Sáu tháng đầu năm 2010, doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ở TP Hồ Chí Minh, địa bàn kinh tế quan trọng nhất trong cả nước cho biết, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả năm 2009, chủ yếu do chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Một bộ phận không nhỏ các DN vừa và nhỏ không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh vì lãi suất vay quá cao. Các DN kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu lớn như lúa gạo, cà-phê, thủy sản... chỉ vay được từ 10 đến 20% nhu cầu vốn vay (lãi suất 12%) còn 80% còn lại phải vay với lãi suất 16% buộc DN phải tạm ngưng sản xuất, kinh doanh do không đủ tiền trả lãi.
Theo ông Lê Ðức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: Với những biện pháp siết chặt tiền tệ thực hiện trong thời gian qua, lạm phát tăng cao không diễn ra như dự kiến mà thách thức lớn nhất là phải phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm 2010 so với tháng 12-2009 tăng 4,78% là mức tăng thấp nhất trong sáu năm kể từ năm 2004 (trừ năm 2006). Diễn biến này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính kinh tế thế giới phục hồi chậm, khiến đầu vào giá vật tư nguyên liệu, giá dầu và các loại hàng hóa khác cũng ở mức thấp (trừ giá vàng). Trong nước, giá lương thực giảm liên tiếp trong năm tháng, giảm 5,57%; giá xăng dầu hai lần giảm, giá dịch vụ bưu chính viễn thông liên tục giảm trong nhiều tháng. Việc siết chặt chính sách tiền tệ trong các tháng đầu năm còn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, khiến đầu tư trong khu vực kinh tế dân doanh tăng rất thấp 9% so với cùng kỳ năm ngoái là 54%. Thực tế sáu tháng đầu năm 2010 đang tái diễn cảnh DN thiếu vốn mà chẳng dám vay còn ngân hàng có vốn nhưng không cho vay được vì lãi suất cao. Nguyên nhân là do huy động lãi suất cao từ dân cư nên ngân hàng không thể giảm nhanh lãi suất.
Mặt khác dù đã có sự điều chỉnh giảm đồng thuận giữa các thành viên hiệp hội ngân hàng song mặt bằng lãi suất huy động hiện nay vẫn ở mức xoay quanh 11,2%/năm (thời hạn dưới một năm). Khả năng lãi suất sẽ còn được điều chỉnh trong thời gian tới nếu lạm phát giảm, nhưng trước mắt khó giảm thêm vì huy động vốn đang gặp khó khăn. Ngoài ra, khả năng tăng tín dụng cũng đang bị hạn chế do lãi suất huy động bị cạnh tranh bởi các kênh đầu tư và còn do một bộ phận bà con lo ngại lạm phát tái diễn nên không dám gửi vốn nhàn rỗi vào ngân hàng khiến cho vốn huy động tăng chậm.
Trước nhu cầu vốn hai quý cuối năm tăng cao hơn sáu tháng đầu năm và cũng là thời gian quyết định thành, bại của DN, đây còn là thời điểm quyết định việc hoàn thành kế hoạch năm 2010, cũng như tăng trưởng kinh tế cả nước. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm lãi suất huy động, tuy nhiên những quy định gần đây khiến việc giảm lãi suất không dễ dàng. Cụ thể như thị trường liên ngân hàng là nơi để các ngân hàng điều tiết vốn nhưng Ngân hàng Nhà nước lại quy định ngân hàng không được vay trên thị trường liên ngân hàng quá 20% vốn huy động từ dân cư, khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của các ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ không vay được từ thị trường liên ngân hàng buộc phải vay từ dân cư là phải tăng lãi suất. Nếu ngân hàng nhỏ giữ lãi suất cao thì các ngân hàng lớn có dư vốn cũng không thể giảm lãi suất được, dẫn đến lãi suất khó lòng giảm.
Ngoài ra vẫn còn một số quy định không hợp lý như ngân hàng nước ngoài không được dựa vào vốn của ngân hàng mẹ để cho vay (áp đặt mức cho vay không quá 15% vốn tự có của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho một khách hàng). Việc không tính tiền gửi thanh toán của tổ chức tín dụng khác vào tổng nguồn vốn huy động của một ngân hàng... cũng đang làm tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Nếu ngân hàng Nhà nước quyết liệt sửa ngay những quy định không hợp lý về huy động vốn và cho vay để thị trường này hoạt động minh bạch, công khai theo nguyên tắc thị trường đồng thời áp dụng các biện pháp tái cấp vốn, tái chiết khấu để giảm lãi suất hệ thống ngân hàng, triển vọng kinh tế năm 2010 sẽ lạc quan hơn.
(Theo BĂNG CHÂU // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com