So với những ngày cuối năm 2009, hiện “van” tín dụng của các ngân hàng đã mở hơn. Song điều đó không có nghĩa các nhà băng đẩy mạnh mạnh cho vay, bởi việc thu hút nguồn tiền tiết kiệm vẫn gặp khó khăn. Khó huy động vốn, các ngân hàng đành phải lựa chọn khách hàng tốt nhất để ưu tiên tín dụng, đồng thời hạn chế việc rót vốn vào những lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, kinh doanh vàng…).
Khó huy động vốn
Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường được các nhà băng kéo lên mức đỉnh 10,499%/năm và áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, thay vì mức 10,49%/năm như trước. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Á Châu (ACB), sản phẩm tiết kiệm thả nổi bằng VND kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi hàng tháng được áp dụng mức lãi suất 10,499%/năm.
Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB nhận định, tình hình huy động vốn trong năm 2010 sẽ khó hơn cả quý II và III của năm 2009 do các biện pháp thắt chặt tiền tệ làm cho tiền ít hơn. Đồng thời, hành vi của người gửi tiền và người vay tiền cũng có những thay đổi so với trước.
Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM cho rằng, với mức lãi suất huy động hiện tại, khó có thể tạo được sức hút đối với nguồn tiền nhàn rỗi, nhất là khi chứng khoán, vàng vẫn được xem là các kênh đầu tư có khả năng sinh lãi cao hơn gửi tiền ngân hàng, đó là chưa kể đến những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn trung, dài hạn.
Tìm kiếm nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư ngày một khó khăn, trong khi nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là khối doanh nghiệp dịp trước Tết Nguyên đán gia tăng, một số ngân hàng đang tính đến chuyện “lách” quy định trần lãi suất huy động không quá 10,5%/năm của Ngân hàng Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, đường cong lãi suất trên thị trường không còn, bởi nó đã được các ngân hàng ra sức kéo thẳng. Tuy nhiên, để huy động được nguồn vốn trong lúc này quả là bài toán khó đối với ngân hàng. Theo ông Hiển, với diễn biến thị trường hiện nay, áp lực huy động vốn nhiều khả năng sẽ kéo dài trong năm 2010 cho đến khi cơ chế lãi suất được điều chỉnh ở mức hợp lý.
Trong những ngày qua, đã có nhiều ý kiến về việc nên sớm bỏ trần lãi suất cơ bản. Trả lời ĐTCK xung quanh vấn đề này, đại diện một ngân hàng cho biết, nếu chúng ta thực sự mong muốn xây dựng nền kinh tế thị trường thì không nên xây dựng những rào cản về giá, mà xây dựng một môi trường kinh doanh để điều chỉnh hành vi; không nên xây dựng ngưỡng trần, ngưỡng sàn mang tính hành chính như hiện nay.
“Quy định trần lãi suất cơ bản được đưa ra để chống cho vay nặng lãi, nhưng cũng có thể bỏ trong điều kiện cho phép. Có thể, trong điều kiện thị trường đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng thì cần các biện pháp quản lý chặt chẽ, song không nên kéo dài. Việc đưa ra mức trần, sàn đối với lãi suất để thị trường bình ổn và sau đó lại mở thì cơ hội tiếp cận vốn của người vay sẽ nhiều hơn”, vị đại diện trên nói.
Tiếp tục sàng lọc khách vay
Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), ông Phạm Quốc Thanh cho biết, sau những tuần cuối cùng của năm 2009 phải khép dần cửa tín dụng thì hiện Ngân hàng đã tái cho vay. Tuy nhiên, trước áp lực huy động vốn hiện nay và để đáp ứng yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng của ngành thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ABBank trong năm 2010 sẽ không cao hơn năm 2009 (tính đến cuối năm 2009, dư nợ tín dụng của ABBank đạt trên 12.000 tỷ đồng). Đồng thời, Ngân hàng chỉ cho vay đối với những khách hàng đáp ứng tốt các điều kiện tín dụng đã đề ra.
Huy động vốn chưa “dễ thở” hơn nên chiến lược phát triển tín dụng của các ngân hàng trong năm nay đã được điều chỉnh giảm so với năm 2009. Tuy chưa công bố kế hoạch chính thức về mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2010, nhưng ông Hải cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ đưa ra cho năm nay sẽ không cao như năm trước (năm 2009, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 70 - 80%), bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2010 được kiểm soát thấp hơn so với năm trước. Đồng thời, áp lực huy động vốn của ngân hàng cao hơn. Khách hàng mục tiêu trong phát triển tín dụng của ACB không thay đổi so với các năm trước, song chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chỉ ở mức 40 - 45%, thay vì 60 - 65% như năm trước.
Còn tại Vietcombank, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng dự kiến đưa ra trong năm 2010 ở mức 20 - 25%, không cao hơn mức thực hiện của năm 2009.
Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước ở mức 25%, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện của năm trước, nhưng với các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2010 sẽ tranh thủ mở van tín dụng để cho vay, nhất là trong quý I, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp sử dụng mục đích sản xuất - kinh doanh dịp Tết Nguyên đán khá lớn. Sau đó, các ngân hàng có thể thu hồi vốn để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm về mức phù hợp. Song thực tế hiện nay, cái khó nhất của ngân hàng lại chính là khó huy động được nguồn tiền nhàn rỗi.
Phân tích vĩ mô, các chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, lượng tiền cung cấp ra thị trường hiện không giảm, nhưng thực tế thì vẫn thiếu. Nguyên nhân chính là do hành vi của người gửi tiền cũng như người đi vay.
Ví dụ ở Mỹ, khủng hoảng năm 2008 khởi nguồn mọi vấn đề là do thanh khoản, không phải chuyện chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nên ngân hàng lo ngại và không dám cho vay. Hệ quả là khách hàng vay giảm dần khiến vòng quay của đồng vốn chậm lại và có thời điểm bị đóng băng. Nhưng khi nguồn vốn vào ngân hàng nhiều hơn, lãi suất cơ bản được cắt giảm xuống mức 0%, còn lãi suất cho vay được nâng lên khiến người vay e ngại. Ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh cho vay, dẫn tới lượng tiền ngoài lưu thông sụt giảm, hệ số tạo tiền chậm lại.
Đối với Việt Nam hiện nay, hệ số tạo tiền khoảng 4,8 lần, nên về lý thuyết, với tỷ lệ dự trữ bắt buộc 3% thì hệ số tạo tiền phải là 33 lần. Song do lượng tiền trong hệ thống ngân hàng hiện còn thấp nên hệ số tạo tiền thấp. Mặt khác, các kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm của khách hàng hiện chủ yếu ngắn hạn thì người sử dụng (tức ngân hàng) cũng không dám nâng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com