Hiện dư luận rất quan tâm vấn đề liệu các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tăng được vốn pháp định lên 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay không. Nếu không thì Chính phủ và NHNN sẽ xử lý thế nào?
Năm 2006, Chính phủ có Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22.11.2006 về việc về ban hành danh mục mức vốn pháp định đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, các TCTD đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định quy định tại danh mục ban hành kèm theo Nghị định 141. Trong đó, mức vốn 3.000 tỉ đồng đối với các NHTM phải thực hiện chậm nhất vào ngày 31.12.2010.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã hai lần có văn bản nhắc nhở các NH thực hiện đúng lộ trình của Nghị định 141, trong đó văn bản số 3417/NHNN-TTGSNH - ngày 10.5.2010 yêu cầu TCTD có mức vốn điều lệ trong năm 2010 chưa đảm bảo mức vốn pháp định theo Nghị định 141 chậm nhất ngày 30.6.2010 phải trình NHNN hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn. Hiện dư luận rất quan tâm liệu các NHTM có thể tăng được vốn lên tối thiểu 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay hay không. Nếu không thì Chính phủ và NHNN sẽ xử lý thế nào?
23 NHTM đã trình hồ sơ
Tại cuộc họp báo ngày 7.7.2010 của Văn phòng Chủ tịch Nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện hệ thống có 37 NHTM, trong đó 7 NH đã có 5.000 tỉ vốn điều lệ, 3 NH có 4.000 tỉ vốn, 1 NH có 3.500 tỉ và 3 NH có vốn từ 3.000-3.200 tỉ, 23 NH còn lại có mức vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng và các NH này đã có hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn. Đến nay đã có 2 NH hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn, NHNN đang tiếp nhận và xem xét 16 hồ sơ, còn 5 hồ sơ đang trong quá trình xem xét tại chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành.
Việc các NH đến thời điểm này phải có hồ sơ, vì văn bản 3417/NHNN-TTGSNH đã nói rõ sau thời điểm 30.6.2010, trường hợp TCTD không trình NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, NHNN tạm thời không xem xét đề nghị mở rộng mạng lưới (Cty trực thuộc, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, ATM, điểm giao dịch) hoặc bổ sung nội dung hoạt động của TCTD.
Đặc biệt, đối với các TCTD không trình NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ hoặc không được chấp thuận tăng vốn điều lệ để đảm bảo mức vốn pháp định tại Nghị định 141, chậm nhất ngày 30.9.2010, TCTD phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân của mình theo luật định (bao gồm: Sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể...) trình NHNN- chi nhánh tỉnh, thành phố (đối với TCTD cổ phần) hoặc cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (đối với TCTD không phải cổ phần). Vì vậy, không một NHTM nào dám để chậm trễ việc làm hồ sơ theo thời gian trên, cho dù phương án tăng vốn có thực sự khả thi hay không.
Khó khăn, vướng mắc
Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo NHTM và các chuyên gia, Nghị định 141/2006/NĐ-CP được ban hành tháng 11.2006, thời điểm cổ phiếu ngân hàng đang được mệnh danh là cổ phiếu vua. Trong bối cảnh đó việc tăng vốn điều lệ của các NHTM ngỡ là rất dễ dàng. Tuy nhiên từ đó, đến nay, nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính của Việt Nam đã chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế lan rộng trên thế giới.
Sang năm 2010, khi nền kinh tế đã bước đầu phục hồi, TTCK tưởng như đã có thể tiến đến mốc 600 dễ dàng thì vấn đề nợ công của một số nước Châu Âu và nguy cơ lan sang Châu Á đã khiến tương lai của TTCK Việt Nam đang trở nên bất ổn, khó lường, thanh khoản thị trường kém, giá cổ phiếu NH càng thê thảm hơn.
Một NĐT nói: “Nếu thị giá của một doanh nghiệp từ 2x trở lên thì việc phát hành CP với mức giá 10.000 đồng còn có thể bán được, chứ thị giá của nhiều NH chỉ quanh 10.000 đồng/CP thì phát hành ai mua?”.
Việc tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là chưa kể đến niềm tin của các cổ đông chiến lược nước ngoài đối với một số NHTM cổ phần Việt Nam chưa tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ cổ đông lớn của các NHTM phải tự xoay xở và họ xoay xở thế nào còn là một câu chuyện dài. Đây thực sự là những khó khăn để tăng vốn điều lệ của các NHTM.
Theo một chuyên gia ngân hàng thì việc gia hạn lộ trình tăng vốn chắc hiện đang được một số NHTM vận động hành lang nhiều bởi sự tồn tại của họ, nhưng khó khăn đưa ra để tạm dừng lộ trình tăng vốn cũng có lý nếu xét về bối cảnh kinh tế chung và khả năng thực hiện của các NHTM hiện nay.
Cho đến thời điểm này thì NHNN vẫn giữ nguyên quan điểm phải thực hiện đúng lộ trình đã quy định tại Nghị định 141. Tuy nhiên, vẫn còn 6 tháng nữa để đưa ra lời phán quyết cuối. Một số ý kiến cho rằng việc gia hạn cho một số NH, nhất là các NHTM cổ phần đô thị mới từ NHTM cổ phần nông thôn lên ở các tỉnh phía nam là khó tránh khỏi.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com