Từ quí 1/2009, kinh tế thế giới bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng, nhưng tốc độ phục hồi không vững chắc, USD sụt giảm mạnh, buộc các ngân hàng trung ương (NHTW) tại nhiều nước phải xem xét điều chỉnh cơ cấu dự trữ quốc gia theo hướng giảm tỉ trọng USD, tăng tỉ trọng vàng, euro và một số loại tiền chủ chốt. Để có thể xác định vị thế tương lai của USD, cần nhìn lại giá trị của nó so với những đồng tiền khác trên thế giới.
Trước sự mất giá của USD, một số NHTW đã chuyển sang đồng tiền khác làm dự trữ thay thế, nhất là vàng, điều này giải thích một phần nguyên nhân đẩy giá vàng tăng mạnh trong năm qua. Trong đó, Đài Loan (nền kinh tế có dự trữ lớn thứ tư) đang cân nhắc mua thêm vàng, Ấn Độ đã mua trên 400 tấn vàng từ IMF. Đối với Trung Quốc, ngoài việc mua thêm vàng dự trữ thì NHTW vẫn duy trì đồng nhân dân tệ yếu và coi USD là đồng tiền chính.
Tuy nhiên, nhiều NHTW các nước châu Á đã tiến hành can thiệp mua USD vào nhằm duy trì ổn định tỉ giá và phòng ngừa rủi ro suy thoái kép, giảm thiểu thương tổn đối với xuất khẩu và tăng trưởng, nếu bản tệ tăng mạnh và kinh tế Mỹ phục hồi chậm thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong số các nước mua USD vào có Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Philipin. Ngoài ra, NHTW Nga cũng đã can thiệp mua 4 tỉ USD, chưa kể 1,4 tỉ USD mua từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
Trong 2 tháng cuối năm, khi kinh tế Mỹ phục hồi mạnh, USD tăng trở lại so với yên Nhật do đồn đoán là Fed sẽ cắt giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế, đồng yên cũng giảm mạnh so với đô la Australian và New Zealand. Tuy nhiên, yên Nhật lại tăng so với những đối tác chủ yếu do sự tụt hạng của các ngân hàng Dubai và đồng yên trở thành nơi ẩn náu an toàn. USD tăng so với yên Nhật là tín hiệu cảm nhận về triển vọng kinh tế Mỹ, nhu cầu USD của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng lên trong những ngày cuối năm, dữ liệu kinh tế sáng sủa tại Mỹ trong tháng qua cũng làm cho nhiều dự báo phải điều chỉnh và nâng giá USD sau 14 năm giảm thấp so với yên Nhật. Kết thúc năm 2009, USD tăng hơn 1,7% so với yên Nhật lên 92,43 yên sau khi giảm mạnh 19% trong năm 2008, mức cao nhất kể từ tháng 9 vừa qua, khi đó một số nhà môi giới đã mua với giá đỉnh điểm 92,33 yên. Các nhà kinh doanh cho rằng, một khi thị trường có cảm nhận mạnh hơn về chiến lược rút lui của Fed, đồng yên có thể được ưa chuộng để tài trợ cho việc mua tài sản sinh lời cao hơn.
Trong tháng 12, USD tăng giá 4,8% so với euro sau báo cáo về sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp Mỹ. Như vậy, USD chỉ giảm 2,5% trong năm 2009 sau khi giảm trên 4% trong năm 2008 và giảm 30% trong thập kỷ qua.
So với USD, đồng peso của Argentina giảm liên tục từ tháng 3/2009 do đồn đoán là NHTW Argentina tìm cách hạ giá bản tệ sau khi đã mua USD. Như vậy, so với USD, đồng peso đã mất giá 9,7% trong năm 2009 và 74% kể từ năm 2002 sau khi chính phủ xóa bỏ chế độ neo tỉ giá 1:1 so với USD, mức giảm tồi tệ nhất trong số 26 nền kinh tế mới nổi.
Ngược lại, đồng peso Chi lê tăng 25,8% so với USD trong năm 2009, chỉ đứng sau đồng real Brazil, đồng tiền này đã tăng 4,2% trong thập kỷ qua. Do bản tệ tăng giá, Bộ Tài chính Chi lê dự kiến sẽ bán 3 tỉ USD trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2010 để thu bản tệ. Trong vòng 2-5 năm tới, kế hoạch này sẽ bán các khoản nợ đáo hạn sau 5, 10, 20 và 30 năm tới. Hàng tháng, NHTW sẽ tiến hành đấu giá khoảng 206 triệu USD để thực hiện kế hoạch này. Tương tự, đồng peso Colombia tăng 10,1% trong năm 2009, nghĩa là chỉ giảm 8,3% so với USD trong 10 năm qua.
USD thay đổi rất ít so với đồng sol Peru và bolivar Venezuela. Cụ thể là, đồng sol tăng 8,6% trong năm 2009 và 21,5% trong thập kỷ qua; đồng bolivar không tăng trong năm 2009 trên thị trường tự do và đứng ở mức khoảng 5,5 bolivar/đô la, trong khi tỉ giá chính thức là 2,15 bolivar do chính phủ bắt đầu thực hiện công bố tỉ giá chính thức kể từ tháng 2/2003 và cấm giao dịch tự do, buộc người dân phải mua trên thị trường phi chính thức.
Tại Mêhico, mặc dù lo ngại lạm phát bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu tháng 12, đồng peso vẫn tăng 5,2% trong năm 2009, nhưng giảm 26,9% trong thập kỷ qua. Tại quốc gia này, giá trái phiếu tăng mạnh nhất trong 2 tháng cuối năm do lo ngại gia tăng lạm phát, thúc đẩy các nhà đầu tư mua tài sản có thu nhập cố định, sau khi chính phủ tăng giá xăng đến 2 lần trong tháng 12. Chính phủ cũng thông qua quyết định tăng thêm 2% thuế thu nhập cá nhân lên 30% đối với những tập đoàn hàng đầu và đối tượng có thu nhập cao, tăng thuế tiền gửi ngân hàng và thuế giá trị gia tăng thêm 1% lên 16% do sản lượng dầu giảm sút và suy thoái trầm trọng nhất kể từ những năm 1930.
Như vậy, trong thập kỷ qua, USD đã xuống giá dần và giảm mạnh nhất trong năm 2008, nhưng năm 2009 đã tăng trở lại nhờ kinh tế Mỹ phục hồi tương đối vững chắc, do đó USD vẫn là đồng tiền chủ chốt trong nhiều năm tới.
(svb)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com