Nhiều chuyên gia lo ngại, thị trường sẽ gặp khó cuối năm, do VND bị mất giá. Để tỷ giá được bình ổn lâu dài, hai yếu tố nhập siêu và lạm phát phải được khống chế.
Theo chuyên viên phân tích Hồ Bá Tình, chỉ trong vòng 10 tháng, tính đến ngày 18/8, Ngân hàng Nhà nước đã phải ba lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, tăng tổng cộng 11,17%, lên mức 18.932 đồng một USD. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này vẫn chưa làm thỏa mãn “cơn khát” của thị trường. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do vẫn luôn cao hơn. Đến đầu tháng 11, mức chênh lệch này đã lên tới 1.500 đồng, tức 7,69%, một mức cao so với các đợt điều chỉnh tỷ giá trước đó.
VND đang bị mất giá khá mạnh khi so với các đồng tiền khác trong khu vực. Sử dụng tỷ giá 19.500 đồng một USD để quy đổi chéo, từ đầu năm đến tháng 11, VND mất giá hơn 20% so với đồng yen của Nhật Bản, hơn 17% so với đồng tiền của Thái Lan và Malaysia, gần 8% so với đồng Nhân dân tệ. Nếu sử dụng tỷ giá thị trường tự do, thì mức mất giá hiện nay của VND đang rất cao.
VND mất giá mạnh vì mất cân đối cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế. Bản chất một nền kinh tế nhập siêu lớn, khiến cán cân tài khoản vãng lai (current account) chênh lệch hàng chục tỷ USD. Trong khi đó, cán cân tài khoản vốn, gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn đầu tư gián tiếp (FPI), vốn vay (ODA, vay thương mại của Chính phủ và doanh nghiệp), lại phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu và ổn định vĩ mô trong nước.
Chưa kể, một số dòng ngoại tệ dịch chuyển ra khỏi nền kinh tế. Là những khoản nợ đáo hạn phải thanh toán mà không vay mới, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI chuyển về nước mà không tái đầu tư, các dòng vốn gián tiếp chu chuyển...
Theo chu kỳ cuối năm, việc mất cân đối cung cầu ngoại tệ càng dễ xảy ra, khi nhu cầu nhập khẩu tăng cao, các khoản tiền vay bằng ngoại tệ đến hạn phải trả... Trong khi đó, các nguồn thu từ giải ngân FDI và kiều hối không đáp ứng kịp, cũng khiến cho thị trường ngoại tệ xáo trộn.
Giải pháp bình ổn tỷ giá quan trọng nhất cần làm lúc này, là ổn định tâm lý người dân. Tiếp đến, thị trường cần một cơ chế linh động hơn. Việc giữ tỷ giá cố định, kéo dài theo “mệnh lệnh hành chính”, không phải là giải pháp hiệu quả. Thay vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu nên được thực hiện linh hoạt, theo thị trường. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng phải thực sự là tỷ giá tham chiếu cho giao dịch trên thị trường.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com