Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều hành tỷ giá: Đâu phải cứ bấm nút mà được!

Điều hành tỷ giá đòi hỏi tài lèo lái của phi hành đoàn, chứ đâu chỉ đơn giản bấm nút bay tự động là có ổn định.

Đúng như nhiều cảnh báo trước đó, gói hỗ trợ bù lãi suất 4% có tác dụng phụ làm méo mó thị trường tiền tệ và tỷ giá. Những biến động mạnh trong tỷ giá cuối năm 2009 có lẽ có không ít sự đóng góp của chính sách bù lãi suất. Nhưng quan trọng hơn cả là những gì ẩn khuất đằng sau câu chuyện tỷ giá.

Còn nhớ vào những tháng đầu năm 2008, một số quan chức lúc bấy giờ đã phát đi tín hiệu đồng Việt Nam cần phải lên giá so với đô la để chống lạm phát. Nhưng liền ngay sau đó, tình thế đã đổi chiều quá nhanh, tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam cứ tăng liên tục.

Việc tỷ giá đảo chiều như thế hoàn toàn phù hợp với thực tế lúc đó. Lúc bấy giờ ngoài việc nhập siêu gia tăng quá nhanh, rất nhiều dự báo cho thấy lạm phát dự kiến cả năm 2008 hoàn toàn có thể vượt con số 20%. Nhập siêu tăng mạnh làm cho cầu đô la tăng cao và lạm phát trong nước cao hơn rất nhiều so với lạm phát ở các nước mà Việt Nam có quan hệ mậu dịch, nhất là so với Mỹ, thì kỳ vọng đồng Việt Nam mất giá so với đô la là điều hiển nhiên. Thế mà các quan chức lại đưa ra tín hiệu ngược lại? Và thực tế cho thấy đây là một cú phát tín hiệu sai 100%.

Điều này một lần nữa cho thấy chúng ta luôn quan niệm nền kinh tế như một cỗ máy đẻ trứng vàng. Muốn chống lạm phát? Thật đơn giản. Hãy giảm tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam. Kết quả có ngay: giá nhập khẩu giảm và lạm phát dịu đi.

Và sai lầm của năm 2008 được lặp lại vào năm 2009 với việc các quan chức liên tục tuyên bố không phá giá tiền đồng. Nhưng vào cuối năm tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam lại được điều chỉnh quá mạnh. Vậy thì có thể lý giải gì đây?

Ba cách lý giải dưới đây có thể góp thêm góc nhìn vào cách thức điều hành tỷ giá thời gian qua và có thể cả trong tương lai.

Thứ nhất, những nhà làm chính sách quan niệm ổn định được tỷ giá sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cách hiểu này không sai. Cái sai ở đây là quá cứng nhắc trong điều hành. Ổn định tỷ giá gần như là nhiệm vụ bất khả thi trong bối cảnh nhập siêu tăng mạnh; dòng vốn nước ngoài giảm sút; lạm phát kỳ vọng cao so với các nước; giá vàng trong nước gần như cách ly với giá thế giới; hiện tượng đô la hóa khiến cho chỉ cần một vụ mua bán vài triệu đô la trên thị trường tự do cũng khiến cho tỷ giá biến động thất thường, và tất nhiên tỷ giá méo mó thời gian qua còn đến từ hiệu ứng bù lãi suất.

Thứ hai, điều hành tỷ giá theo lẽ thường là công việc của ngân hàng trung ương, nhưng ở nước ta điều hành tỷ giá lại chịu sức ép từ các yếu tố khác. Điều này khiến cho những tín hiệu phát đi từ các quan chức chính phủ liên tục sai lệch so với thực tế thị trường và diễn biến kinh tế vĩ mô.

Và thứ ba, có thể thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn quá lúng túng trong việc điều hành tỷ giá. Động thái tăng tỷ giá lên 5%, thu hẹp biên độ tỷ giá, và yêu cầu các tập đoàn kinh tế nhà nước bán đô la cho NHNN để can thiệp vào thị trường ngoại hối là những cách thức phản ứng thích hợp thay cho triết lý can thiệp trấn an như thường lệ.

Trên đường sang châu Á dự hội nghị APEC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ tuyên bố với thế giới về việc Mỹ luôn nhất quán theo đuổi chính sách đồng đô la mạnh. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nước ngoài lại bình luận đằng sau cánh cửa đóng, những nhà làm chính sách Mỹ, trong đó có cả ông Bộ trưởng Tài chính, ắt hẳn rất hài lòng với việc đồng đô la liên tục mất giá. Đồng đô la mất giá vừa tương thích với chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng vừa góp phần làm cho hàng hóa Mỹ tăng thêm sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Còn ở Việt Nam, khi những nhà làm chính sách liên tục tuyên bố không phá giá tiền đồng, thì điều trớ trêu là tuyên bố như thế lại không tương thích với chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng.

Và cũng đằng sau cánh cửa đóng, rất tiếc, không phải những nhà làm chính sách hài lòng mà lại là một số tập đoàn kinh tế nhà nước găm giữ hàng tỉ đô la mới là những người vui sướng nhất. Họ quá hiểu vì sao mình phải găm giữ đô la cho dù Nhà nước tuyên bố không phá giá tiền đồng. Bây giờ chỉ cần bán đô la lại cho Nhà nước với mức tỷ giá mới, vừa lợi vừa được tiếng.

Điều hành tỷ giá đòi hỏi tài lèo lái của phi hành đoàn, chứ đâu chỉ đơn giản bấm nút bay tự động là có ổn định.

(Theo GS.TS. Trần Ngọc Thơ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • FDIC bán 1 tỷ USD trong các khoản vay nợ
  • Trung Quốc bắt đầu quá trình tăng lãi suất
  • Châu Á mạnh tay chống lại “tiền nóng”
  • Đồng USD có thể tăng lên trong năm 2010
  • Tân bộ trưởng tài chính Nhật Bản ủng hộ đồng Yên yếu
  • Sẽ xử lý nghiêm việc niêm yết giá bằng ngoại tệ
  • Bản tin thị trường ngoại hối ngày 08/1/2010
  • Lãi suất cho vay (VND) đầu tư và xuất khẩu là 9,6%/năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!