Trong khi căng thẳng chính trị hai bên lên cao do Washington đón tiếp Dalai Lama và bán vũ khí cho Đài Loan, giới chức Mỹ cho rằng nước này cần gia tăng sức ép với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế - cụ thể là tỷ giá nhân dân tệ và đồng đôla.
Dưới đây là phân tích của tờ Wall Street Journal về bất đồng kinh tế giữa hai cường quốc.
![]() |
Những tờ nhân dân tệ và USD có mệnh giá 100. Ảnh minh họa của Corbis. |
Các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton với Dalai Lama - người mà Bắc Kinh cho là theo đuổi đường lối ly khai cho Tây Tạng - diễn ra tuần vừa rồi. Không lâu trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bán lượng vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho đảo Đài Loan. Bắc Kinh và Washington còn mâu thuẫn về các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Tehran.
Nhưng với các quan chức Mỹ, mối quan ngại lớn nhất không phải căng thẳng chính trị là mà kinh tế, tỷ giá. Ông Obama và các phụ tá cho rằng tiền tệ Trung Quốc đang bị định giá quá thấp. Giá thấp khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ một cách giả tạo khi quy ra các tiền tệ khác, khiến cho Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, và cướp đi việc làm của người Mỹ.
Cũng trên mặt trận kinh tế, các quan chức Mỹ đã nhận thấy những lời phàn nàn ngày càng nhiều và rõ ràng từ các công ty đa quốc gia của Mỹ, về thứ mà họ cho là xu hướng bảo hộ ngày càng tăng ở Trung Quốc. Nhiều năm qua, những công ty này đã đóng vai trò như các ballast điện, giúp ổn định mối quan hệ song phương Mỹ - Trung.
"Chúng tôi hy vọng Trung Quốc có hành động để lập lại cân bằng thương mại toàn cầu", một quan chức Nhà Trắng nói. Nếu Bắc Kinh không ra tay, thì "Mỹ sẽ chịu sức ép đáp trả ngày càng lớn".
"Chúng tôi đang chịu mức thất nghiệp tới 10%, trong khi Trung Quốc hưởng thụ thặng dư thương mại khổng lồ nhờ đồng nhân dân tệ giá thấp - điều đó thật khó mà chịu đựng", Kenneth Lieberthal, cựu quan chức chính quyền Clinton, hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Brookings của Mỹ, nói.
Giới chức cũng như các nhà phân tích đều cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng như các lợi ích chiến lược chung của hai quốc gia - như trong vấn đề Triều Tiên - sẽ là nền tảng để hai bên duy trì mối quan hệ ở mức tương đối hợp tác. Bằng chứng là 5 tàu chiến của Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Nimitz, đã cập cảng Hong Kong hôm thứ tư để nghỉ ngơi 4 ngày.
Thế nhưng, rất nhiều thành tố trong mối quan hệ quan trọng nhất thế giới này đang bị thử thách. Giá trị của đồng nhân dân tệ vốn từ lâu đã là điều khó chịu trong chính giới cũng như các doanh nhân Mỹ, giờ đây trở thành vấn đề nóng bỏng bởi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên cao, còn Trung Quốc lại đang cán những đích mới về tăng trưởng kinh tế.
Trong cuộc gặp các thượng nghị sĩ Dân chủ mới đây, Obama thề sẽ "cứng rắn hơn nhiều" trong chuyện kinh tế với Trung Quốc, trong đó có chuyện tỷ giá, nhằm đảm bảo rằng hàng hóa của Mỹ không bị thua thiệt.
Sự thử thách lớn nhất sẽ diễn ra vào tháng tư này, khi Mỹ quyết định liệu có gắn mác "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc hay không.
Nếu có, hành động này, về mặt kỹ thuật, không kèm theo biện pháp trừng phạt nào chống Trung Quốc. Nhưng bởi nó hiếm khi xảy ra - chưa có nước nào bị Mỹ kết luận như vậy kể từ năm 1994 - nó sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ; đồng thời giúp cho quốc hội Mỹ có thêm công cụ để gây sức ép vafd dưa ra các biện pháp cụ thể với Trung Quốc.
Nicholas Lardy, một học giả về Trung Quốc làm việc ở Petersen Institute for International Economics, cho rằng đồng nhân dân tệ "bị định giá thấp khoảng 25%, và có thể đến 30%" so với tiền tệ của các đối tác thương mại.
Trung Quốc bắt đầu nới lỏng tỷ giá tệ theo hướng tăng dần so với đôla Mỹ kể từ năm 2005, sau nhiều năm giữ giá cố định. Cho đến năm 2008, tệ tăng 21% và Bắc Kinh cho dừng tăng.
Nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay cho là Bắc Kinh có thể phần nào nới lỏng tỷ giá tệ một lần nữa do lo ngại nền kinh tế được kích cầu hiện nay của Trung Quốc có thể biến thành quá nóng và gây ra lạm phát. Nếu nhân dân tệ mạnh lên, giá hàng hóa nhập vào nước này sẽ giảm và vì thế tăng sức mua hàng ngoại của người Trung Quốc. Tệ mạnh cũng sẽ làm giảm xuất khẩu và điều tiết nền kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, nếu sức ép từ bên ngoài quá lớn có thể gây tác dụng ngược, khiến Bắc Kinh trở nên không khoan nhượng về tỷ giá - bởi đây là vấn đề mà Trung Quốc khẳng định chỉ là công việc nội bộ của nước này.
"Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ định giá lại nhân dân tệ trước tháng 4, cho dù Mỹ có dán mác cho Trung Quốc là thao túng tỷ giá hay không", Ji Zhu, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bắc Kinh, dự đoán. "Nước này sẽ không bị đẩy vào thế bắt buộc phải ra quyết định chỉ vì sức ép của Mỹ".
(Theo Thanh Mai // Vn Express)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com