Dùng ngoại tệ để ra nước ngoài học tập, du lịch, chữa bệnh… là nhu cầu chính đáng của người dân và được pháp luật bảo hộ. |
Dùng ngoại tệ ra nước ngoài học tập, du lịch, chữa bệnh là nhu cầu chính đáng của người dân. Nên chăng cần có cái nhìn công bằng hơn, thay vì tính “siết” như một số ý kiến khi bàn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối?
Dự kiến trong tháng này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng vừa tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, nhà làm luật để góp ý cho nội dung này.
Tại cuộc tọa đàm mới đây, chuyên gia kinh tế, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch có đưa ra so sánh: hàng năm, hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam phải ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mới xuất khẩu được vài tỷ USD mang về cho đất nước; trong khi đó, số ngoại tệ chảy ra nước ngoài để đi học, chữa bệnh, du lịch, mua nhà... cũng tương đương.
Và ông nêu quan điểm: “Chảy máu ngoại tệ đang là vấn đề rất lớn. Do vậy, phải quản lý ngoại hối như là vấn đề liên quan đến cán cân quốc gia, không thể dễ dàng tự do hóa trong giai đoạn hiện nay”.
Về vấn đề tự do hóa các giao dịch vãng lai như ý kiến trên, có một yếu tố lịch sử cần điểm lại.
Ngày 18/10/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Nghị định số 131/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý ngoại hối. Nội dung nghị định này chỉ gói gọn trong hai trang giấy, song lại mở ra những thay đổi lớn và có phạm vi điều chỉnh rộng: tự do hóa giao dịch vãng lai.
Theo đó, trên lãnh thổ Việt Nam, các khoản thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai được tự do thực hiện không phải xuất trình giấy tờ. Người cư trú là công dân Việt Nam được quyền mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để sử dụng cho các nhu cầu hợp pháp như du lịch, học tập, chữa bệnh, trợ cấp khó khăn, thừa kế và định cư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước mà không phải xin phép cơ quan này.
Bên cạnh vai trò của một văn bản pháp lý, Nghị định 131 còn có một sứ mệnh lịch sử tại thời điểm đó.
Tám năm về trước, Việt Nam bước vào những phiên đàm phán căng thẳng, chuẩn bị cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Yêu cầu tự do hóa các giao dịch vãng lai là một nội dung quan trọng, đúng hơn là một tiêu chuẩn cần đáp ứng.
Nghị định 131 cụ thể hóa yêu cầu đó, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về quản lý ngoại hối, và quan trọng hơn là để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận Việt Nam đã đạt điều khoản VIII trong điều lệ của IMF về tự do hóa các giao dịch vãng lai. Đây cũng chính là một điều kiện quan trọng khi gia nhập vào WTO.
Đến nay, những chuẩn mực quốc tế và điều khoản liên quan đó không thay đổi. Tự mình thay đổi, tính “siết” lại như ý kiến của một số chuyên gia nói trên có “đi ngược lịch sử” hay không, có phá vỡ cam kết quốc tế hay không? Hẳn các nhà làm luật nắm rõ câu trả lời.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung luật, ở đây còn có yếu tố bên lề là góc nhìn xã hội. Dùng ngoại tệ để ra nước ngoài học tập, du lịch, chữa bệnh… là nhu cầu chính đáng của người dân và được pháp luật bảo hộ. Nên chăng, thay vì tính “siết” thì cần hướng đến góc nhìn về mức độ đáp ứng trong nước như thế nào, và vì sao người dân lại có những nhu cầu đó?
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com