Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới WB công bố hồi tuần trước, trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế thế giới thì lượng kiều hối có thể nói là nguồn ngoại tệ đáng tin cậy nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Philippines, Indonesia và Ấn Độ.
Trong khi các nền kinh tế lớn đang đi xuống, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu đối với các loại hàng hóa xuất khẩu tại châu Á, thì phần còn lại của thế giới vẫn nên lạc quan khi mà họ đang sở hữu một "mặt hàng" xuất khẩu vô cùng giá trị, đó là... lao động.
Báo cáo dài 468 trang với nhan đề "Nhập cư và kiều hối trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu" phân tích sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế lên lượng kiều hối và hình vi người lao động nhập cư. Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008 và đến nay vẫn còn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới.
Trong khi Mỹ, châu Âu và Trung Đông (điểm đến lớn nhất của lao động nhập cư) bị tổn thất nặng nề bởi cuộc khủng hoảng vào năm 2008, 2009, một số chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ có sự sụt giảm mạnh về lượng kiều hối và số lượng lớn lao động nhập cư phải "về vườn". Lao động nhập cư có lẽ là đối tượng có nguy cơ bị mất việc hoặc cắt giảm tiền lương trước tiên trong giai đoạn khủng hoảng. Họ cũng chính là đối tượng bị nhắm đến trong những chính sách mới nhằm cải thiện cơ hội việc làm cho người dân của nước sở tại.
Kiều hối do lao động xuất khẩu gửi về có thể nói là nguồn ngoại tệ đáng tin cậy nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Philippines, Indonesia và Ấn Độ. |
Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Mặc dù khó khăn bủa vây toàn thế giới nhưng số lượng những người lao động nhập nước ngoài không ngừng tăng lên. Theo tính toán của WB, lượng kiều hối có giảm nhưng không nhiều, chỉ khoảng 6% năm 2009 so với năm 2008. Là mức giảm kỷ lục đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua nhưng nó chỉ là một sự chuyển biến rất nhỏ so với mức giảm hơn 40% về đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tài sản tại các nước đang phải triển trong cùng giai đoạn.
Ông Dilip Ratha, kinh tế trưởng và quản lý văn phòng kiều hối và nhập cư tại ngân hàng WB, một trong các tác giả của bài báo cáo cho biết: "Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã diễn ra và nó đã ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia nhập cư, nhưng có thể nói, lượng kiều hối vẫn được duy trì khá ổn định và tích cực. Chúng đã chứng minh được sự mạnh mẽ của mình trước cuộc khủng hoảng".
Những lao động nhập cư chăm chỉ hiểu rằng, trong khoảng thời gian khó khăn họ cần tiếp tục gửi tiền về quê hương. Và mặc dù theo khảo sát của WB thì họ sẽ phải đối mặt với thu nhập thấp hơn và tỷ lệ thất nhiệp cao hơn vào năm 2009, nhưng những lao động này vẫn tìm cách gửi tiền về gia đình bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu.
Thực tế, người lao động Philippines ở nước ngoài đã gửi nhiều tiền về quê hương hơn trong thời gian khủng hoảng vì đồng Peso giảm mạnh và đó là cơ hội để họ đầu tư. Lượng kiều hối lớn người lao động nước ngoài gửi về mỗi năm là một trong những nguyên nhân vì sao gần đây quốc gia này cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng nợ.
Phó giáo sư Ty Matejowsky tại đại học Central Florida cho biết, ngay cả khi suy thoái kinh tế đang hoành hành và tàn phá thị trường thế giới thì dòng người lao động từ Philippines vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Hầu hết kinh tế của các hộ gia đình Philippines có người đi lao động nước ngoài đều không bị ảnh hưởng nhiều trước cuộc khủng hoảng khi mà lượng tiền họ nhận được có xu hướng ngày một gia tăng.
Đối với các quốc gia xuất khẩu lao động thì sự ổn định về lượng kiều hối có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khoản kiều hối trị giá đến 300 tỷ USD mỗi năm sẽ góp phần rất lớn giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế.
Mặc dù số lượng kiều hối nhiều gấp đôi số tiền trợ cấp mà các quốc gia đang phát triển nhận được, chúng cũng ổn định hơn nhiều so với các khoản đầu tư nước ngoài tại lĩnh vực sản xuất hay thị trường chứng khoán...nhưng hầu hết các quốc gia vẫn chưa nỗ lực để thúc đẩy nó. Họ cần phải tích cực hành động tốt hơn nữa để tạo điều kiện và khuyến khích người lao động nước ngoài gửi tiền về đầu tư tại quê hương bằng những chính sách thiết thực và cụ thể.
Ông Ratha cho biết "Trong khi hầu hết các chính phủ trên thế giới đều tập trung tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì họ lại rất ít để tâm đến việc thúc đẩy lượng kiều hối. Kiều hối đang thực sự cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân đất nước Philippines và toàn thế giới. Nhưng chúng lại không dành được sự quan tâm của các nhà làm chính sách".
----------------
Tác giả: Hung Ninh (Theo WSJ) // Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com