Dư luận nói chung đang tỏ ra bức xúc vì lãi suất ngân hàng dường như “vẫn đang giẫm chân tại chỗ” trước yêu cầu hạ lãi suất của Chính phủ. Thậm chí thời gian gần đây lãi suất bắt đầu có dấu hiệu nhích dần lên, đặc biệt đối với đô la Mỹ và vàng. Áp lực phải chuẩn bị các điều kiện để thi hành Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1-10-2010 cũng đặt thị trường vốn và lãi suất vào tình thế căng thẳng hơn mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có những điều chỉnh nhỏ.
Tuy nhiên sẽ là ngộ nhận nếu vội quy kết rằng chính vì Thông tư 13 hoặc vì những biến động thất thường trên thị trường ngoại tệ và vàng... mà lãi suất có nguy cơ trở thành “con ngựa bất kham” khó bảo. Sự ngộ nhận đôi khi dễ dẫn đến chủ quan, duy ý chí, thậm chí cố gắng gây sức ép lên thị trường bằng mệnh lệnh hành chính. Cách làm này đã từng chứng tỏ là kém hiệu quả, gây méo mó thị trường, minh chứng gần đây nhất là những “tác động ngược” do hậu quả của chính sách đối phó với lạm phát cao và chống suy thoái qua các năm 2008-2009.
Theo lẽ thường, một khi cầu lớn hơn cung thì mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng lên hoặc khó giảm xuống như mong muốn. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là tại một số ngân hàng đã xuất hiện tình trạng thừa vốn kéo dài nhưng vẫn phải duy trì lãi suất cho vay khá cao nhằm mục đích bù đắp phần thiệt hại cho bộ phận vốn chưa tìm được đầu ra, hoặc do phải huy động với lãi suất cao trong thời gian trước đó.
Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là khả năng săn tìm các dự án khả thi, hiệu quả, có độ tin cậy cao để cho vay không phải là công việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa vượt qua hẳn giai đoạn trì trệ, ảnh hưởng dây chuyền của tiến trình cơ cấu lại Vinashin khiến cho nhiều ngân hàng chùn tay trong việc đầu tư tín dụng, kết quả tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua chủ yếu dựa vào lực lượng khách hàng cũ và khách hàng truyền thống là chính.
Hiện nay, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất. Hy vọng đây là những tín hiệu tích cực, khắc phục tình trạng “đứng nhìn nhau” mà không chủ động giảm lãi suất, qua đó tạo đà cho tiến trình giảm lãi suất diễn ra đồng đều hơn trong toàn bộ hệ thống ngân hàng thời gian tới.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến trình giảm lãi suất cho vay diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp căn cơ hơn để giảm mặt bằng lãi suất huy động vốn, kể cả tiền đồng và đô la Mỹ.
Đối với tiền gửi đô la Mỹ (của tổ chức và dân cư) đề nghị áp dụng trần lãi suất huy động tối đa, biện pháp này không những có tác dụng kép là giảm thiểu khả năng đầu cơ ngoại tệ và hạn chế tình trạng đô la hóa, mà còn có ảnh hưởng tích cực làm tăng thêm nguồn cung tiền đồng trong điều kiện tỷ giá tiếp tục giữ vững thế tương đối ổn định.
Một trong những trở lực lớn đối với hoạt động huy động vốn hiện nay là tâm lý kỳ vọng về lạm phát vẫn tiếp tục ở trạng thái không chắc chắn.
Tỷ lệ lạm phát định hướng do Chính phủ đề ra dao động từ 7-8% trong năm 2010 chưa thực sự tạo ra những tín hiệu lạc quan cho thị trường, đặc biệt thời gian gần đây giá vàng và đô la Mỹ có dấu hiện biến động tăng bất ngờ, nhập siêu vẫn ở mức cao, cộng hưởng với “khủng hoảng nợ Vinashin” đã làm dấy lên trong cộng đồng xã hội nhiều mối quan ngại về lòng tin đối với giá trị đồng tiền Việt Nam. Sự kiện các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh tụt hạng đối với Việt Nam vừa qua không phải là ngẫu nhiên và nên xem đó là cảnh báo đáng suy nghĩ.
Tóm lại, việc xử lý bài toán tăng - giảm lãi suất chung quy vẫn xoay quanh năng lực điều hành có hiệu quả quan hệ cung - cầu vốn trong nền kinh tế. Hai chủ thể đóng vai trò quan trọng nhất trong tiến trình giảm lãi suất hiện nay chính là NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ không thể thoái từ. Khái niệm “điều hành có hiệu quả quan hệ cung cầu vốn” xin được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, NHNN cần có tư duy đột phá trong quan điểm điều hành, có chính sách ứng xử phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế, đồng thời cũng nên tạo điều kiện tối đa để các NHTM phát huy đầy đủ vai trò là một trong những kênh tạo vốn vô cùng quan trọng cho nền kinh tế.
Hiểu theo nghĩa hẹp, hệ thống NHTM cần phải đi trước một bước trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng theo định hướng đôi bên cùng có lợi, chủ động giảm lãi suất cho vay đi đôi với đồng thuận giảm lãi suất huy động vốn, cùng với NHTM tạo ra thế tương tác vững chắc nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng đúng mục tiêu định hướng đề ra.
(Theo Vĩnh Phúc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com