nhà báo Phạm Huyền:Mời quý vị độc giả tiếp tục tham dự cuộc bàn tròn do báo VietNamNet và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 tổ chức, với hai vị khách mời: Ông Bùi Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; và ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Thưa ông Bùi Hồng Phúc, theo ý kiến của một chuyên gia, việc Trung Quốc thắng thầu với giá rẻ không phải là do Luật Đấu thầu của chúng ta, vì trong luật đã nói rõ các chủ đầu tư không nhất thiết phải chọn giá rẻ. Như vậy, lỗi thực sự là do ai? Ông Bùi Hồng Phúc: Theo tôi, vấn đề chọn thầu giá rẻ có nhiều nguyên nhân, ở cả ta và họ. Về phía ta, như Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm đã nói, là các quy định chưa đầy đủ và chặt chẽ. Do đó, cần phải xem xét lại theo hướng chặt chẽ hơn để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam nhận thầu. Quản lý của chúng ta cũng chưa thật nghiêm. Có trường hợp, nhà thầu Trung Quốc đưa ra một bản chứng nhận chất lượng không rõ ràng nên người tiếp nhận không đồng ý, nhưng khi gửi lên cấp trên thì lại cho qua. Rõ ràng là có sự quản lý chưa nghiêm, giám sát cũng chưa nghiêm. Phải chăng có sự tiêu cực ở đây, tôi không khẳng định, nhưng đặt câu hỏi, liệu giữa chủ đầu tư và nhà thầu có cái gì chăng? Tôi biết, trước khi đấu thầu cũng có, sau khi đấu thầu cũng có. Thêm vào đó, thủ tục cũng không rõ ràng. Ví dụ, luật của Việt Nam chỉ cho phép đưa lao động có tay nghề vào Việt Nam, nhưng họ lại đưa cả lao động phổ thông vào. Tại sao? Vì họ cho rằng cùng là lao động Trung Quốc, nên họ chăm chỉ, làm thêm giờ, hiểu tiếng của nhau mà có khi lương cũng như lao động Việt Nam. Do ta quản lý không chặt, nên họ đã lợi dụng. Ngoài ra, việc Trung Quốc nhận thầu giá rẻ, là còn bởi họ được hỗ trợ vay vốn, chứ không phải bù giá. Thiết bị của Trung Quốc rẻ hơn so với các nước G7. Tuy nhiên ở đây, tôi cần lưu ý một điểm, khi đưa vào đấu thầu, một số nhà thầu nói đó là sản phẩm Đức, Pháp... nhưng thực ra đều là sản xuất ở Trung Quốc. Nếu không tinh sẽ không phát hiện ra. Nhà báo Phạm Huyền:Còn quan điểm của TS. Phạm Sỹ Liêm về vấn đề này thì ra sao? Tiến sỹ suy nghĩ như thế nào về vấn đề tổng thầu EPC ở Việt Nam? TS. Phạm Sỹ Liêm: Một trong những thành công của Trung Quốc trong đổi mới thể chế xây dựng là đưa ra được chế độ giám lý xây dựng, nghĩa là coi việc quản lý dự án, quản lý xây dựng như một dịch vụ, cần trình độ chuyên môn cao. Chủ đầu tư ủy thác cho cơ quan giám lý này việc quản lý xây dựng, quản lý dự án. Ở Việt Nam, chúng tôi đã nhiều lần nêu ra vấn đề này. Nếu chủ đầu tư thuê công ty giám lý thì mình là người giám sát, còn nếu chủ đầu tư tự làm thì ai là người giám sát?. Về giá rẻ, Trung Quốc tìm lợi nhuận tổng hợp thông qua việc nhận thầu, xuất khẩu lao động, trang thiết bị, mỗi thứ kiếm một ít rồi cộng lại thì lợi nhuận không nhỏ. Có thể họ hoà vốn phần nhận thầu nhưng được lợi lớn ở những khâu khác. Việc nhận thầu ở nước ngoài thường gặp rủi ro. Trong văn bản năm 2000 của Quốc vụ viện Trung Quốc, họ đã lập một quỹ làm bảo hiểm rủi ro cho các nhà thầu khi nhận thầu ở nước ngoài và nhiều chính sách khác nữa. Ngoài vấn đề giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc, chúng ta hiện quan hệ với nhiều đối tác nhưng lại chưa am hiểu về giá trị hợp đồng kinh tế. Họ rất coi trọng hợp đồng, vì vi phạm là có thể bị kiện. Việt Nam đã bị kiện nhưng chưa từng đi kiện quốc tế. Họ nắm được thóp của doanh nghiệp Việt Nam là chưa coi trọng hợp đồng nên họ vẫn cứ vi phạm. Về câu chuyện đấu thầu EPC, tôi cho rằng, phương thức này chỉ có lợi khi đó là dự án đầu tiên của nước mình. Mình không biết thiết bị công nghệ như thế nào thì khoán cho người khác, dù có tốn kém cũng được. Trong quá trình làm thì ta học. Nhưng ở Việt Nam, cái thứ 3, thứ 4 cũng EPC. Ví dụ, trong ngành xi măng, chủ đầu tư đã am hiểu lò quay nước nào tốt, máy đóng bao xi măng nước nào là tốt thì họ tự tìm hiểu đặt mua thiết bị. Đấy mới thực sự là chủ đầu tư vừa vì lợi ích của mình, vừa của đất nước. Đây cái gì cũng EPC. Tôi cho rằng, Chính phủ chỉ nên cho 2 công trình đầu tiên của dự án quốc gia được làm EPC. Khi nào muốn làm phải được Chính phủ cho phép. Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành. Theo tôi, các bộ ngành là cơ quan quản lý Nhà nước, nên phải giao quyền quản lý cho họ, đồng thời cũng cần tiến hành giám sát họ. Trong câu chuyện "giá rẻ", không chỉ nói chủ thầu, mà còn phải hỏi trách nhiệm của cơ quan giám sát. Tại sao, khi thực hiện một dự án xây dựng, đấu thầu thì do Bộ Kế hoạch Đầu tư làm, cấp vốn thì ở Bộ Tài chính, cuối cùng lĩnh tiền là ở kho bạc, trong khi Bộ Xây dựng chỉ ban hành quy trình quy chế? Tôi nghĩ cái gì thuộc lĩnh vực xây dựng thì nên giao hết cho Bộ Xây dựng và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sự tiến bộ của ngành này, không để chia năm xẻ bảy trong khi việc phối hợp lại yếu. Riêng về việc Trung Quốc trúng thầu, theo tôi, Bộ Công Thương nên tổng kết các công trình đấu thầu nước ngoài nói chung ở Việt Nam, không chỉ riêng Trung Quốc, để rút ra bài học quản lý. Nhà báo Phạm Huyền:Một số công trình của Việt Nam dùng vốn vay ODA của nước ngoài, nên khi thực hiện phải chấp nhận một số điều kiện nhất định của nước cho vay. Một bạn đọc hỏi rằng, liệu đây có phải là nguyên nhân chúng ta phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc? Ông Bùi Hồng Phúc: Theo tôi, để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc đề ra chính sách vay vốn và giao cho ngân hàng xuất nhập khẩu của nước này quản lý và thực hiện. Theo tôi được biết, ngân hàng này có mấy loại khoản vay: cho vay ưu đãi (ODA), vay cho bên bán (cho công ty Trung Quốc) và vay cho bên mua. Riêng với loại thứ nhất, Trung Quốc quy định, tất cả thiết bị, dịch vụ, lao động phải ưu tiên cho phía Trung Quốc trên 50%. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có vài dự án đặc biệt mới được vay theo phương thức này.
Các khách mời tham dự bàn tròn hôm 31/8 tại tòa soạn báo VietNamNet - Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Phạm Sỹ Liêm (trái) và ông Bùi Hồng Phúc (phải) - Ảnh: Lê Anh Dũng.
Ông Phạm Sỹ Liêm: Tôi nghĩ là, công việc xây dựng trên đất nước ta còn phải tuân thủ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngành xây dựng. Chính sách của ta là đầu tư, bỏ vốn, thu hút, vay vốn để tạo ra tài sản. Bên cạnh đó, tìm kiếm công ăn việc làm để giải quyết nạn thất nghiệp và phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.
( Theo VNR // vnr500.vn )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com