Lãi suất cơ bản mới 8% vừa được Ngân hàng Nhà nước nâng lên và đã áp dụng được 1 tuần nay. Sự căng thẳng trong việc huy động vốn của các ngân hàng sau khi chính sách này được ban hành đã dịu bớt.
Ngay sau thời điểm lãi suất cơ bản 8% được áp dụng, các ngân hàng thương mại dường như cùng đồng loạt nâng lãi suất huy động. Mặc dù hiện tượng vượt lãi suất huy động 10,5% chưa được phát hiện, nhưng có 1 đặc điểm nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động lên sát mức 10,5%.
Trên bảng lãi suất của 1 ngân hàng TMCP sau thời điểm 1/12, dễ nhận thấy là mức lãi suất huy động ngắn hạn cũng như dài hạn đều tương đương nhau, thậm chí bằng nhau. Tức là đường cong lãi suất đã trở thành đường thẳng. Điều này cũng phản ánh mức độ khát vốn của các ngân hàng, nhất là ở những kì hạn ngắn hạn.
Theo nhìn nhận của lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, kể từ sau thời điểm 1/12, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải đong đếm cẩn thận hơn đồng vốn cho vay và đi vay. Nhưng mục tiêu là ngăn chặn lạm phát đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Ông Nguyễn Đức Vinh, TGĐ Ngân hàng Techcombank: “Tình hình huy động cũng như cho vay sau thời điểm 1/12 của Techcombank cũng không biến động nhiều, việc nâng lãi suất cơ bản cuối cùng là buộc các ngân hàng cân nhắc hơn khi cấp vốn cho vay cho các doanh nghiệp, thẩm định cẩn thận hơn… và cuối cùng là hiệu quả dòng vốn đúng hướng, đúng mục đích hơn, từ đó lạm phát được ngăn ngừa”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, tức là những người đi vay cho rằng, do chi phí vốn đã tăng lên, nên giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm có thể sẽ bị tác động, đặc biệt là trong bối cảnh đầu ra vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Ông Dương Minh Hùng, TGĐ Công ty Thủy sản Hùng Vương: “Tính toán các chi phí khi đi vay vốn, lên 1% thì giá thành sản phẩm cuối cùng có thể lên đến 4%, các doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục phát triển thì phải thẩm định lại các khâu để trượt tiêu các chi phí không cần thiết lãng phí để giá thành của sản phẩm có tính cạnh tranh”.
Thực tế, nhu cầu vốn càng về cuối năm càng tăng cao, trong khi sự thẩm định các dự án vay vốn của các ngân hàng sẽ càng khắt khe hơn. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, điều đó cũng chưa đáng ngại bằng việc các ngân hàng do thiếu vốn hoặc tín dụng bị thắt chặt, thì doanh nghiệp ngoài việc phải chịu lãi suất cao, họ sẽ còn phải cõng thêm nhiều chi phí như chi phí quản lý tài sản, phí thu xếp vốn.
Ông Nguyễn Văn An, Tập đoàn Thái Hòa: “Tình trạng này năm 2008 đã từng xảy ra, ngân hàng Nhà nước đã biết và cũng cần phải theo dõi thường xuyên vấn đề này vì nếu để tồn tại, các doanh nghiệp sẽ cực kì khó khăn khi vay vốn với chi phí rất cao".
Rõ ràng là, sau thời điểm 1/12 của đồng vốn đi vay và cho vay đã được cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp tính toán một cách cẩn trọng hơn. Và khi đã có sự tính toán, thẩm định kĩ càng thì hiệu quả của đồng vốn đó sẽ càng có cơ hội phát huy hiệu quả. Nhưng điều quan trọng nhất đó là dòng vốn đó phải nhịp nhàng thông suốt và không bị bó hẹp hoặc nới rộng một cách giật cục. Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
(VTV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com