Hiện thời, giới chức Nhật Bản đang đau đầu về việc đồng yên tăng giá, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, giới kinh doanh cũng nhìn ra khía cạnh tích cực của hiện tượng này.
Dư luận vẫn không quên cảnh báo cách đây hơn một năm, khi tạp chí “Time” đăng bài viết “Vì sao đồng yên giết chết doanh nghiệp Nhật Bản?", đặc biệt là khi kinh tế Nhật mất đi 13% giá trị chỉ trong quý IV/2008. Song, nhiều chuyên gia cho rằng tình hình không quá tồi tệ như Chính phủ Nhật Bản từng quan ngại.
Theo Viện nghiên cứu Shinko, bất chấp suy thoái kinh tế trầm trọng, 10 doanh nghiệp làm ăn có lãi trên Thị trường Chứng khoán Tokyo vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2009. Cũng trong năm đó, khi khủng hoảng lên tới đỉnh điểm, giới doanh nghiệp xứ Phù Tang đã bỏ túi khoản lợi nhuận 545 tỷ USD. Ngoại trừ Tập đoàn ô tô số 1 thế giới Toyota và Japan Airlines, có thể nói xám không phải là gam màu chủ đạo trên bức tranh tổng thể về các doanh nghiệp Nhật Bản.
Công ty viễn thông EMOBILE của Tiến sĩ Sachio Semmoto đang tìm kiếm một thỏa thuận với Công ty Softbank chia sẻ mạng di động tốc độ cao. Ông chủ của EMOBILE cho rằng đồng yên cao thực tế lại có lợi cho Nhật Bản, ngay cả khi nó tác động tiêu cực đến xuất khẩu của nước này. Theo Tiến sĩ Semmoto, nhiều công ty Nhật có trong tay rất nhiều tiền mặt và đang tìm kiếm cơ hội liên doanh liên kết và đầu tư bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Vậy nên, từ góc độ này, đồng yên cao chính là một cơ hội tuyệt vời để Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài.
Trường hợp của Công ty thực phẩm và giải khát Suntory mua lại công ty Frucor của New Zealand hồi tháng 10/2009 là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Chỉ riêng trong tài khóa 2009, các hoạt động sáp nhập và liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác New Zealand tăng gấp 3 lần. Tiến sĩ Semmoto cho rằng đồng yên tăng giá là “cơ hội ngàn vàng để Nhật Bản hội nhập và toàn cầu hóa”.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty kiểm tra an toàn thực phẩm Hill Laboratories, ông Hiroshi Ito, cho rằng sự đảo chiều lên giá của đồng yên gây nhiều bất ngờ. Năm ngoái, đồng tiền này giảm xuống còn 90 yên/1USD nhưng trong những ngày gần đây, giá quy đổi đã giảm đi chỉ còn một nửa. Tuy nhiên, ông Ito tỏ ra lạc quan về tương lai của Hill Laboratories tại thị trường châu Á rộng lớn. Đây là cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp kiểm định thực phẩm Nhật Bản.
Với dân số bị lão hóa, năng lực sản xuất thực phẩm ở Nhật Bản chỉ cung ứng đủ 40% nhu cầu tiêu dùng của xã hội, 60% còn lại là hàng nhập khẩu. Cùng với đồng yên tăng giá, sức mua nội địa ở Nhật Bản sẽ tăng mạnh. Do đó, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tại những nước có truyền thống xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam, có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản.
Khi được hỏi về việc nên lạc quan hay bi quan về hiện tượng giảm phát và đồng yên tăng giá, ông Ito đã trả lời khá hóm hỉnh: “Người dân Nhật Bản đã quá quen với tình trạng giảm phát nên các doanh nghiệp Nhật Bản thực tế không cảm thấy bi quan về kinh tế Nhật vì mọi thứ sẽ không thể tệ hơn được nữa”.
Mặc dù Nhật Bản nổi tiếng là đất nước của những người bi quan bởi thay vì chi tiêu họ lại lo tiết kiệm, nhưng khía cạnh tích cực của nó là mỗi hộ gia đình có thể để ra được 100.000 USD tiền nhàn rỗi mỗi năm. Đáng chú ý là một khối lượng tiền lớn này đang nằm trong tay các ngân hàng và quỹ tiết kiệm. Theo đánh giá của một nhà nghiên cứu, “Nhật Bản đang chìm ngập trong tiền mặt” và vấn đề ở chỗ là dùng số tiền khổng lồ này sao cho hợp lý, sinh lời.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com