Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Biến động tỷ giá 2012 và “một thế giới đầy bất trắc”

picture
Sau năm 2007 trở lại đây với những “cú sốc” trên dưới 10% mỗi năm, nếu mức biến động của tỷ giá USD/VND chỉ trong khoảng 2 - 3% như lời Thống đốc thì 2012 sẽ là một năm đặc biệt.

Theo dự báo chủ quan, tỷ giá USD/VND năm 2012 sẽ ổn định. Nhưng, ẩn số có ở bên ngoài, trong “một thế giới đầy bất trắc”…

Cuộc sống vẫn luôn tồn tại chữ “nhưng” như vậy. Đó là chữ mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh khi nói về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012 tại buổi gặp mặt báo chí ngày 11/1/2012.

Vế sau của chữ “nhưng” là rủi ro khách quan, hoặc những nảy sinh khó đoán định của thực tế. Điều này có trong dự tính về khả năng biến động tỷ giá USD/VND năm 2012, hay đúng hơn là định hướng điều hành, mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Bản thân ông không muốn đưa ra những con số trong vấn đề này, cũng không muốn “bị” nói nhiều, bàn luận nhiều về những con số đó. Nhưng là cần thiết đối với thị trường, bởi như đề cập ở trên, nó mang tính định hướng.

Và Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Nếu loại trừ những yếu tố bất trắc thì có thể khẳng định thị trường ngoại hối năm 2012 sẽ rất ổn định. Biến động của tỷ giá USD/VND có thể ở trong khoảng từ 2 - 3%”.

Sau năm 2007 trở lại đây với những “cú sốc” trên dưới 10% mỗi năm, nếu mức biến động của tỷ giá USD/VND chỉ trong khoảng 2 - 3% như lời Thống đốc thì 2012 sẽ là một năm đặc biệt.

Thống đốc Bình cho rằng, từ kinh nghiệm những năm qua, với những tính toán ban đầu, có sự điều hành nhất quán của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì tỷ giá sẽ ổn định hơn. Mặt khác, ông dự báo cán cân tổng thể năm nay sẽ thặng dư khoảng 3 tỷ USD, tiếp tục là một yếu tố hỗ trợ thuận lợi cho bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Liên quan đến trạng thái của cán cân tổng thể, có một chi tiết ít được đề cập đến thời gian qua. Thống đốc Bình đặt vấn đề: vì sao năm 2011 dự báo thị trường thế giới khó khăn, xuất khẩu sẽ khó, vậy mà kết quả cuối cùng là rất tốt và nhập siêu được kiềm chế tốt? Một phần trong đó có tác động từ chính sách tiền tệ.

Ông phân tích, chỉ riêng ở chính sách tín dụng cũng đã có những tác động tích cực. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chung ước tính chỉ 13%, nhưng tín dụng cho xuất khẩu ước tăng tới 58%, trong khi tín dụng cho nhập khẩu được hạn chế. Từ đây, nguồn vốn hỗ trợ đã được nắn đúng hướng hơn, góp phần kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, phía sau đó là mối quan hệ với tỷ giá.

Năm 2012, chính sách tín dụng sẽ tiếp tục triển khai theo hướng đó.

Trở lại với dự tính về biến động tỷ giá nói trên, điều mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thận trọng khi đưa ra định hướng cụ thể như vậy là e ngại những ẩn số ở bên ngoài, trước “một thế giới đầy bất trắc”.

Một ví dụ ông dẫn ra. Năm 2012, kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, nhu cầu giảm có thể kéo theo giá dầu giảm. Ngược lại, với những quan ngại ở khu vực Trung Đông hiện nay, giả sử có biến cố xấu lại có thể đẩy giá dầu lên cao; Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu xăng dầu và biến cố theo giả thiết đó sẽ gây trở ngại trong ổn định tỷ giá…

Hay điển hình hơn là tác động từ giá vàng - “kẻ phá bĩnh” nổi bật trong năm 2011.

“Năm 2011, nếu loại bỏ yếu tố vàng thì dự trữ ngoại tệ còn tăng lên nữa, thậm chí VND còn lên giá”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói. Và “nếu tháng 8 vừa rồi vàng không chao đảo thì tôi đảm bảo VND còn lên giá”.

Thực tế là từ tháng 4 - 8/2011, VND lên giá khá mạnh, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ. Chiến lược mua vào bây giờ mới được nhà điều hành nói rõ là theo một mức giá “lưng chừng” để tránh VND lên giá quá mạnh, thay vì cơ chế mua sàn - bán trần thường thấy ở vai trò của người mua - bán sau cùng. Nhưng từ tháng 8/2011, giá vàng thế giới biến động quá mạnh, ảnh hưởng lớn tới việc bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối nói chung…

Năm 2012, sự “bất trắc” đối với điều hành tỷ giá vẫn có ở vàng - yếu tố chịu nhiều tác động khách quan từ thị trường thế giới. Dự kiến, năm 2012 Ngân hàng Nhà nước sẽ có được những công cụ cần thiết để bình ổn thị trường vàng, hạn chế tác động của nó đối với tỷ giá (nghị định quản lý kinh doanh vàng, chế tài xử phạt trong lĩnh vực này đã được ban hành, đề án huy động sức vàng trong dân dự kiến sẽ triển khai…), nhưng tác động khách quan từ thế giới sẽ vẫn có đời sống riêng của nó.

Ở định hướng điều hành chung, Thống đốc cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là tiếp tục đảm bảo vị thế cho VND, cho lợi ích nắm giữ VND. Khi vị thế và lợi ích được khẳng định đồng nghĩa với việc hạn chế tâm lý và hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ gây bất lợi cho tỷ giá.

Thống đốc Bình dẫn chứng, từ sau lần điều chỉnh 9,3% hồi tháng 2, đến hết năm 2011 thì việc nắm giữ VND có lãi hơn nhiều so với nắm giữ USD, do chênh lệch lãi suất lớn, biến động tỷ giá hẹp.

Và theo như những thông tin định hướng đã đưa ra, trạng thái so sánh đó có thể tiếp tục duy trì trong năm 2012. Vậy thì lợi nhuận cho hoạt động đầu cơ USD cũng sẽ phải đặt cược vào “một thế giới đầy bất trắc”?

(Theo Vneconomy)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • “Không có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng”
  • Thống đốc NHNN: Cuối quý I sẽ xem xét hạ lãi suất
  • NHNN chấn chỉnh “lách” trần lãi suất huy động
  • Điều hành chính sách tiền tệ: Trách nhiệm nặng nề!
  • Đồng euro sau 10 năm
  • Cuối năm, giao dịch USD 'chợ đen' bùng nổ
  • VND đã bị định giá quá cao?
  • Đồng euro và nền kinh tế Hoa Kỳ đe dọa Châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!