Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Căng thẳng tỷ giá cuối năm: Nguy cơ hiện hữu

Theo các chuyên gia ngân hàng, tỷ giá hối đoái ổn định hiện nay không mang tính bền vững và có nhiều nguy cơ bùng phát căng thẳng vào cuối năm.

Sau các hành động quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), áp lực tỷ giá hối đoái đã giảm mạnh sau giai đoạn căng thẳng 2 tháng đầu năm 2011. Cụ thể, tỷ giá thị trường tự do sau khi lập đỉnh 22.500 VND/USD vào ngày 21/2 đã liên tục giảm và xoay quanh tỷ giá chính thức với mức chênh lệch rất nhỏ (± 0,5%).

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, tỷ giá hối đoái ổn định hiện nay không mang tính bền vững và có nhiều nguy cơ bùng phát căng thẳng vào cuối năm.

Nhập siêu tiếp tục tăng cao. Tính đến tháng 6, nhập siêu ước khoảng 6,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ, trong đó, nhập siêu 4 tháng liên tiếp trước đó đều vượt con số 1 tỷ USD. Mặc dù hoạt động tái xuất vàng trong tháng 6 tăng mạnh đã đóng góp hơn 600 triệu USD khiến tỷ lệ nhập siêu giảm nhưng dấu hiệu cải thiện mang tính bền vững không sắc nét.

Trong khi đó, các nguồn ngoại tệ để bù đắp cho cán cân thương mại như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) có xu hướng giảm so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 5,66 tỷ USD, bằng 56,7% so với cùng kỳ 2010. Theo các số liệu mới công bố 6 tháng đầu năm, FII cũng giảm rất mạnh khi FII tính chung 6 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt gần 400 triệu USD, thấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng kiều hối cũng giảm mạnh, ước tính chưa đến 2 tỷ USD trong quý II/2011 so với gần 2,5 tỷ USD trong quý I/2011.

Lạm phát cao cũng tạo nhiều áp lực đến tỷ giá. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,09%, thấp hơn so với tháng trước, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, CPI đã tăng tới 13,29%. Đặc biệt, tính theo năm thì lạm phát trong tháng 6 lên tới 20,2%, mức tăng theo năm cao nhất trong vòng 27 tháng qua. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, chỉ số CPI tính theo năm dự kiến sẽ còn ở mức cao 21 - 22% trong tháng 7 - 8, và chỉ có thể bắt đầu giảm từ tháng 9. Chính phủ cũng đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm nay lên 17%. Song theo nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu này cũng đòi hỏi một nỗ lực rất lớn.

Đặc biệt, theo một chuyên gia có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, VND còn bị đánh giá quá cao so với USD. Nguyên nhân của vấn đề này là do mức chênh lệch lớn về lạm phát của Việt Nam so với Mỹ và liên tục trong nhiều năm qua. Điều này tạo ra sức ép rất lớn đối với kỳ vọng tăng tỷ giá.

Không chỉ những bất ổn về vĩ mô mà áp lực lên tỷ giá còn đến từ những yếu kém của hệ thống ngân hàng, nhất là sự mất cân đối về cơ cấu tín dụng, về cơ cấu nguồn vốn. Tín dụng ngoại tệ tăng rất nhanh do chênh lệch lãi suất cho vay VND và USD. Theo NHNN, tính đến 20/6, tín dụng ngoại tệ tăng 2,43% so với tháng trước và tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010. Cụ thể, tín dụng ngoại tệ tăng khoảng 85.000 tỷ đồng (quy đổi từ USD ra VND) và tăng rất nhanh so với tín dụng VND. Chính tín dụng ngoại tệ tăng nhanh đã làm tăng nguồn cung ngoại tệ khi các DN vay ngoại tệ bán lại lấy VND, khiến tỷ giá thời gian qua có xu hướng giảm.

Song theo các chuyên gia, đây chỉ là cung ảo và cung ảo này sẽ biến thành cầu thực khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm. Áp lực lại càng lớn hơn khi nguồn vốn ngoại tệ không tăng kịp với tốc độ tăng tín dụng. Theo NHNN, tính đến 20/6, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,62% so với cuối tháng trước và chỉ tăng 8,94% so với cuối năm 2010.

Mặc dù NHNN đã ban hành thông tư yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng bắt đầu từ ngày 1/7 nhưng theo ghi nhận của ĐTCK, lượng ngoại tệ các ngân hàng mua được tính đến giữa tháng 7 không được như dự đoán. Điều này khiến các NHTM lo ngại nguồn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân sẽ bị giảm đáng kể, đặc biệt là vào dịp cuối năm khi nhu cầu thanh toán tăng cao.

Đó là những vấn đề mà các nhà quản lý cần phải tính kỹ để không lặp lại sai lầm như đã từng diễn ra trong năm 2010.

Tác giả: Hồng Dung // Theo ĐTCK
---------------------------------------------------------

Giá vàng tăng có thể gây bất ổn cho tỷ giá
 

Giá vàng trong nước cuối tuần qua đã tăng mạnh và giữ ở mức trên 39 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân của đợt tăng giá lần này chủ yếu bắt nguồn từ việc giá vàng thế giới leo thang.

Kết thúc phiên giao dịch 15.7 tại thị trường New York, giá vàng giao tháng 8 tăng hơn 3,2% so với đầu tuần, đạt mức 1.590,10 USD/ounce. Bất cứ khi nào giá vàng tăng mạnh, nỗi lo lắng về tỷ giá lại được thị trường quan tâm.

Khủng hoảng nợ kéo giá vàng thế giới đi lên

Khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày một lan rộng. Lần lượt Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Fitch, Moody's và S&P hạ bậc tín nhiệm và phải xin giải cứu từ IMF và ECB. Hy Lạp thậm chí còn bị Fitch hạ xuống mức CCC, chỉ trên mức phá sản ba bậc.

Người dân có vàng đang tranh thủ giá tăng để bán kiếm lãi. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: L.Q.N

Đặc biệt, trong cùng tuần, kết quả cuộc kiểm tra tính thanh khoản của các ngân hàng châu Âu cho thấy đã có tới tám ngân hàng thiếu hụt khoản tiền 2,5 tỉ EUR để đạt mức quy định. 16 ngân hàng khác có tỷ lệ an toàn vốn dưới 6% - nhiều hơn không đáng kể mức chuẩn 5%.

Nước Mỹ cũng đối diện với nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật. Tính đến hết tháng 6.2011, con số nợ của Chính phủ Mỹ đã lên tới 14.460 tỉ USD, tương đương 98,6% GDP năm 2010 và vượt xa mức trần nợ 14.294 tỉ USD được quốc hội phê chuẩn từ tháng 2.2010. Quốc hội Mỹ đang bế tắc trong việc xem xét nới trần nợ, trước khi nước này bị coi là vỡ nợ kể từ 1.8 tới. Fed đang bị chia rẽ về việc có gói giải cứu thứ ba. Nếu trần nợ được nới và Fed bơm thêm USD ra thì giá vàng sẽ lại có thêm sức tăng giá do cung tiền đẩy lạm phát lên cao.

Trong khi đó, các quốc gia mới nổi lại phải đối diện với lạm phát.

Do vậy, vàng tiếp tục được ưa chuộng và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao. Nhiều tổ chức đầu tư vẫn mua vàng với số lượng lớn. SPDR, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã mua 20 tấn vàng trong ngày 12.7 và gần 11 tấn vàng trong ngày 15.7, dấu hiệu cho thấy nhu cầu sẽ còn gia tăng đối với hàng hoá kim loại quý này.

Giá vàng trong nước tăng theo

Trong một thời gian dài gần bốn tháng, giá vàng SJC chỉ dao động trong khoảng 37 - 38 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đà tăng vượt mức đỉnh cũ của giá vàng thế giới vào đầu tuần trước lên mức 1.550 USD/ounce, đã khiến giá vàng trong nước tăng mạnh và vượt qua mức đỉnh cũ 38,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng thêm gần 40 USD/ounce trong tuần đã kéo giá vàng SJC bán ra giữ ở mức trên 39 triệu vào cuối tuần.

Giá vàng trong nước tăng mạnh khiến cho một bộ phận nhà đầu tư chốt lời. Tuy nhiên sau khi vượt qua ngưỡng 38,5 triệu/lượng thì số lượng bán đã chững lại. Nếu như giá vàng thế giới tăng mạnh tiếp lên 1.700 USD/ounce như dự báo của giới chuyên gia thì nhu cầu mua vàng trong nước trong thời gian tới sẽ tăng trở lại, đặc biệt khi việc nắm giữ vàng của người dân sẽ không bị hạn chế theo dự thảo thông tư quản lý và kinh doanh vàng. Không những vậy, hiện còn ba ngân hàng thương mại (NHTM) trước đây lỡ dùng vàng huy động được chuyển đổi thành tiền đồng để cho vay, đáng lẽ phải tất toán hết trạng thái trước 30.6.2011 theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Việc các NHTM này buộc phải mua vàng vào trong thời gian tới sẽ khiến nhu cầu vàng vật chất trong nước tăng.

Vàng tăng giá liệu có gây bất ổn cho tỷ giá?

Việc điều hành giá vàng có tính hành chính trong thời gian qua đã khiến cho giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ít có mối liên thông chặt chẽ với nhau. Có những thời điểm như cuối năm 2010 - đầu năm 2011, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp thi nhau gửi đơn xin nhập khẩu vàng lên NHNN để được cấp phép làm ảnh hưởng lớn đến tỷ giá USD/VND. Bởi để có thể nhập khẩu vàng, các doanh nghiệp này phải mua được ngoại tệ trên thị trường và làm tăng sức ép lên tỷ giá. Tỷ giá tăng mạnh trong tháng 2.2011 cũng có một phần nguyên nhân là do giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh trong thời gian này.

Tuy nhiên, những thời điểm như hiện nay, khi mà giá vàng thế giới quy đổi cao hơn so với giá vàng trong nước, các doanh nghiệp lại xuất khẩu vàng dưới hình thức nữ trang làm cho nguồn cung vàng trong nước bị sụt giảm mạnh. Theo tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của nhóm hàng đá quý và kim loại quý đạt hơn 1 tỉ USD, trong đó, riêng tháng 5 và tháng 6.2011, giá trị xuất khẩu đạt 872 triệu USD nhờ giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới từ 200.000 - 500.000 đồng/lượng.

Nguồn cung trong nước bị thiếu hụt trong khi nhu cầu vàng lại có xu hướng gia tăng trở lại do nhu cầu nữ trang mùa cưới và áp lực lạm phát trong nước vẫn còn lớn vào cuối năm. Hơn nữa, giá vàng trong nước không chỉ gắn liền với giá vàng thế giới mà còn gắn liền với tỷ giá USD/VND. Nếu tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới (có khả năng xảy ra vào cuối năm vì áp lực nhập siêu) thì giá vàng sẽ chịu ảnh hưởng bởi đà tăng kép. Trong khi đó, nếu nhu cầu mua vàng tăng cao trong khi nguồn cung vàng trong nước giảm mạnh do xuất khẩu nhiều trong thời gian vừa qua thì sẽ dẫn tới áp lực mua ngoại tệ để nhập khẩu vàng (cũng sẽ khiến tỷ giá tăng).

Do vậy, NHNN nên quan tâm tới việc điều hành giá vàng trong nước và tỷ giá một cách linh hoạt để có thể tránh được những biến động lớn và đột ngột của giá vàng và tỷ giá.

Theo SGTT

 

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!