Ngày 25.11, Chính phủ đưa ra hai biện pháp chính điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961đ/USD và tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu thêm 1%. Đây là những chính sách kịp thời và cần thiết để làm giảm căng thẳng thị trường ngoại hối. Biện pháp trên chỉ thật sự có tác dụng nếu như nó được coi như là một bước khởi đầu trong chính sách xóa bỏ chế độ hai tỷ giá, một đòi hỏi cần thiết trong một chương trình dài hạn xây dựng “thương hiệu” cho đồng tiền Việt Nam như là một đồng tiền có giá trị.
![]() |
Ghi chú: số liệu năm 2008 và 2009 là số liệu ước tính. Nguồn: bảng 3.1, phần phụ lục, Báo cáo kinh tế thường niên của CEPR 2009 (NXB Tri Thức, 2009) |
Chính sách tỷ giá: gây căng thẳng thị trường ngoại hối
Về tổng thể, mặc dù tổng cán cân thanh toán của Việt Nam bị âm trong hai năm 2008 và 2009, nhưng nếu xét trong một giai đoạn dài hơn thì tình hình không phải đáng lo ngại. Việt Nam đã tích lũy được trên 20 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2009 (xem hình trên). Lượng ngoại tệ này một phần được đưa vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, một phần khác được tích trữ trong dân. Nếu quả thực trong thời gian vừa qua quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia giảm từ 23 tỉ USD từ tháng 12.2009 xuống mức 17,6 tỉ USD vào tháng 6.2009 (theo báo cáo của ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 15.9.2009), thì sau khi giảm trừ thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể khoảng 1,9 tỉ USD và vốn FFI rút khỏi Việt Nam khoảng 500 triệu USD theo ước tính, riêng trong năm qua, lượng dự trữ ngoại tệ trong dân đã tăng thêm 3 tỉ USD. Ngoài ra, thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin giới ngân hàng ước tính lượng ngoại tệ trên tài khoản của doanh nghiệp và vốn huy động ngoại tệ của tất cả các tổ chức tín dụng tới khoảng 18-20 tỉ USD.
Đây là một thực tiễn đáng lưu ý để khẳng định rằng căng thẳng của thị trường ngoại hối hiện tại ở Việt Nam không phải là do Việt Nam quá khan hiếm USD. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng ngoại tệ khá lớn này không được đưa vào lưu thông, mà nguyên nhân là do tồn tại hai tỷ giá.
Từ đầu năm tới nay, tỷ giá chính thức luôn thấp hơn tỷ giá tự do khoảng 500đ, có lúc vượt trên 2.000đ. Khi mức chênh lệch càng lớn, một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu không muốn bán USD cho ngân hàng. Còn doanh nghiệp thuộc diện được mua USD theo tỷ giá chính thức không thể tìm được nguồn cung từ ngân hàng sẽ buộc phải tìm nguồn cung trên thị trường tự do. Đồng thời người dân lại càng có mong muốn giữ USD vì sợ tiền đồng tiếp tục mất giá. Hệ quả là thị trường ngoại hối tự do càng trở nên căng thẳng, tạo vòng xoáy, đẩy tỷ giá tiền đồng/USD ngày càng cao hơn so với tỷ giá chính thức.
Điều gì xảy ra khi Chính phủ đưa ra chính sách “can thiệp mạnh”? Tôi cho rằng chính sách này của Chính phủ chỉ có tác dụng nhất thời nếu như chính sách hai tỷ giá vẫn được duy trì.
Một mặt, việc nâng tỷ giá chính thức thêm 3,44% có thể sẽ khiến doanh nghiệp thuộc diện buộc phải bán USD cho ngân hàng theo tỷ giá chính thức cảm thấy đỡ thiệt thòi hơn. Khi đó, một lượng cung ngoại tệ tương đối sẽ được lưu thông trên thị trường. Doanh nghiệp có nhu cầu mua USD sẽ có thể mua được từ ngân hàng ở mức giá tỷ giá chính thức. Tình trạng căng thẳng của thị trường ngoại hối được tạm thời giải quyết một phần.
Nhà nước có thể thuyết phục doanh nghiệp bán một lượng lớn ngoại tệ để cung cấp ra thị trường, nhưng nếu như kỳ vọng tiền đồng mất giá vẫn còn thì một phần lượng ngoại tệ này lại sẽ bị dân chúng hoặc một bộ phận doanh nghiệp khác gom vào tích giữ. Vấn đề khan hiếm ngoại tệ trên thị trường tự do vẫn không được giải quyết. Ngoại tệ chỉ chuyển từ kho tích trữ này sang kho tích trữ khác. Việc duy trì mức chênh lệch giữa hai tỷ giá khiến doanh nghiệp không có động lực bán USD. Căng thẳng thị trường ngoại hối lại diễn ra. Một vòng xoáy mới gây áp lực giảm giá tiền đồng lại hình thành.
Nếu xuất hiện nguồn cung ngoại tệ “tự phát” cho thị trường tự do, chẳng hạn từ kiều hối hay du lịch, khiến cho tỷ giá tự do sẽ quay trở lại ngang bằng với tỷ giá chính thức. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa kết thúc đây là một hy vọng mong manh. Do vậy, việc duy trì chế độ hai tỷ giá, tại đó tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá tự do, sẽ khó có thể ngăn cản sự hình thành một vòng xoáy mới gây áp lực mất giá lên tiền đồng.
Xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá có đáng ngại?
Một khi dân chúng có thông tin đầy đủ và chắc chắn vào chủ trương của Chính phủ, tình trạng căng thẳng ngoại hối có thể sẽ giảm đi đáng kể, khiến cho chi phí thực cho chính sách xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá còn rất thấp.
Biện pháp can thiệp mạnh hiện tại chỉ thực sự có hiệu quả nếu như nhà nước coi đó như là bước khởi đầu trong một chính sách tổng thể xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá. Tôi cho rằng chính sách hai tỷ giá là nguyên nhân khiến cho dân chúng không tin tưởng vào tiền đồng chứ không phải vì dân không tin tưởng vào tiền đồng khiến Việt Nam phải duy trì chế độ hai tỷ giá.
Nếu như Chính phủ thành công trong việc thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài không rút vốn khỏi Việt Nam thì lo ngại trên đối với việc loại bỏ chính sách hai tỷ giá có thể dễ dàng vượt qua. Chính phủ chỉ cần tích một lượng ngoại tệ tích lũy đủ lớn, chẳng hạn 5 tỉ USD (mức cao hơn do với dự trữ ngoại tệ ở trong dân chúng – ước khoảng 3 tỉ USD), để sẵn sàng cung cấp cho dân chúng có nhu cầu tích trữ ngoại tệ khi bắt đầu chương trình xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá. Với một quĩ dự trữ ngoại hối khoảng 17 tỉ USD và với cơ chế vay USD từ các tổ chức quốc tế khá dễ dàng như hiện nay, việc huy động 5 tỉ USD vào một quỹ giúp xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá là điều hoàn toàn an toàn và khả thi.
Trình tự loại bỏ chính sách hai tỷ giá có thể mô tả một cách giản đơn như sau. Một mặt Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì việc cung cấp ngoại tệ cho các đơn vị cần thiết nhập khẩu ở mức 18.500đ, mặt khác các ngân hàng sẵn sàng bán cho dân chúng ngoại tệ ở mức tỷ giá thấp hơn tỷ giá thị trường tự do một khoảng nhất định, chẳng hạn 100đ, đủ để hấp dẫn người mua và đủ để khiến cho những người giữ USD không còn thấy có lợi nhuận đủ lớn khi nắm giữ USD. Nếu như thị trường tự do chấp nhận hạ tỷ giá về mức bằng hoặc thấp hơn mức bán ở các ngân hàng thì Chính phủ có thể tiếp tục hạ mức bán xuống thấp hơn để kéo tỷ giá tự do về mức tỷ giá chính thức. Song song với quá trình đó, Chính phủ có thể nâng tỷ giá chính thức để gần với mức tỷ giá bán cho dân chúng. Quá trình “dò dẫm” này sẽ tiếp diễn trong một thời gian khiến cho mức tỷ giá chính thức và tự do ngang bằng nhau.
Song song với quá trình trên, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp khác như nâng lãi suất tiền đồng để tạo thêm hấp dẫn cho tiền đồng cũng như sử dụng một số biện pháp hành chính ngắn hạn để giảm nhập siêu để làm cho chi phí xóa bỏ chế độ hai tỷ giá ở mức thấp nhất. Sau một thời gian, người dân thấy rằng việc tích lũy USD là không có lợi, nhu cầu tích lũy sẽ giảm. Người dân sẽ bán USD ra và Chính phủ lại mua lại để tăng dự trữ ngoại hối và trả nợ nước ngoài.
Một khi tỷ giá được quyết định bởi thị trường, Chính phủ sẽ không phải sợ tiền đồng mất giá hay tăng giá. Quỹ dự trữ ngoại hối được dùng chủ yếu vào việc điều hòa thị trường ngoại hối, ngăn không cho tỷ giá tăng nhanh quá hoặc giảm nhanh quá khi có biến động bên ngoài hoặc mùa vụ xảy ra. Một số chính sách kiểm soát dòng vốn ra - vào Việt Nam có thể được ban hành. Giá trị tiền đồng trong dài hạn khi đó chỉ còn phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển của nền kinh tế và chi tiêu của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, việc loại bỏ chính sách hai tỷ giá, khiến cho vàng trở thành tác nhân giúp bình ổn thị trường ngoại hối. Do USD hiện tại có xu hướng bị mất giá so với vàng, hay nói cách khác, vàng có thể đảm bảo chức năng bảo tồn vốn tốt hơn USD, nên lý do duy nhất khiến người dân còn muốn giữ USD là vấn đề thanh khoản. Nếu như nhà nước đảm bảo rằng bất kỳ khi nào cần USD, dân chúng cũng có thể mua USD thì nhu cầu dự trữ USD để đảm bảo thanh khoản sẽ không còn. Khi đó người dân sẽ bán USD để mua vàng làm phương tiện tích trữ.
Khi đó giá vàng tăng hoàn toàn là do nhu cầu tích trữ vàng trên phạm vi toàn cầu chứ không phải bị tăng kép vì tỷ giá như hiện tại. Bài toán tiếp theo là nhà nước, hệ thống ngân hàng cần có chính sách khuyến khích người dân gửi vàng vào ngân hàng một cách thuận lợi. Với lượng vàng của dân được gửi vào ngân hàng có tính dài hạn, Chính phủ có thể sử dụng để bảo lãnh vay USD từ các quỹ tài chính trên thế giới nhằm cân đối với lượng USD xuất ra để nhập khẩu vàng mà không làm thay đổi cung cầu ngoại tệ ở trong nước.
Một số lưu ý cuối cùng
Sẽ có ý kiến lo ngại về căng thẳng thị trường tín dụng khi Chính phủ bán USD cho dân chúng để thực hiện chính sách xóa bỏ chế độ hai tỷ giá, do một lượng lớn tiền đồng phải thu về. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lớn hiện nay. Sau một năm sử dụng các biện pháp nới lỏng tín dụng, việc đưa tín dụng về mức bình thường là một việc làm cần thiết. Hơn nữa, lượng tiền đồng thu về thông qua việc bán USD ra thị trường sẽ không nhiều lắm so với tổng lượng tín dụng cung cấp ra thị trường hàng năm.
Môi trường kinh tế vĩ mô chỉ ổn định khi đồng tiền của nền kinh tế có giá trị – một đồng tiền được dân tin tưởng làm phương tiện thanh toán, tiết kiệm, và tính toán kinh tế. Việc xóa bỏ chính sách hai tỷ giá là một việc trước sau cũng phải làm để đạt được mục đích này. Chính phủ có lẽ cần tuyên bố rõ ràng với dân chúng lịch trình, chẳng hạn 3 tháng, để xóa bỏ cơ chế này. Một khi dân chúng có thông tin đầy đủ và chắc chắn vào chủ trương của Chính phủ, tình trạng căng thẳng ngoại hối có thể sẽ giảm đi đáng kể, khiến cho chi phí thực cho chính sách xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá còn rất thấp.
(Theo SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com