Đồng USD tiếp tục có một ngày tăng giá so với hầu hết các đối thủ trên thị trường sau khi bài phát biểu của chủ tịch FED củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về sự chắc chắn của chính sách tiền tệ. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã cho biết, thị trường lao động yếu và lạm phát ở mức thấp sẽ cho phép FED tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Ben Bernanke cũng cho biết, Hội đồng Thị trường mở Liên bang sẽ tiếp tục có biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ với các chương trình kích thích thị trường khi cần thiết. “Chúng tôi tin tưởng rằng, chúng tôi có các công cụ cần thiết để giữ vững lập trường chính sách tiền tệ”, ông Ben Bernanke nói.
Ngoài các vấn đề nêu trên, ông Bernanke cũng lần lượt trả lời Quốc hội Mỹ về các vấn đề giải quyết thâm hụt ngân sách; khả năng định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Mỹ bị tụt hạng; bất động sản thương mại; nợ công ở Hy Lạp và Liên minh châu Âu; chương trình mua chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản (MBS); kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách; tương lai của hai tập đoàn Fannie Mae và Freddie Mac… Sau bài phát biểu của Chủ tịch FED, phố Wall đã có phiên tăng điểm ấn tượng với sự bứt phá của khối tài chính ngân hàng.
“Họ vẫn chưa vội vàng chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ. Họ vẫn chưa sẵn sàng để kết luận nước Mỹ đang ở giai đoạn phục hồi ổn định với mức tăng trưởng tốt và khả năng tạo việc làm.” (trích phát biểu của Jim O’Sullivan – trưởng nhóm chuyên viên kinh tế toàn cầu của MF Global Ltd. ở New York)
Hôm thứ Tư, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán nhà mới trong tháng 1/2010 đã giảm 11,2% xuống 309.000 căn (tính theo 12 tháng), từ mức 348.000 căn trong tháng 12/2009. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà mới đã giảm 6,1%. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết, giá trung bình một căn nhà mới đã giảm 5,6% trong tháng 1/2010 xuống 203.500 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003. So với tháng 1/2009, giá một căn nhà trung bình giảm 2,4%.
Một số thông tin quan trọng của khu vực châu Âu sẽ được công bố trong ngày trong khi nước Mỹ chỉ có số liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tính đến ngày 20/2 và số đơn đặt hàng lâu bền tháng 1. Tuy nhiên những thong tin này không mấy ảnh hưởng đến diễn biến trên thị trường ngoại hối. Sự hứng khởi của giới đầu tư trong những ngày trước có khả năng sẽ khiến đà tăng giá của đồng bạc xanh bị chững lại trong ngày hôm nay.
2. Giá vàng giảm ngày thứ 3 liên tiếp sau phiên điều trần của Bernanke. Vàng tiếp nối chuỗi ngày giảm giá sau khi tin từ cuộc điều trần của ngài chủ tịch FED, ông Ben Bernanke đến với thị trường.
Đón nhận thông tin trên, nhiều nhà phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở dự báo lãi suất đồng USD của mình, vì “Fed chưa tăng lãi suất ngay bây giờ, nhưng sớm muộn gì theo 1 cách thức nào đó, lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng…họ có rất nhiều công cụ để thực hiện dự định của mình”, ông George Gero tại RBC Capital Markets nói.
Lãi suất đồng USD nếu tăng lên sẽ dẫn đến chi phí vay vốn đầu tư vào các hàng hóa, tài sản như vàng trở nên cao hơn. Việc Fed ra tay hạ nhiệt lạm phát thông qua công cụ lãi suất sẽ ít nhiều làm giảm đi vai trò của vàng như loại tài sản bảo toàn giá trị trong điều kiện đồng tiền mất giá.
Tuy nhiên, không quá đề cao mức độ ảnh hưởng của những lời phát biểu từ ngài Bernanke đến thị trường vàng, ông Jim Steels, nhà phân tích kim loại quý tại HSBC nói “theo tôi, những điều này tác động trung lập đến xu hướng dịch chuyển của thị trường”.
Theo các nhà phân tích, mang tính dẫn dắt thị trường vàng đi xuống là thông tin về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sắp bán ra một lượng lớn vàng trong kho dự trữ của mình.
3. EUR phục hồi nhờ tin tức mới ở Hy Lạp và quyết định giữ nguyên lãi suất cho FED. Hôm qua Hy Lạp đã gửi thông tin về giao dịch hoán đổi theo yêu cầu của Eurostat và theo văn phòng thống kê của Liên Minh châu âu, Hy Lạp không thông báo cho EU về hợp đồng hoán đổi năm 2001. Vậy là đã có những tín hiệu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp, dù vậy hiện các cơ quan đánh giá có thể hạ cấp của Hy Lạp xếp hạng một lần nữa, vì họ vẫn chưa hài lòng về cách giải quyết những vấn đề nợ nần của nước này. Tuy vậy, đơn đặt hàng công nghiệp khu vực Châu Âu tăng 0.8% so với tháng 11- một tin vui cho lĩnh vực sản xuất- tăng tháng thứ 2 liên tiếp chủ yếu đối với hàng tiêu dùng như máy móc và thiết bị. Hơn nữa, việc rớt giá liên tục khi EUR giảm giá 9.6% so với USD trong 3 tháng đã tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong thời điểm kinh tế dần hồi phục. Thêm nữa, quyết định giữ nguyên lãi suất của FED trở thành tin vui ủng hộ cho đồng EUR tăng giá so với USD, ghi thêm 20 điểm so với đầu ngày lên mức 1.3542 điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, kết quả GDP quý 4 của Đức không thay đổi vẫn ở mức 0% cho thấy nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Âu tiếp tục trì trệ, chủ yếu là do sự sụt giảm của tiêu dùng và chi tiêu chính phủ. Thêm vào đó, sự sụt giảm trong các chỉ số phủ them sắc màu u ám cho tình hình kinh tế khu vực. Những số liệu khiến đồng EUR không thể duy trì được lâu ưu thế của nó so với đồng USD.
Con số việc làm của Đức sẽ được công bố trong ngày dựa vào báo cáo PMI, tình hình việc làm có thể “sáng sủa” hơn. Tuy nhiên, niềm tin khu vực Châu Âu cũng sẽ là thông tin đáng chú ý khi dự báo kết quả này sẽ u ám giống như niềm tin trong các báo cáo ZEW Đức, IFO và GFK, điều này có thể tác động tiêu cực đến giá trị đồng tiền này.
4. Bất ngờ lớn từ cán cân thương mại. Kết thúc phiên giao dịch Mỹ, đồng JPY tiếp tục chiếm ưu thế nhẹ so với đồng USD và GBP, nhưng lại mất giá so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác như EUR, CHF, CAD, AUD và NZD. Mặc dù NHTW Nhật có cái nhìn không mấy lạc quan về viễn cảnh kinh tế, nhưng nền kinh tế này vừa làm thị trường ngạc nhiên bởi cán cân thương mại tháng 1 tiếp tục thặng dư. Các nhà kinh tế trước đó dự báo rằng sẽ có thâm hụt trong cán cân thương mại bởi sức cầu yếu nhưng trong 12 tháng liên tiếp Nhật Bản đã xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Thực tế, xuất khẩu đã gia tăng 40% so với cùng kì năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng lần đầu tiên trong 14 tháng ở mức 8.6%. Cụ thể, Cầu gia tăng mạnh từ phía
Hoa Kỳ - tăng lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua. Trong khi đó, những biện pháp thắt chặt của Trung Quốc đã không gây ảnh hưởng xấu đến Nhật Bản, kéo theo xuất khẩu vào Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1985. Niềm tin các doanh nghiệp nhỏ cũng được cải thiện với chỉ số Shoko Chukin tháng 2 tăng từ 41.3 lên 42.3. Tuy nhiên, phó thống đốc BoJ tin rằng nền kinh tế có thể sẽ lình xình cho đến mùa hè năm nay trước khi phục hồi trở lại