Ngày 26-2-2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 07/2010/TT-NHNN quy định việc cho vay bằng VND theo lãi suất thỏa thuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Việc ban hành Thông tư 07 giúp lãi suất dẫn được trả về cho thị trường, qua đó khơi thông được nguồn vốn tín dụng trung - dài hạn, mang lại nhiều lợi ích cho các TCTD và cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng, sử dụng vốn hợp lý hơn... phục vụ cho nền kinh tế. Ðiều đặc biệt Thông tư 07 là tín hiệu chính sách cho những bước tiến thận trọng dần đạt đến mục tiêu tự do hóa lãi suất.
Ðiểm lại lịch sử cơ chế điều hành lãi suất của NHNN, tiến trình tự do hóa lãi suất được đánh dấu bằng những mốc quan trọng. Tháng 6-2001: trần lãi suất cho vay ngoại tệ được xóa bỏ, mức lãi suất cho vay và huy động ngoại tệ do các Ngân hàng Thương mại (NHTM) tự quyết định theo cung - cầu vốn trên thị trường trong từng thời kỳ. Riêng lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp tại NHTM và tiền gửi ngoại tệ của NHTM tại NHNN chưa được tự do hóa mà vẫn do NHNN quy định, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bán ngoại tệ cho các NHTM và các NHTM không gửi ngoại tệ ra nước ngoài.
Ngày 30-5-2002, NHNN đưa ra Quyết định số 546/2002/QÐ-NHNN về việc thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Theo đó, các TCTD xác định lãi suất cho vay bằng VND trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. NHNN không quy định biên độ lãi suất cho vay so với lãi suất cơ bản nhưng vẫn tiếp tục công bố lãi suất cơ bản để tham khảo và định hướng lãi suất thị trường.
Như vậy, cùng với việc trần lãi suất cho vay ngoại tệ được xóa bỏ và việc thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với VND thì lãi suất đã được tự do hóa hoàn toàn. Lãi suất cơ bản NHNN công bố làm tham khảo và định hướng lãi suất thị trường. Các TCTD mở rộng huy động và cho vay đối với nền kinh tế, qua đó góp phần giúp kinh tế đạt được sự tăng trưởng cao qua nhiều năm.
Cơ chế lãi suất đã có tác động tích cực bình ổn thị trường trong thời kỳ khủng hoảng, và các cú sốc do những thay đổi chính sách để chống lạm phát và suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, vai trò lịch sử đó đã đến lúc phải dừng lại để phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thị trường, khi mà những tác động tích cực đã giảm dần và những tác động bất lợi đã xuất hiện: lãi suất đã không phản ánh được quan hệ cung - cầu trên thị trường; các TCTD đã lách "trần cho vay" bằng các khoản phí... Mặt khác, những bất cập trong cơ chế "lãi suất trần" đã làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động của các TCTD: nguồn vốn huy động ngắn hạn tăng lên, trong khi nhu cầu vốn vay trung - dài hạn là rất lớn, điều này có thể làm rủi ro mất cân đối kỳ hạn vốn tăng lên. Chính vì vậy, ngày 26-2-2010, NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2010/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận với các khách hàng vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Cơ chế này cũng áp dụng với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực tiếp phục vụ cá nhân và hộ gia đình của khách hàng vay; các hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.
Thông tư 07 có hiệu lực đã nhận được phản ứng tích cực từ các TCTD, các chuyên gia, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Các chuyên gia cho rằng lãi suất dẫn được trả về cho thị trường, đã khơi thông được nguồn vốn tín dụng trung - dài hạn và mang lại lợi ích cho các TCTD, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng, sử dụng vốn một cách hợp lý hơn... và cho nền kinh tế. Ðiều này có thể thấy rõ qua một số điểm.
Thứ nhất, hình thành mặt bằng lãi suất cho vay minh bạch, rõ ràng và phản ánh đúng tín hiệu của thị trường. Cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay được vốn với giá thỏa thuận minh bạch, vừa chấm dứt tình trạng phí "ngầm" trong bản thân mỗi tổ chức tín dụng mà NHNN cũng khó kiểm soát.
Thứ hai, với việc vận hành theo cơ chế của thị trường thì các NHTM sẽ thay đổi mức lãi suất cho vay dựa trên các yếu tố: chi phí vốn đầu vào của ngân hàng; mức độ rủi ro của từng khách hàng; lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của họ và một số yếu tố liên quan khác. Vậy, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp chủ yếu sẽ phụ thuộc chính bản thân doanh nghiệp. Do đó, để tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì các doanh nghiệp sẽ phải hoạt động, sử dụng vốn có hiệu quả và phải bỏ ra chi phí hợp lý cho các khoản vay của mình. Về việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết cho biết: Các doanh nghiệp niêm yết, tự tin khi cho rằng có 90% là các doanh nghiệp tốt nên có thể tiếp cận được chính sách tín dụng hợp lý của các ngân hàng.
Thứ ba, việc điều chỉnh chính sách nói trên cũng không có nhiều bất ngờ, bởi có những thông tin "tín hiệu" trước đó nên doanh nghiệp cũng đã tính toán kỹ khi xét đến các kế hoạch vay vốn.
Những phản ứng tích cực của thị trường là cơ sở khẳng định tính đúng đắn của Thông tư 07, những phản ứng này là một tín hiệu tốt để NHNN thực hiện những bước tiếp theo.
(Theo XUÂN ÐẢNG // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com