Hầu như không có biến động đáng kể trong nhiều tuần gần đây, mặt bằng lãi suất cho vay VND trên thị trường chỉ thực sự có xu hướng giảm ở nhóm khách hàng xuất nhập khẩu hoặc ở những nhóm khách hàng riêng biệt theo tiêu chí lựa chọn riêng của mỗi ngân hàng.
Xác định sàn lãi suất
Với động thái hạ lãi vay hôm 24.8, LienVietBank hiện là ngân hàng (NH) có mức lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường hiện nay (10,7%/năm) với khoản vay hạn ngắn. Cũng như ở nhiều ngân hàng khác, đưa ra mức lãi suất này, LienVietBank cũng đòi hỏi người vay vốn phải đáp ứng những điều kiện riêng.
Cụ thể, LienVietBank chỉ áp dụng 10,7%/năm đối với khoản vay cầm cố và chiết khấu giấy tờ có giá (GTCG) có thời hạn cho vay dưới 1 tháng. Còn với các khoản vay cầm cố, chiết khấu GTCG có thời hạn trên 1 tháng đến 2 tháng và trên 2 tháng đến 3 tháng, mức lãi suất cho vay cũng được hạ xuống mức tương đương với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, lần lượt ở mức 11,3%/năm và 11,7%/năm. Dẫu vậy rõ ràng không phải khách hàng nào cũng có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này bởi không phải khách hàng nào cũng có GTCG do LienVietBank hay các NH được LienVietBank chấp nhận phát hành.
So với mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay, phổ biến ở mức 13-14%/năm ở nhóm các NHTM nhà nước và 14-14,5%/năm ở nhóm các NHTM cổ phần, mức lãi suất mà LienVietBank đưa ra thực sự gây “sốc” vì chỉ tương đương với lãi suất huy động. Với mức lãi suất cho vay thấp như vậy, phần “lãi” mà LienVietBank có thể lấy được từ các hợp đồng tín dụng kiểu này sẽ phải được chuyển hóa thông qua kênh mua bán GTCG trên thị trường mở vốn được NHNN liên tiếp mở trong các tháng gần đây.
Các tìm hiểu cho thấy trong thời gian gần đây, NHNN liên tục mua vào các loại GTCG kỳ hạn ngắn 7-28 ngày và chủ yếu các kỳ hạn 14-28 ngày trong hai tuần gần đây với lãi suất 7,5-8%/năm. Diễn biến này cho thấy, thị trường mở vẫn là nguồn cung vốn giá rẻ cho các NHTM trong “chiến dịch” hạ lãi suất cho vay trên thị trường và thậm chí là kênh có thể mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn cho các NHTM khi thực hiện trao đổi các loại GTCG. Với sản phẩm cho vay cầm cố giấy tờ có giá trên đây, LienVietBank có thể là đang cụ thể hóa khả năng hạ lãi suất trên thị trường bằng việc kết nối liên thông khách hàng – ngân hàng với kênh thị trường mở.
Ưu ái khách hàng "ruột"
Song ngoài sản phẩm đưa lãi vay xuống thấp nhất trên đây, mặt bằng lãi vay chỉ có được những điều chỉnh giảm đáng kể đối với nhóm khách hàng ưu đãi và đặc biệt là xuất nhập khẩu vốn có khả năng tăng mạnh tín dụng trong các tháng cuối năm. Sau cam kết của Vietinbank dành hàng chục nghìn tỉ đồng cho các DN xuất nhập khẩu từ tháng 7.2010 đến cuối năm với lãi suất 12,5%/năm, hàng loạt các NH cũng tiến hành hạ mức lãi suất cho vay này qua đó đưa mặt bằng lãi suất đối với nhóm khách hàng này xuống thấp nhất 12%/năm và cao nhất 14,5%/năm.
Chưa dừng lại ở đây, với nhóm các khách hàng “ruột”, nhiều NHTM cũng đưa ra những chính sách ưu đãi riêng tạo nên bước giảm đáng kể về lãi suất cho vay. HDBank mới đây công bố dành lãi suất 11,5%/năm cho các DN vừa và nhỏ vay vốn trung dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đây cũng là NHTM sớm nhất đưa lãi suất cho vay VND xuống còn 11,5%/năm trước khi LienVietbank công bố biểu lãi suất 10,7%/năm. Ngoài đối tượng trên, HDBank cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất vay đối với một số đối tượng khác so với khung hiện tại trên thị trường.
Xác định nhóm khách hàng tiềm năng là cơ sở để nhiều NHTM tiến hành giảm lãi vay và phương án này cũng đang được Habubank lựa chọn.Nhắm vào nhóm khách hàng khu vực nông nghiệp – nông thôn, Habubank áp dụng lãi vay thấp hơn 1-2% mức công bố trong từng thời kỳ với các khoản vay sử dụng nguồn vốn từ dự án tài chính nông thôn III. Dù có quy mô khiêm tốn, Western Bank ngay từ rất sớm cũng điều chỉnh hạ lãi suất cho vay 0,48-1%/năm tùy sản phẩm vay qua đó đưa lãi vay lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh xuống còn 14,4% năm.
Riêng các DN vay xuất nhập khẩu với hạn mức lớn được vay với lãi suất 12,89%/năm. Những diễn biến mới này cho thấy, thực tế lãi suất cho vay VND vẫn đang “lặng lẽ” hạ nhiệt và giảm sâu với những nhóm khách hàng được xác định là tiềm năng và ít rủi ro. Thay vì về một mặt bằng chung như đồng thuận, lãi vay theo từng nhóm khách hàng thực tế đang phản ánh rõ hơn định hướng tín dụng của mỗi ngân hàng và tạo nên sự cạnh tranh cần thiết trên thị trường cho vay.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com